Không được vay vốn để... ăn, chia

31/10/2014 07:45
Ngọc Quang
(GDVN) - Vấn đề đặt ra là kiểm soát nợ công sao cho hiệu quả, vay để xây dựng và phát triển, đó là điều bắt buộc, nhưng không được vay để ăn, chia.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Tiềng Giang) đã chia sẻ với báo chí bên lề kỳ họp về kiểm soát nợ công, nợ xấu.

- Có ý kiến cho rằng, nợ công được kiểm soát, xử lý nợ xấu đạt khả quan, theo ông vấn đề này được hiểu như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tiên: Đây là vấn đề được cử tri và các ĐBQH quan tâm lo lắng, vì nó liên quan đến sự đảm bảo duy trì, phát triển bền vững của dân tộc, nhất là vấn đề kiểm soát nợ công. Trong trường hợp nợ công phát sinh từ vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá, sân bay… phục vụ nhân dân thì hoàn toàn ủng hộ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là kiểm soát nợ công sao cho hiệu quả. Vay để xây dựng và phát triển, đó là điều bắt buộc vì vay có ưu đãi và để đầu tư xây dựng cho tương lai. Tuy nhiên, phải giữ được nguyên tắc vàng là không vay để ăn, chia.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Qua giám sát, tôi được biết có một số dự án tăng cường về năng lực tới hàng trăm triệu USD cho một số lĩnh vực xã hội, giáo dục, y tế, lao động thương binh xã hội, môi trường… Tất cả những dự án đó phải cẩn thận, vì khoản vay có nhiều điều kiện ràng buộc và chi phí về chuyên gia kỹ thuật rất lớn, gây lãng phí. Ngân sách thì chưa dám sử dụng chi tiêu, những trong các khoản vốn ODA, theo ký kết của các nhà tài trợ thì khoản chi này rất lớn. Do vậy, phải hết sức thận trọng và Quốc hội cần phải kiểm soát chặt chẽ những khoản vay ODA.

- Liên quan đến nợ xấu, ông đánh giá hoạt động của ngân hàng hiện nay như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tiên: Hiện nay, các ngân hàng quá chặt chẽ, vì đã có thời gian qua lỏng lẻo trong khâu quản lý. Do vậy, giờ họ đã xiết chặt lại và không dám mạo hiểm như những năm trước. Cho nên, việc sử dụng vốn và cho vay vốn rất hạn chế. Tôi đã thử hỏi một số ngân hàng và được biết các điều kiện vay vốn của họ tại thời điểm này rất chặt chẽ. Điều này gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Ngân hàng nào dám cho vay vốn là phải nhìn thấy doanh nghiệp đi vay làm ăn có hiệu quả rõ ràng. Những doanh nghiệp mới thành lập, rất khó có thể vay vốn ngân hàng.

Có lẽ, ngành ngân hàng cần xem xét tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mới thành lập được vay vốn, thì nền kinh tế mới phát triển tốt. Nếu cứ như tình trạng hiện nay, sẽ rất khó khăn vực lại nền kinh tế.

- Hoạt động Ngân hàng có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của nền kinh tế không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Tiên: Ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế. Khi ngân hàng tăng mức cho vay từ các nguồn vốn, quỹ cho các doanh nghiệp vay, đương nhiên các doanh nghiệp sẽ có điều kiện phát triển và bộ mặt kinh tế sẽ khởi sắc.

Tuy nhiên, khi mở rộng tăng mức cho vay mà không có biện pháp kiểm soát chặt, tránh nợ xấu thì điều này ngân hàng sẽ phải cảnh giác.

Ngân hàng cảnh giác cao trong thời điểm này, bởi mấy năm trước, ngành này mở quá nhiều và gặp nhiều nguy hiểm, nên giờ họ rất thận trọng, chặt chẽ. Tôi nghĩ rằng, bài học của những năm trước đây, được ngân hàng rút kinh nghiệm nên đã quá cẩn thận, chặt chẽ. Cái chính là trách nhiệm của Chính phủ xem xét theo hướng mở rộng kích cầu để nền kinh tế phát triển.

Nếu bó chặt nền kinh tế lại, đất nước sẽ rất khó khăn bởi doanh nghiệp không phát triển thì không có thuế và nếu không có thuế, nền kinh tế của đất nước bị tụt hậu, không phát triển.

- Theo ông mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2014 của Chính phủ đặt ra là 5,8% liệu có khả quan?

Ông Nguyễn Văn Tiên: Theo tôi, chỉ tiêu tăng trưởng 5,8% về kinh tế cho năm 2014 có thể đạt được và rất khả quan. Hiện nay, xu thế nền kinh tế nước ta đang phục hồi và các doanh nghiệp cũng đang phục hồi. Tuy vừa rồi có gần 50 nghìn doanh nghiệp đóng cửa, nhưng cũng với con số tương tự là các doanh nghiệp mới thành lập. Phải nói rằng, doanh nghiệp bằng vốn tự có và trí tuệ, sức lực của họ nên rất trăn trở. Bởi bỏ đồng vốn ra, phải tìm được hướng đi phù hợp, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chúng ta nên tin tưởng thế hệ trẻ, khi họ thành lập doanh nghiệp đã tìm hướng đi từ trước rồi, chứ không theo lối mòn của tư duy thời bao cấp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang