Không để lặp lại tình trạng như trạm BOT Cai Lậy

30/12/2017 17:19
Diệu Linh
(GDVN) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tiếp tục rà soát tất cả các dự án BOT đường bộ có biện pháp giải quyết tối ưu, chặt chẽ.

Trước đó vào tháng 11/2017, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 535/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về một số bất cập, hạn chế và cơ chế, chính sách qua kết quả kiểm toán các dự án BOT, BT và công tác cổ phần hóa, liên doanh, liên kết.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để thực hiện các biện pháp hữu hiệu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là quản lý quá trình thực hiện các dự án theo hình thức hợp đồng BOT, BT.

Tiếp tục rà soát toàn diện, hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, gắn với đề án tái cấu trúc ngành, hướng tới phát triển hài hòa các phương thức vận tải; chủ trì xây dựng, đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP trong tất cả các lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không, đường thủy nội địa); định hướng lập các trạm thu phí, khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập xảy ra trong giai đoạn qua.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và ban hành các quy trình quyết toán hợp đồng đối với các nhà đầu tư; thực hiện quyết toán các công trình theo đúng quy định của pháp luật; tiếp tục rà soát thời gian thu phí hợp lý các dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Các Bộ, cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và công tác cổ phần hóa, liên doanh liên kết bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật; triển khai các phương án xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra khuyết điểm, vi phạm trong quá trình thực hiện.

Không để lặp lại tình trạng như trạm BOT Cai Lậy. ảnh: TTXVN.
Không để lặp lại tình trạng như trạm BOT Cai Lậy. ảnh: TTXVN.

Chiều 18/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của xã hội hoá nguồn lực.

“Việt Nam đã có bước phát triển hạ tầng vượt bậc khi trong lĩnh vực giao thông huy động xã hội hoá BOT được 200.000 tỉ đồng”, Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ qua giám sát tối cao của Quốc hội cũng như giám sát của Kiểm toán Nhà nước, đã chỉ ra nhiều bất cập của BOT.

Cơ chế, chính sách của các dự án BOT còn nhiều bất cập, thiếu giám sát, thiếu kiểm tra nên có nhiều sai phạm xảy ra.

Không để lặp lại tình trạng như trạm BOT Cai Lậy ảnh 2

"Di sản" của ông Đinh La Thăng khiến Bộ Giao thông chịu nhiều áp lực

Cụ thể, triển khai BOT giao thông còn nhiều bất cập khi kế hoạch hệ thống BOT chưa làm tốt, triển khai ồ ạt. Có những tuyến đường gây bức xúc về số trạm, giá, phí BOT.

Thủ tướng cho rằng: “Tức là, cơ chế, thể chế, chính sách về BOT còn nhiều bất cập. Chúng ta thiếu giám sát, thiếu kiểm tra. .

Về giải pháp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng vẫn cần tận dụng nguồn lực xã hội, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để hệ thống pháp luật về BOT tốt hơn, rõ hơn, có cơ sở giám sát tốt hơn…

Cùng đó, kiểm soát được tổng mức đầu tư, thời gian thu, giá phí, đấu thầu công khai rộng rãi để nhiều nhà đầu tư tham gia, từ đó góp phần giảm chi phí, không chỉ định thầu bởi làm giảm hiệu quả đầu tư.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã rà soát để quyết liệt chấn chỉnh các hạn chế của BOT; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về BOT để triển khai tốt hơn trong thời gian tới.

“Với tinh thần phải xã hội hoá mạnh mẽ nguồn lực trong thời gian tới, BOT là cách thức huy động vốn rất quan trọng trong hai lĩnh vực điện và giao thông.

Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để các quy định tốt hơn, rõ hơn, có cơ sở khoa học, kiểm soát được tổng mức đầu tư, thời gian thu phí, giá phí”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định: “Công trình BOT giao thông phải đấu thầu công khai rộng rãi để nhiều nhà đầu tư tham gia, không phải chỉ định”.

Diệu Linh