Kiểm toán nhiều dự án BOT, BT trong năm 2016

21/01/2016 10:54
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước dự kiến kiểm toán 42 đầu mối, dự án, trong đó có 2 dự án BT và 9 dự án BOT.

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố kế hoạch làm việc năm 2016. Theo đó, năm 2016 Kiểm toán nhà nước sẽ tập trung kiểm toán 3 lĩnh vực chính gồm: ngân sách nhà nước; kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động.

Tại lĩnh vực kiểm toán hoạt động, Kiểm toán Nhà nước dự kiến kiểm toán 42 đầu mối, dự án (bao gồm Dự án đầu tư xây dựng Công trình Nhà Quốc hội), trong đó có 2 dự án BT và 9 dự án BOT.

Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Kiểm toán nhà nước đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2016. Ảnh nguồn TTXVN.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Kiểm toán nhà nước đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2016. Ảnh nguồn TTXVN.

Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán nhiều các dự án thuộc ngành giao thông điển hình như dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án cầu Sài Gòn 2, cầu Cổ Chiên, quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên, nút giao khác mức Ngã ba Huế hay nhiều công trình hàng không như nhà ga sân bay quốc tế Phú Quốc, khu bay cảng Cát Bi…

Theo văn bản lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về kế hoạch kiểm toán, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhấn mạnh nên thực hiện kiểm toán năm 2016 ở lĩnh vực được dư luận quan tâm như việc sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; các dự án đầu tư BOT, dự án sử dụng vốn ODA, dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ...

Trước đó, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khi cho ý kiến về kế hoạch kiểm toán năm 2016 của Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán những đối tượng sử dụng vốn, ngân sách và tài sản nhà nước, trong đó có dự án sử dụng vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP).

Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Kiểm toán Nhà nước tăng cường kiểm toán đối với các dự án, công trình lớn, chú trọng kiểm toán hiệu quả của các dự án đầu tư, trong đó cần quan tâm tới các dự án hoàn thành trong năm 2015, các dự án kiểm toán năm 2015 chuyển sang.

Trong số này có Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên dùng vốn ngân sách và vốn trái phiếu chính phủ; Một số dự án nhóm A, một số công trình kết cấu hạ tầng, công trình thủy lợi quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn ODA.

Trước đó, với hai dự án BOT đã đưa vào sử dụng là dự án BOT mở rộng đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát và dự án BOT nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết luận: Dự án thứ nhất sai phạm trong việc lập, thẩm định dự án, phương án tài chính chưa chính xác khiến dự án thu phí kéo dài và đội vốn lên đến 1.202 tỉ đồng.

Còn dự án BOT quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Bắc Giang sai sót thẩm định và phê duyệt tăng tổng mức đầu tư thêm 819 tỉ đồng.

Thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, tính đến hết tháng 6/2015, kết quả huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực tư vào các dự án hạ tầng là rất lớn: 71 dự án theo hình thức đầu tư BOT và BT với tổng giá trị 202.556 tỉ đồng (tính riêng hệ thống đường bộ và chưa tính các dự án do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc thực hiện).

Trong số này có 20 dự án đã đi vào khai thác và 51 dự án đang thực hiện đầu tư. Hai dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát và nâng cấp đoạn Hà Nội - Bắc Giang có tên trong danh sách này, đều là các dự án được chỉ định thầu sau khi Nhà nước quyết định không bỏ ngân sách đầu tư nữa.

Tính toán của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn cho các dự án hạ tầng do bộ này quản lý cần khoảng 1,051 triệu tỉ đồng mà khả năng đáp ứng từ ngân sách hoặc gốc ngân sách chỉ được 28%.

Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ kiểm toán các dự án đầu tư đáng chú ý là công trình tòa nhà Quốc hội, trung tâm hành chính Bà Rịa - Vũng Tàu, trụ sở Bộ Ngoại giao…

Ngành điện cũng góp mặt nhiều dự án tỷ USD như nhiệt điện Vũng Áng 1, Duyên Hải 1, thủy điện Đồng Nai 5…

Cùng với đó, việc tái cơ cấu tiếp doanh nghiệp Nhà nước tại Tập đoàn Xăng dầu, Cao su, Hóa chất, Than khoáng sản, Bảo Việt, Tổng công ty Xi măng, Hàng không, Kinh doanh vốn Nhà nước… và các ngân hàng lớn như Công Thương (VietinBank), Đầu tư phát triển (BIDV) cũng được kiểm toán đưa vào kết hoạch làm việc.
Hồng Minh (Tổng hợp)