Làm gì để nông sản xuất khẩu bớt phụ thuộc vào con đường tiểu ngạch?

21/10/2018 07:09
Vũ Phương
(GDVN) - Lãnh đạo Sở Nông nghiệp Bình Thuận xác nhận, giá thanh long đang tăng trở lại, tuy nhiên sự việc này tiếp tục là một bài học nữa cho các cấp quản lý.

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh Long An, Bình Thuận, hai địa phương có sản lượng thanh long lớn hàng đầu cả nước xác nhận giá thanh long đang tăng trở lại, khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg, có nơi lên đến gần 20.000 đồng/kg tùy vào loại 1 hay loại 2. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh Bình Thuận cho biết: "Giá thanh long đang tăng trở lại có giá bình quân từ 8.000-10.000 đồng/kg, có nơi vẫn bán được giá cao hơn". 

Bắt đầu từ ngày 9/10 giá thanh long ruột trắng loại 1 được các vựa thu mua với giá 8.000 đồng/kg và loại 2 là 6.000 đồng/kg, thì hiện nay đã nhích lên từ 10.000 - 11.000 đồng/kg (loại 1) ở Bình Thuận.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận, nguyên nhân giá thanh long tăng lên từng ngày vì đã gần hết mùa thu hoạch, lượng hàng thanh long còn lại rất ít. Thương lái Trung Quốc đã bắt đầu thu mua trở lại sau kì nghỉ "Tuần lễ vàng" của quốc gia này.

Trước đó, không ít nhà vườn tại tỉnh Bình Thuận, Long An “đứng ngồi không yên” khi giá thanh long bán buôn bất ngờ giảm sâu, thậm chí có thời điểm chỉ còn 2.000 đồng/kg. 

Bài ca được mùa rớt giá làm khổ người nông cứ lặp đi lặp lại nhiều năm nay, một lần nữa phải đặt ra trách nhiệm của các cơ quan quản lý.

Được biết, như tỉnh Bình Thuận hiện có hơn 27.000 ha thanh long với tổng sản lượng trên 500.000 tấn/năm. Thanh long được trồng nhiều tại huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình...

Hiện nay, thanh long xuất khẩu chủ yếu qua thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Ngoài ra, trái thanh long Bình Thuận còn được xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ…

Trong những ngày rớt giá xuống quá thấp, có hiện tượng đổ bỏ thanh long, nhưng nay giá đã tăng trở lại. Ảnh: VOV.
Trong những ngày rớt giá xuống quá thấp, có hiện tượng đổ bỏ thanh long, nhưng nay giá đã tăng trở lại. Ảnh: VOV. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Quyền Đình Hà (Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn - Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: “Nguồn cung lớn hơn cầu rất nhiều dẫn đến trái thanh long rớt giá mạnh. Không chỉ trái thanh long mà nhiều mặt hàng nông sản khác chúng ta đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Vì lý do nào đó, họ dừng thu mua là nông sản ế ẩm, tiêu thụ không kịp thì hỏng phải đổ bỏ, vô cùng lãng phí.  

Hơn nữa, việc không có vùng quy hoạch dẫn đến người dân trồng thanh long ồ ạt, sản phẩm ra nhiều nhưng không có đầu ra cũng cần phải xem xét lại.

Trong khi đó, cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về lĩnh vực này từ trước đến nay chưa định hướng được đầu ra cho người nông dân”.

Phó Giáo sư Quyền Đình Hà thẳng thắn chỉ ra: “Cơ quan quản lý nhà nước cần phải hỗ trợ được người nông dân trồng cây gì, kỹ thuật trồng ra sao để đáp ứng được yêu cầu nhập khẩu của các nước phát triển. Có như vậy thì sản phẩm mới đạt được chất lượng tốt và dần dần giảm phụ thuộc vào con đường tiểu ngạch. Sự việc thanh long rớt giá vừa qua cho thấy cơ quan quản lý chưa làm tốt nhiệm vụ".

Cũng theo Phó Giáo sư Quyền Đình Hà, người nông dân cần được hướng dẫn, hỗ trợ trong việc đào tạo nghề, quy trình sản xuất để sản phẩm làm ra không chỉ sạch mà còn đẹp để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

“Doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản cần vươn tới tầm quốc tế. Doanh nghiệp Việt còn phải đi học nhiều về khâu thương mại, xây dựng thương hiệu.

Đa phần doanh nghiệp chúng ta chỉ thu mua sẵn nông sản thô rồi bán cho thương lái, chứ chưa làm được thương mại một cách bài bản, chuyên nghiệp”, Phó Giáo sư Hà nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Bảnh - nguyên Cục trưởng Cục chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ rõ nguyên nhân: “Bà con trồng ra sản phẩm mà không tiêu thụ được, trong khi đó sản lượng lớn thì không tránh khỏi rớt giá, thậm chí đổ bỏ.

Không chỉ câu chuyện nông sản được mùa rớt giá mà chăn nuôi cũng vậy, thiếu định hướng, quy hoạch là hậu quả thấy ngay. Như lợn đã từng có thời gian rớt giá mạnh khiến người chăn nuôi điêu đứng, doanh nghiệp phá sản.

Nguyên nhân chính đó là việc tự phát trong chăn nuôi, trồng trọt một cách ồ ạt mà không tính đến yếu tố đầu ra.

Không chỉ thanh long, tại Vĩnh Long, hiện khoai lang cũng đang không biết tiêu thụ đi đâu. Chúng ta quá phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc nên họ dừng thu mua, hoặc bị ép giá, người dân quyết không bán là sản phảm bị hư, thối phải đổ bỏ”.

Ông Lê Văn Bảnh cho rằng, nhiều hội thảo về phát triển nông sản Việt Nam chỉ dừng lại ở hô hào, hứa suông rồi để đó. Ảnh: Bộ Công Thương.
Ông Lê Văn Bảnh cho rằng, nhiều hội thảo về phát triển nông sản Việt Nam chỉ dừng lại ở hô hào, hứa suông rồi để đó. Ảnh: Bộ Công Thương. 

Ông Lê Văn Bảnh phân tích: “Thị trường của Việt Nam không ổn định, tức đầu ra cho sản phẩm nông sản rất bấp bênh như mặt hàng thanh long hay dưa hấu… chủ yếu bán sang Trung Quốc.

Gần đây mặt hàng nông sản này mới bán qua Úc, Mỹ, nhưng số lượng rất hạn chế, trong khi đó sản lượng làm ra quá lớn.

Đặc biệt, khâu chế biến, bảo quản nông sản ở nước ta vẫn rất yếu. Trường hợp hoa quả tắc đầu ra thì cần có phương án khác ngay như trữ vào kho bảo quản lạnh hay chế biến thành các sản phẩm khác như nước ép…

Làm gì để nông sản xuất khẩu bớt phụ thuộc vào con đường tiểu ngạch? ảnh 3Sửa một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp

Có thể nói khâu chế biến sản phẩm của nước ta vẫn rất yếu. Ví như mặt hàng cafe cũng vậy. Chúng ta là nước xuất khẩu cafe vào top thế giới, nhưng khâu chế biến chưa được 10%.

Mặt hàng tiêu cũng vậy, chúng ta đa phần chỉ xuất thô nên giá trị mang lại không cao mà rủi ro hỏng nhiều. Còn xuất khẩu thô thì câu chuyện được mùa rớt giá, ùn ứ sẽ khó tránh khỏi”.

Cũng theo ông Lê Văn Bảnh, ngành nông nghiệp nước ta đã được quan tâm hơn, nhưng thực sự bắt tay vào làm để hạn chế tình trạng nông sản thiếu đầu ra, phải đổ bỏ, rớt giá có thể phải mất một thời gian dài nữa nếu không thay đổi tư duy.

Thường là khi xảy ra vấn đề như thanh long, dưa hấu, củ cải… lúc đó cơ quan, chính quyền địa phương mới xuất hiện hô hào giải cứu. Cứ như thế cái gốc của vấn đề vẫn chưa giải quyết được.

“Khâu chiến lược hay các bước đi cụ thể như thế nào cho nông sản Việt Nam vẫn dừng lại ở hô hào, hội thảo nọ, hội thảo kia gây tốn kém mà chưa mang lại lợi ích thiết thực. Tại hội thảo thì họ nói hay lắm sẽ giúp bà đủ thứ nhưng sau đó lại bỏ đó.

Như Bộ Công Thương cũng hỗ trợ bà con xuất khẩu mặt hàng nông sản, nhưng chưa làm hết trách nhiệm, cũng như vài trò thương mại tại các nước. Nông sản xuất khẩu được nhờ bộ vẫn còn rất khiêm tốn”, ông Bảnh nói.

Vũ Phương