Lại "nóng" chuyện công tơ điện

05/08/2014 15:11
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - Trước hiện tượng hóa đơn tiền điện tháng 7 của nhiều hộ dân tại Hà Nội chênh lệch so với tháng 6, người tiêu dùng hoài nghi về số điện tiêu thụ thực tế.

Để giải quyết vấn đề này, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương diễn ra ngày 4/8. Cục Điều tiết Điện (Bộ Công thương) cho biết, đơn vị này đang yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhắn tin thông báo chốt số điện tiêu thụ vào ngày 20 hàng tháng cho từng khách hàng. 

Việc nhắn tin thông báo lượng điện tiêu thụ sẽ được thực hiện song song với hóa đơn gửi về từ hộ dân. Sở dĩ trước đây khi thực hiện chốt số điện vào ngày 20 hoặc 21 hàng tháng nhưng phải đến 10 ngày sau hóa đơn điện mới tới nhà, do vậy người dân khó có thể theo dõi lượng điện tiêu thụ của mình.

Theo phản thì người dân rất khó để so sánh số lượng điện tiêu thụ ghi trên hóa đơn hoặc số điện trên tin nhắn với có số thực tế trên công tơ điện.
Theo phản thì người dân rất khó để so sánh số lượng điện tiêu thụ ghi trên hóa đơn hoặc số điện trên tin nhắn với có số thực tế trên công tơ điện.

Thay vào đó với việc nhắn tin người dân có thể biết ngay số điện mình tiêu thụ trong tháng.

Tuy nhiên liên quan giải pháp này của Bộ Công thương và EVN nhiều người cho rằng, con số ghi trên công tơ điện vẫn chưa được minh bạch. Ngay tại địa bàn Hà Nội, chủ yếu công tơ điện là loại cơ, lại thường được tập trung một nơi trên các cột điện treo trên tường…

Chị Nguyễn Thị Loan (Từ Liêm - Hà Nội) cho rằng, việc kiểm tra số điện chỉ có nhân viên EVN mới có thể thực hiện, vì vậy con số trên công tơ điện báo như thế nào cũng chỉ có nhân viên ngành điện biết, người dân muốn so sánh rất khó.

“Công tơ điện của các hộ dân chúng tôi được tập trung trong các hộp chuyên dụng của ngành điện treo trên cột điện, việc kiểm tra con số cũng chỉ có nhân viên điện lực mới làm được, vì thế họ ghi như thế nào chúng tôi biết như vậy, không thể so sánh đối chiếu được”, chị Loan cho biết.

Trong khi đó việc thông báo lượng điện tiêu thụ và số tiền phải đóng chỉ giúp các hộ gia đình có thể nắm được số lượng điện tiêu thụ từng tháng để so sánh. Còn chỉ số trên công tơ người dân vẫn rất khó kiểm tra, vì vậy nếu xảy ra tiêu cực cũng không phát hiện được.

Từ thực tế này, để minh bạch chỉ số tiêu thụ điện năng của từng hộ gia đình cần chuẩn hóa hệ thống công tơ điện tử. Việc sử dụng công tơ điện tử giúp việc ghi chỉ số công tơ được thực hiện từ xa bằng thiết bị đọc chỉ số công tơ di động, toàn bộ số liệu được ghép tự động vào chương trình kinh doanh điện năng, do đó loại bỏ được các sai sót khách quan cũng như chủ quan từ người ghi điện.

Theo đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, EVN đang thí điểm 3.500 khách hàng lớn lắp công tơ điện tử. Với trường hợp vẫn sử dụng công tơ điện cơ, EVN sẽ thông báo thời gian ghi chỉ số công tơ đến các tổ dân phố và mời đại diện tổ dân phố cùng tham gia chứng kiến công tác ghi chỉ số công tơ.

Trong khi đó lý giải hóa đơn tiền điện tại khu vực Hà Nội tháng 6 tăng đột biến và tháng 7 lại giảm ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết:“Khi nhiệt độ tăng, tiền điện tăng và ngược lại”, ông Phúc nói.

Theo ông Phúc, trong tháng 6, khi dư luận phản ánh hóa đơn tiền điện tại Hà Nội tăng cao, Cục Điều tiết điện lực đã chỉ đạo EVN Hà Nội kiểm tra. Sau đó, có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc EVN phải công khai hóa chỉ số công tơ để khách hàng biết.

“Qua kiểm tra tại EVN Hà Nội, việc tăng giảm công tơ điện tháng nào cũng có. Nguyên nhân công tơ điện tháng 7 giảm là do thời tiết tháng 7 mát hơn tháng 6. Đặc biệt, vào cuối tháng 7, nhiệt độ xuống thấp nên lượng điện tiêu thụ thấp hơn tháng 6”, ông Phúc nói.

Trước lo ngại giá điện sẽ tăng theo giá than, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định chưa có chủ trương tăng giá điện lúc này. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, theo quy định hiện nay, EVN muốn tăng giá điện, phải có đề xuất gửi Bộ Công Thương. Nếu EVN có kiến nghị, lúc đó Bộ Công Thương sẽ xét xem phương án tăng giá điện liệu đã hợp lý chưa.

Riêng trường hợp hóa điện tăng đột biến trong tháng 6, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, khi tiếp nhận thông tin, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và yêu cầu các đơn vị thuộc EVN tiến hành kiểm tra, xử lý sai phạm.

“Qua kiểm tra, đã cho nghỉ việc 2 công nhân sai phạm. Về lâu dài, các đơn vị thuộc EVN trên phạm vi cả nước cần phải tăng cường giám sát và công khai những thông tin cần thiết để khách hàng được biết”, ông Hải nói.

Hồng Minh (Tổng hợp)