Liêm chính, kiến tạo và ba đột phá cho kinh tế Việt Nam

05/02/2017 07:05
Mai Anh
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Những gì Thủ tướng, các thành viên Chính phủ thực hiện thời gian qua đã bước đầu tạo được dấu ấn, niềm tin trong nhân dân.

Thách thức chờ đợi

PGS.TS Trần Hoàng Ngân – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM đánh giá, năm 2016 mặc dù gặp nhiều thách thức, nhưng với tinh thần kiến tạo, Chính phủ đã giữ được nhịp tăng trưởng 6,21% và ổn định được kinh tế vĩ mô.

Sự ổn định kinh tế vĩ mô đó hết sức cần thiết để tạo đà phát triển, thực hiện các mục tiêu trong năm 2017.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân tin tưởng với sự điều hành quyết liệt trên tinh thần Chính phủ kiến tạo mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 sẽ đạt được - ảnh Ngọc Quang/giaoduc.net.vn
PGS.TS Trần Hoàng Ngân tin tưởng với sự điều hành quyết liệt trên tinh thần Chính phủ kiến tạo mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 sẽ đạt được - ảnh Ngọc Quang/giaoduc.net.vn

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, điều quan trọng nhất trong năm 2016 là Chính phủ hỗ trợ cho khởi nghiệp, tạo nên phong trào khởi nghiệp.

Đây là yếu tố tiên quyết tạo nên con số hơn 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập trong năm 2016 (trung bình mỗi ngày có 300 doanh nghiệp được thành lập mới).

“Chính số lượng doanh nghiệp được thành lập mới này đã giúp vốn đầu tư xã hội đã vượt qua mức 33% GDP, đây là con số rất ý nghĩa bởi nhiều năm qua vốn đầu tư xã hội chỉ ở mức 31%.

Trong điều kiện nợ công đã đến giới hạn và nguồn vốn ngân sách đang giảm sút thì vốn của khu vực dân doanh đang đóng vai trò quyết định”, ông Ngân đánh giá.

Dù đạt được kết quả khích lệ năm 2016 nhưng PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng năm 2017 kinh tế đất nước vẫn còn những thách thức lớn với cả hai mục tiêu: Tăng trưởng GDP đạt 6,7% và khống chế lạm phát ở mức 4%.

Đặc biệt, mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế nước ta và khu vực biến động khó lường.

Liêm chính, kiến tạo và ba đột phá cho kinh tế Việt Nam ảnh 2

Chính phủ nói thẳng, nói thật, quyết liệt chống nhóm lợi ích

Liêm chính, kiến tạo và ba đột phá cho kinh tế Việt Nam ảnh 3

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tập thể Chính phủ đã để lại những dấu ấn tốt"

Mặt khác nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn - khi phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu thế giới, trong khi các nước đang sử dụng chính sách bảo hộ mậu dịch để bảo vệ nền kinh tế trong nước thì đây cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Lạc quan từ tinh thần Chính phủ kiến tạo

Mặc dù kinh tế 2017 của Việt Nam được dự báo sẽ rất khó khăn, thậm chí còn khó khăn hơn cả năm 2016, song vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan, nổi bật nhất chính là tinh thần cải cách quyết liệt, táo bạo sau khoảng nửa năm nhận nhiệm vụ của Chính phủ mới.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, với phương châm là Chính phủ liêm khiết, kiến tạo và hành động, những gì Thủ tướng cho đến thành viên Chính phủ thực hiện thời gian qua đã bước đầu tạo được dấu ấn, niềm tin và sự ủng hộ rất lớn trong nhân dân, trong cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Các chính sách thường có độ trễ. Những nỗ lực vừa qua của Chính phủ được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực mà “điểm rơi” được dự báo sẽ vào năm 2017 này.

“Với sự quyết liệt và tinh thần của Chính phủ kiến tạo như năm 2016 thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% mà Quốc hội đưa ra là hoàn toàn khả thi”, ông Ngân khẳng định.

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2017 theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện 3 chương trình đột phá cụ thể:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.

Thứ hai, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

Thứ ba, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Đồng thời, Chính phủ phải thực hiện 3 nghị quyết Quốc hội vừa thông qua gồm: Nghị quyết đầu tư công trung hạn 2016 -2020; Nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế; Nghị quyết kế hoạch tài chính 5 năm.

Những nghị quyết trên là cơ sở để chính phủ triển khai vận hành nền kinh tế trong năm 2017.

Mai Anh