Liên Kết Việt lừa hơn 60.000 người: "Nhận trách nhiệm" có yên lòng người dân?

09/03/2016 14:21
Việt Hoài
(GDVN) - Vụ Công ty đa cấp Liên Kết Việt lừa hơn 60.000 người dân, dư luận chờ đợi Bộ Công Thương “chịu trách nhiệm” nhưng không chỉ dừng ở lời nói...

Lừa hơn 60.000 người, thu về gần 2.000 tỷ đồng trong vòng 1 năm hoạt động, Công ty đa cấp Liên Kết Việt đã đẩy ngần ấy số phận người dân vào con đường tan cửa nát nhà.

Truyền thông vào cuộc, lột trần hành vi lừa đảo của Công ty đa cấp Liên Kết Việt nhưng trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), có trong tay “thượng phương bảo kiếm” vẫn đủng đỉnh chưa “chém” vội.

Thay vì đình chỉ hoạt động thì Liên Kết Việt được Cục Quản lý cạnh tranh “phạt cho tồn tại”.

Bộ Công Thương khẳng định đã sớm phát hiện hàng loạt sai phạm của Công ty đa cấp Liên kết Việt. Ảnh minh họa.
Bộ Công Thương khẳng định đã sớm phát hiện hàng loạt sai phạm của Công ty đa cấp Liên kết Việt. Ảnh minh họa.

Cũng vì Liên Kết Việt được “áp” mức phạt tiền, nên Cục Quản lý cạnh tranh “nhân” quy định của Luật Cạnh tranh và Luật Xử lý vi phạm hành chính để không công bố với bàn dân thiên hạ.

Mới đây, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương đã lên tiếng “sẵn sàng chịu trách nhiệm”. Song câu hỏi đặt ra là Bộ Công Thương sẽ chịu trách nhiệm như thế nào khi số tiền mà cơ quan điều tra Bộ Công an thu lại được chỉ có 134 tỷ đồng?

Ông kêu gọi người dân, báo chí phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào vi phạm Nghị định 42 thì gọi đến đường dây nóng Cục Quản lý cạnh tranh, tiếc là ông lại không công khai số điện thoại đường dây nóng với báo chí sau lời “chịu trách nhiệm”.

Thay vì, Bộ Công Thương chấn chỉnh các cơ quan dưới quyền để quản chặt hoạt động đa cấp thì lại kêu gọi người dân với báo chí.

Người dân - nhất là bà con dân tộc, bà con ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp cận với truyền thông, công nghệ, văn bản nhà nước… sao biết được sai phạm, trong khi các công ty đa cấp lại hay mượn danh những người nổi tiếng, tên tuổi, học hàm, học vị tham gia lãnh đạo hoặc có mặt tại các hội thảo, hội nghị để tạo uy tín, dễ dàng lừa người dân.

Những ngày qua, hàng loạt thông tin cho thấy cơn “sóng thần” đa cấp đang tấn công đến các bản làng của tỉnh Kon Tum.

Hợp đồng mua hàng và thẻ thành viên của một cặp vợ chồng tại huyện Đắk Glei, Kon Tum với Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.
Hợp đồng mua hàng và thẻ thành viên của một cặp vợ chồng tại huyện Đắk Glei, Kon Tum với Công ty Thiên Ngọc Minh Uy.

Theo ông Võ Xuân Sơn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh có khoảng hơn 4.000 người dân tham gia vào hoạt động của trên 20 tổ chức, doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Ủy ban tỉnh đã báo cáo Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo 138 Quốc gia.

Bộ áo ngực nano được bán cho người dân với giá 5,2 triệu đồng; một người dân ở xã Đắk Pét mua chiếc quần lót với giá 10,7 triệu đồng; một gói trà và bốn gói cà phê có giá là 36,6 triệu đồng; hai chiếc nồi áp suất giá 11,7 triệu đồng để chờ… tương lai sẽ nhận được 75 triệu đồng như lời quảng bá... nó đang làm tan hoang những bản làng bà con dân tộc. Bộ Công Thương có hay?

Bộ Công Thương đang và sẽ làm gì để cứu bà con từ cảnh báo của UBND tỉnh Kon Tum? Đừng để nước mắt người dân lại rơi vì hàng đa cấp, vì lời nhận trách nhiệm muộn màng từ Bộ Công Thương.

Dư luận chờ đợi “chịu trách nhiệm” ở Bộ Công Thương không chỉ dừng ở lời nói để yên lòng xã hội.

Việt Hoài