Kinh tế Việt Nam đứng thứ 42 thế giới: Chỉ mang tính tham khảo!

19/07/2013 14:22
Liễu Phạm (Tổng hợp)
(GDVN) - Bày tỏ quan điểm về bảng xếp hạng của WB về nền kinh tế Việt Nam (xếp thứ 42/214 nước trên thế giới),  TS. Bùi Kiến Thành cho rằng: Bảng xếp hạng này chỉ mang tính chất tham khảo là chính chứ không nên xem đó là "thành tích" mà chúng ta đã đạt được.
Theo số liệu vừa công bố của Ngân hàng Thế giới (WB0 , tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo ngang giá sức mua của Việt Nam tương đương 322 tỉ USD. Như vậy, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 42/214 nước trên thế giới (với hơn 322 tỷ USD), vượt trên nhiều nước Châu Âu phát triển như Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch và đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore. 

Kinh tế VN đứng thứ 42 trên thế giới: Chỉ mang tính chất tham khảo

Tuy nhiên, bày tỏ quan điểm trên báo Infonet, TS. Bùi Kiến Thành cũng cho rằng: Bảng xếp hạng này chỉ mang tính chất tham khảo là chính chứ không nên xem đó là "thành tích" mà chúng ta đã đạt được. WB là một tổ chức quốc tế, dù có cơ quan hoạt động tại Việt Nam nhưng không thể "tường tận chuyện trong nhà" được.

"Các con số thống kê chỉ thể hiện được một phần nào bức tranh, chứ không miêu tả hết được bức tranh đó. Giống như bộ quần áo mặc hàng ngày cho chúng ta thấy nhiều thứ, nhưng cũng che giấu những điểm quan trọng nhất. Nói thế để thấy phải rất thận trọng với con số thống kê, nhất là của các tổ chức quốc tế thì tham khảo là chính" – TS. Bùi Kiến Thành nêu rõ quan điểm cá nhân.

'Bảng xếp hạng này chỉ mang tính chất tham khảo là chính chứ không nên xem đó là "thành tích" mà chúng ta đã đạt được', TS. Bùi Kiến Thành cho biết.
'Bảng xếp hạng này chỉ mang tính chất tham khảo là chính chứ không nên xem đó là "thành tích" mà chúng ta đã đạt được', TS. Bùi Kiến Thành cho biết. 

Bên cạnh đó, giải thích về thứ bậc xếp hạng của nền kinh tế Việt Nam trên thế giới, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - TS Lê Đăng Doanh cho rằng: Cách tính của WB dựa trên phương pháp tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo ngang giá sức mua (PPP) chứ không phải GDP danh nghĩa (chỉ số phồn vinh, giàu có và mức độ phát triển) mà các nước vẫn công bố.

Đồng thời, TS Doanh nhấn mạnh: Cách tính toán bằng hiệu quả của sức mua nội địa của đồng tiền trong nền kinh tế, chỉ có tác dụng là tạo ra sự “lạc quan” trong báo cáo thành tích cuối năm ở những nền kinh tế mà đồng nội tệ có đặc điểm không mua được gì và ở đâu khác ngoài nội địa.    

Nói về vị trí thứ 42 về kinh tế Việt Nam so với thế giới, TS Doanh cho biết: Hạng 42 thế giới, không có nghĩa người Việt giàu hơn Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, bởi “đỏ” không có nghĩa là “chín”.

"Thứ hạng 42 thế giới, không phải là “ngôi thứ” để chúng ta - trong tư cách những người hằng ngày, hằng giờ đang tiêu một giá trị tiền đồng với rất nhiều con số - phải vui mừng cả", TS Doanh cảnh báo.

Không nên lạc quan quá


Tuy nhiên, trước con số tưởng như đáng mừng này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây thực sự là vấn đề đáng lo ngại chứ không phải là tín hiệu lạc quan.

Chia sẻ trên báo Hải quan, TS Đỗ Đức Định - Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu kinh tế - xã hội Việt Nam lại cho rằng: "Một nền kinh tế dù xếp thứ 42 thế giới nhưng nếu giá trị gia tăng đem về chỉ giống như tỉ lệ gia công trong ngành dệt may thì nên nhìn nền kinh tế giống như tỉ lệ gia công đó thôi chứ không phải sức chúng ta làm được hoàn toàn như thế. Do đó, không nên lạc quan quá khi nhìn nhận xếp hạng GDP tính ngang giá sức mua của nước ta".

TS Định cho biết thêm: "Nếu nhìn lại thứ hạng ấy với số dân của Việt Nam thì chúng ta không quá lạc quan. Bởi, trên thế giới, dân số Việt Nam đứng thứ 13, nhưng GDP chỉ đứng thứ 42. Đáng chú ý là, xưa nay rất ít người dựa vào GDP ngang giá sức mua làm cơ sở đánh giá chính thức độ lớn của một nền kinh tế mà chỉ để so sánh một cách tương đối".

"Không nên lạc quan quá khi nhìn nhận xếp hạng GDP tính ngang giá sức mua của nước ta", TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu kinh tế - xã hội Việt Nam bày tỏ quan điểm.
"Không nên lạc quan quá khi nhìn nhận xếp hạng GDP tính ngang giá sức mua của nước ta", TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu kinh tế - xã hội Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Trả lời trên báo Nông thông ngày nay xung quanh công bố Bảng xếp hạng 177 nền kinh tế của WB mới đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nhấn mạnh: "Nước mình đứng về quy mô dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới, nên tương xứng thì nền kinh tế Việt Nam cũng phải xếp thứ 13 trên thế giới mới phải, nhưng Việt Nam lại xếp tận thứ 42 thì cho thấy nền kinh tế Việt Nam quá yếu kém".

Lý giải về điều này, chuyên gia kinh tế cho biết: "Nước càng đông dân thì thường là GDP càng lớn. WB tính bằng tổng GDP. GDP nói chung (tổng) có một ý nghĩa là nó thể hiện sức mạnh kinh tế nói chung của một quốc gia. GDP mà WB đưa vào tính không phản ánh người dân nước đó giàu hay nghèo, các chính sách kinh tế vận hành hiệu quả hay không hiệu quả. Khi xếp hạng, họ đánh giá GDP/đầu người. Mà "đầu người" ở Việt Nam đứng thứ 13 lẽ ra tương xứng thì Việt Nam cũng phải đứng thứ 13 về GDP.

Chuyên gia hiến kế giúp VN cải thiện thứ hạng

Với việc cải thiện thứ hạng tương xứng với quy mô của Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A lạc quan: "Chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện được thứ hạng của mình trong vài năm tới để có GDP ở mức 1.000 tỷ USD (bằng 1/8 Trung Quốc - nước có khoảng 1,3 tỷ dân)".

Ông đưa ra ví dụ: Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đầu tư rất nhiều, đóng góp rất nhiều cho GDP nhưng cái mà người dân Việt Nam được hưởng chỉ là lương đi làm thuê thôi. 

FDI phải tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam, cho người dân Việt Nam thì đóng góp vào GDP của họ mới thực sự tốt. Việt Nam phải tạo cho mình chính sách này chứ không ai làm thay được. Phải làm sao để tổng GDP của VN ngày càng lớn hơn.

Với TS Đỗ Đức Định, để nâng cao chất lượng thực sự của nền kinh tế trong tương lai thì: Trước hết, GDP tính theo ngang giá sức mua của Việt Nam có được thứ hạng thứ 42 chủ yếu là nhờ dân số đông, còn thu nhập thực tế đầu người của Việt Nam vẫn còn rất thấp. Chúng ta mới bước qua cửa nước nghèo để vào “phòng” cận nghèo.

TS Định chỉ ra thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện tại: Trong nước chúng ta vẫn phải đang đấu tranh để chống tái nghèo. Nếu làm ăn kiểu có 1 đồng tiêu đồng 5 thì rất dễ tái nghèo, còn có 5 đồng tiêu 1 đồng thì ít bị tái nghèo.

Đồng thời, ông đưa ra giải pháp chống nghèo đói như sau: Cha ông ta đã nói không gì bằng tiết kiệm. Nếu tiết kiệm, ta làm được 10 đồng nhưng chỉ tiêu 3 đồng. Từ 3 đồng đó, ta tiếp tục làm ra được 10 đồng. Cứ tích cóp dần dần như vậy thì chúng ta sẽ giàu được.  

"Một nền kinh tế thiếu tích lũy thì rất dễ tái nghèo. Cho nên chúng ta không nên tiêu xài hoang phí các nguồn lực vốn rất có hạn của mình", TS Định nhấn mạnh.

Liễu Phạm (Tổng hợp)