Kiên quyết không để thể chế, chính sách gây cản trở hoạt động sản xuất

10/03/2017 06:05
Ngọc Quang
(GDVN) - Vấn đề này một lần nữa được khẳng định trong Nghị quyết phiên phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu, kiên quyết không để thể chế, chính sách gây cản trở hoạt động sản xuất; tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu quả sản xuất kinh doanh các tập đoàn; giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm qua biên giới;

Dành ít nhất 100.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017.

Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung cao độ, quyết liệt, sáng tạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.

Người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp phải quán triệt chủ đề hành động của năm 2017 “Tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững”;

Phải coi đây là trọng tâm hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.

Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. ảnh: VGP.
Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. ảnh: VGP.

Chính phủ yêu cầu từng thành viên Chính phủ thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật không còn phù hợp, kiên quyết không để thể chế, chính sách gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội;

Khẩn trương chỉ đạo tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các dự án luật đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 3 đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Các bộ, ngành, nhất là các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công Thương, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý để chủ động có phương án, đối sách phù hợp, kịp thời.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ kinh tế vĩ mô chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, từng lĩnh vực và của cả nền kinh tế, cập nhật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng cuối của mỗi quý.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát tình hình tiền tệ thế giới và trong nước, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất; trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, trong đó tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên.

Tập trung xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống. 

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động xây dựng phương án, kịch bản, lộ trình điều chỉnh giá một cách chặt chẽ theo cơ chế thị trường một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu do nhà nước quản lý, bảo đảm kiểm soát lạm phát ở mức không quá 4%. 

Ngọc Quang