LS Vũ Văn Lợi: 'FLC có thể phải ra tòa nếu tự ý bán phá giá căn hộ'

24/08/2012 13:38
P.T
(GDVN) - Theo luật sư việc tuyên bố thu hồi và bán phá giá những căn hộ mà khách hàng chưa đến nhận bàn giao của FLC là vi phạm luật kinh doanh bất động sản.
FLC đang hành xử theo kiểu giang hồ?
Thị trường bất động sản thời gian gần đây luôn chứng kiến những vụ tranh cãi giữa khách hàng và chủ đầu tư - nhà phân phối thứ cấp về chuyện chậm tiến độ, chiếm dụng vốn của khách hàng... thì tuyên bố bán thanh lý, phá giá căn hộ Lanmark Tower (Mỹ Đình, Hà Nội) của FLC Group được xem là "chiêu độc", gây nhiều bức xúc cho người mua nhà tại dự án này.
Theo chủ đầu tư FLC, vì khách hàng không đến đóng tiền theo đúng hợp đồng khiến công ty phải bù lỗ khá nhiều khi vay tiền ngân hàng để “cố” hoàn thành dự án theo tiến độ nên FLC tuyên bố bán thanh lý những căn hộ này để thu hồi vốn.
Trao đổi về tuyên bố "có một không hai" của FLC, anh Minh - khách hàng của dự án Lanmark Tower
cho rằng: “FLC thích bán thì cứ bán, khách chưa muốn nhận bàn giao nhà vì còn phải nghe ngóng xem tình hình, chất lượng căn hộ, chất lượng của tòa nhà sau bàn giao như thế nào”.
Một chuyên gia bất động sản cũng tỏ ra bất ngờ trước tuyên bố của FLC. Ông vẫn đinh ninh tuyên bố trên chỉ dọa khách hàng vì nếu FLC thu hồi căn hộ thật sẽ chẳng khác nào FLC hành xử như “xã hội đen” thu nợ.
Theo chuyên gia bất động sản, việc tuyên bố đòi nợ của TGĐ FLC giống cách đòi nợ giang hồ.
Theo chuyên gia bất động sản, việc tuyên bố đòi nợ của TGĐ  FLC giống cách đòi nợ giang hồ.
“Nếu FLC quyết mang căn hộ đã có hợp đồng mua bán với khách hàng đi giao dịch cho người thứ ba thì FLC đang bắt chẹt khách theo kiểu đòi nợ giang hồ. Bởi không có chuyện, ông bán xi măng cho tôi xây nhà xong, tôi chưa có tiền trả ông đến phá nhà. Hoặc, ông bán tivi cho khách trả góp, khách chưa có điều kiện thanh toán, ông lại đến tịch thu ti vi của khách để bán cho người khác khi chưa có sự đồng ý của khách hàng”, vị chuyên gia này phân tích.
Để việc thanh toán giữa khách hàng và FLC được nhanh chóng, công ty nên sử dụng biện pháp hòa bình với khách hàng. Vị chuyên gia này nhận định có thể khách hàng mua căn hộ từ FLC chủ yếu để đầu cơ, nhưng khi thị trường khó khăn khách cũng liều vì không có đủ khả năng thanh khoản.
Việc bán phá giá căn hộ này cũng không hề đơn giản nếu chủ đầu tư muốn thu hồi lại vốn nhanh. Bởi nhu cầu thực sự của khách hàng hiện nay chủ yếu là mua để ở. Họ muốn an toàn hơn là mạo hiểm mua căn hộ còn đang gây tranh chấp.

Nếu bán phá giá căn hộ, FLC có thể ra tòa
Theo luật sư Vũ Văn Lợi, Giám đốc Văn phòng luật sư Hòa Lợi việc FLC tuyên bố thu hồi những căn hộ khách không đến nhận bàn giao là vi phạm pháp luật. Pháp luật đã quy định cụ thể trong trường hợp này là tranh chấp hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và khách hàng mang tính dân sự.
Để giải quyết vấn đề, chủ đầu tư không có quyền tự quyết thanh lý hợp đồng theo kiểu thu nợ như họ tuyên bố mà phải tiến hànhcác bước theo pháp luật đã quy định. Nếu không hòa giải được với khách hàng FLC có thể kiện khách hàng ra tòa án nhân dân huyện Từ Liêm đã vi phạm hợp đồng mua bán giữa hai bên.
Trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng, khách hàng sai hay bên chủ đầu tư sai sẽ do phán quyết của tòa án. Trong trường hợp này, chủ đầu tư, công an hay UBND sở tại cũng không được can thiệp giải quyết. Nếu phớt lờ luật kinh doanh, FLC sẽ có khả năng bị khách hàng kiện ngược lại.
Trong thời gian tranh chấp chưa giải quyết xong, hai bên đều không được bán lại hợp đồng cho người thứ ba. Nếu khách hàng và chủ đầu tư không thỏa thuận được với nhau trong vấn đề nghĩa vụ tài chính giữa bên mua và bên bán thì cả hai chấp nhận thiệt thòi nghe theo sự phán quyết của tòa án.
Luật sư Vũ Văn Lợi cho biết FLC vi phạm luật nếu bán phá giá căn hộ tự ý thu hồi
Luật sư Vũ Văn Lợi cho biết FLC vi phạm luật nếu bán phá giá căn hộ tự ý thu hồi
Nhắc đến việc thu hồi căn hộ rồi bán phá giá của FLC, vị luật sư này ví von chẳng khác nào việc làm của Khánh “trắng” thập kỷ 90 đã qua. Mặc dù, khách cũng chưa phải là chủ sở hữu chính thức của căn hộ nhưng họ vẫn có quyền kiện FLC nếu tự ý mang căn hộ ra bán phá giá khi khách chưa đồng ý thanh lý hợp đồng.
Trong một diễn biến khác, khách hàng về sống tại tòa nhà Lanmark Tower đang kêu trời vì chủ đầu tư ra thông báo thu phí dịch vụ 16 tháng liền lúc để tranh thủ “ép” những khách hàng nhận nhà nhưng chưa về ở.
Việc làm này của FLC có thể gây ra nhiều phản ứng tiêu cực của khách hàng. Theo quy định của Luật nhà ở đối với nhà chung cư thì Ban quản trị tòa nhà được bầu sau 12 tháng tòa nhà đi vào hoạt động nhưng hiện tòa nhà mới chỉ có 10 hộ dân đến sống, chưa đủ điều kiện vận hành, bầu ban đại diện mà chủ đầu tư đã tự thuê công ty danh tiếng về quản lý thì không có chuyện 10 khách hàng này phải “chịu trận”.  Hai người ở không thể gánh khoản phí cho cả 300 người ở như TGĐ FLC đã nói.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển đến bạn đọc diễn biến của vụ việc này...
P.T