Lại đề nghị mua sữa, Vinamilk không thể mãi là “phao cứu sinh”

08/03/2016 10:09
Mai Anh
(GDVN) - Sau TP.HCM, đến lượt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi văn bản đề nghị Công ty CP Sữa Việt Nam mua sữa cho nông dân Sóc Trăng.

Lại “cầu cứu” Vinamilk 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam vừa gửi công văn đề nghị Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) giúp mua sữa cho nông dân nuôi bò sữa tại Hợp tác xã Evergrowth ở Sóc Trăng.

Đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất phát từ việc cuối tháng 2/2016, Hợp tác xã đã gửi văn bản đề xuất lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với nội dung muốn được ký kết hợp đồng mua bán với Vinamilk.

Lại thêm địa phương đề nghị Vinamilk mua sữa - ảnh nguồn Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
Lại thêm địa phương đề nghị Vinamilk mua sữa - ảnh nguồn Diễn Đàn Doanh Nghiệp.

Về phía địa phương, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Vinamilk khảo sát lập thêm trạm mua sữa để bà con nuôi bò sữa có thêm nơi tiêu thụ sản phẩm.

Trước đây, Hợp tác xã Evergrowth đã ký hợp đồng bán sữa cho Vinamilk nhưng đến năm 2012, hợp tác xã chuyển sang bán cho doanh nghiệp khác. Nay doanh nghiệp này hạn chế lượng sữa mua vào nên Hợp tác xã Evergrowth muốn quay lại ký hợp đồng duy nhất với Vinamilk. 

Đây không phải lần đầu tiên một địa phương đề nghị Vinamilk mua sữa giúp nông dân.

Trước đó hôm 18/2, trong cuộc làm việc tại huyện Củ Chi, Bí thư TP.HCM Đinh La Thăng cũng tỏ thái độ gay gắt sau khi lãnh đạo huyện Củ Chi trình bày rằng sữa từ đàn bò của bà con nông dân bán không được, đàn bò sữa gần 40.000 con...

Ngay lập tức, Bí thư Thăng đã chất vấn lãnh đạo UBND huyện Củ Chi đồng thời yêu cầu chủ tịch huyện kết nối điện thoại để ông nói chuyện với Tổng giám đốc Vinamilk. 

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Thăng, thông tin với báo chí sau cuộc trao đổi với Vinamilk sau đó, lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết, phía Vinamilk tạm thời đồng ý thu mua toàn bộ số sữa của nông dân nuôi bò gặp khó khăn về đầu ra tại huyện này.

Nguồn sữa được nuôi từ đàn bò đã ký kết với công ty khác, nếu không bán được, Vinamilk cũng sẽ xem xét thu mua.

Lại đề nghị mua sữa, Vinamilk không thể mãi là “phao cứu sinh” ảnh 2

Cuộc đối thoại giữa ông Đinh La Thăng và bà Mai Kiều Liên

(GDVN) - Bà Mai Kiều Liên - TGĐ Vinamilk thẳng thắn nêu vấn đề trước gợi ý của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng về việc “chuyển nông dân thành cổ đông Vinamilk".

Lại đề nghị mua sữa, Vinamilk không thể mãi là “phao cứu sinh” ảnh 3

Chủ tịch huyện không có số TGĐ Vinamilk, nông dân không bán được sữa?

(GDVN) - Rõ ràng là chuyện nông dân không bán được sữa, không phải là do Chủ tịch huyện không có số điện thoại của Tổng giám đốc Vinamilk.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, liên tục nông dân địa phương “cầu cứu” chính quyền địa phương trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm sữa và cái tên được nhắc đến là Vinamilk.

Câu hỏi đặt ra là việc nông dân liên tục "cầu cứu" vì không bán được sữa nói lên điều gì? Liệu rằng sau TP.HCM, Sóc Trăng sẽ còn những địa phương nào khác đề nghị được giải cứu?

Trách nhiệm của địa phương

Việc đề nghị Vinamilk mua sữa giúp nông dân dường như là phương án cuối cùng của các địa phương để tránh cảnh nông dân đổ sữa ra đường.

Tuy nhiên cần phải có cái nhìn thấu đáo thị trường sữa trước khi "cầu cứu" doanh nghiệp.

Mặc dù thị trường sữa và nhu cầu sữa tươi trên thị trường trong nước rất lớn nhưng thực tế sữa sản xuất trong nước không đủ, các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất.

Điều này cho thấy ngành chăn nuôi bò sữa còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Song việc tổ chức chăn nuôi bò sữa tại nhiều địa phương đang thiếu những định hướng quy hoạch cụ thể. Còn nông dân khi nhìn thấy nông hộ này nuôi bò có lời cũng vay mượn mua giống bò để chăn nuôi.

Chăn nuôi tự phát cho năng suất chất lượng sữa ít, con giống không đảm bảo chất lượng. Lẽ tất nhiên khi sữa không đảm bảo chất lượng, nông dân không bán được sữa dẫn đến thua lỗ, nợ nần. 

Tại nhiều địa phương, mặc dù được doanh nghiệp sữa tạo điều kiện cho mua con giống chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tuy nhiên khi thấy doanh nghiệp khác thu mua cao hơn nông dân lại hủy bỏ hợp đồng, bán cho đơn vị khác. 

Nhìn vào thực tế trên có thể thấy vấn đề nông dân không bán được sữa có trách nhiệm của ngành nông nghiệp các địa phương trong quy hoạch, khoanh vùng chăn nuôi bò sữa, giám sát đàn bò sữa.

Mặt khác, các địa phương không giữ mối liên hệ thường xuyên với doanh nghiệp dẫn đến không nắm rõ việc doanh nghiệp thu mua sữa của nông dân ra sao. Chỉ đến khi không bán được sữa, dân kêu, địa phương mới cuống cuồng tìm đầu ra cho sản phẩm.

Có thể nói chăn nuôi bò sữa khá đặc thù đòi hỏi đồng vốn lớn, yêu cầu kỹ thuật cao và phải tìm được đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy đòi hỏi địa phương phải có quy hoạch, định hướng cụ thể không phải “nước đến chân mới nhảy” và Vinamilk không thể mãi là “phao cứu sinh” cho nông dân.

Mai Anh