Lỗ hổng từ việc SCIC lạm quyền can thiệp nhân sự trong doanh nghiệp

30/03/2016 08:14
Mai Anh
(GDVN) - PGS.TS Phạm Quý Thọ thẳng thắn bày tỏ quan điểm trước việc SCIC “lạm” quyền cổ đông lớn can thiệp vào vấn đề nhân sự tại nhiều doanh nghiệp.

Kiêm nhiệm hưởng lương khủng

Thời gian qua, nhà đầu tư cũng như chuyên gia kinh tế nhiều lần lên tiếng trách nhiệm của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trong vấn đề “lạm dụng” quyền cổ đông lớn trực tiếp tham gia vào việc quản lý và điều hành trong nhiều doanh nghiệp, nhất là ở các doanh nghiệp niêm yết lớn như Vinamilk, Vinaconex, FPT, hay các công ty kinh doanh đặc thù như Dược Hậu Giang, Traphaco.

Can thiệp lớn nhất của SCIC chính là việc thay đổi người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại những doanh nghiệp nhà nước nắm giữ phần vốn lớn việc SCIC thay đổi người đại diện vốn đồng nghĩa với việc thay đổi nhân sự cấp cao trong hội đồng quản trị. Những can thiệp này ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động doanh nghiệp.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay đổi người đại diện phần vốn nhà nước ảnh hưởng đến doanh nghiệp - ảnh minh họa/ nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thay đổi người đại diện phần vốn nhà nước ảnh hưởng đến doanh nghiệp - ảnh minh họa/ nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp.

Những can thiệp lớn của SCIC có thể kể đến như việc cử ông Hoàng Nguyên Học vừa làm đại diện vốn và đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang (HSX: DHG). Ngoài ra ông Học còn nắm giữ vị trí Thành viên Hội đồng Thành viên kiêm Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Như vậy 1 lúc kiêm nhiệm 3 vị trí trong đó 2 vị trí lãnh đạo chủ chốt tại Vinaconex (doanh nghiệp xây dựng, xuất khẩu) và Dược Hậu Giang (dược phẩm, thiết bị y tế).

Không cần phải phân tích nhưng việc kiêm nhiệm quá nhiều vị trí ở những doanh nghiệp hoạt động đặc thù khác nhau dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể đáp ứng được “gánh nặng” SCIC đặt lên vai.

Một trường hợp khác là việc SCIC cử ông Lê Song Lai – Phó Tổng Giám đốc SCIC nhưng đồng thời đại diện phần vốn tại Vinamilk (giữ chức thành viên HĐQT Vinamilk), đại diện phần vốn tại Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia (Chủ tịch HĐQT Vinare), đại diện phần vốn tại Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh (giữ chức vụ thành viên HĐQT Bảo Minh) và đại diện phần vốn tại FPT (giữ chức ủy viên HĐQT FPT).

Kiêm nhiệm 5 nhiệm vụ, đồng nghĩa với việc được hưởng lương thưởng tại 5 đơn vị khác nhau, chưa nói đến vấn đề đóng góp được gì cho sự phát triển của doanh nghiệp nhưng việc số lương thưởng nhận được trong cả năm chắc chắn sẽ khiến lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân lớn thèm khát.

 Lỗ hổng từ việc SCIC lạm quyền can thiệp nhân sự trong doanh nghiệp ảnh 2

Mùa đại hội cổ đông, lo ngại SCIC can thiệp nhân sự tại doanh nghiệp

(GDVN) - Vẫn biết SCIC phải đảm bảo nguồn vốn nhà nước tại các doanh nghiệp phát huy tối đa hiệu quả nhưng việc can thiệp sâu hoạt động doanh nghiệp liệu có nên?

 Lỗ hổng từ việc SCIC lạm quyền can thiệp nhân sự trong doanh nghiệp ảnh 3

SCIC thoái vốn, vai trò ban lãnh đạo Vinamilk ở đâu?

(GDVN) - Sau khi thoái vốn ở Vinamilk, ban lãnh đạo doanh nghiệp này rồi đây sẽ ra sao, họ có tiếp tục điều hành doanh nghiệp hay phải thay đổi ê-kíp khác?

Trước việc SCIC liên tục có động thái thay đổi người đại diện phần vốn nhà nước, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng: Nên thay đổi cách làm này.

Trước đây có quy chế của Bộ Tài chính yêu cầu phải có người chủ sở hữu tham gia Hội đồng quản trị của doanh nghiệp nhà nước có cổ phần tùy theo số vốn. Số vốn chiếm đa số giữ những vị trí trong hội đồng quản trị.

“Quy chế này sẽ hiệu quả, nếu người của SCIC đưa vào doanh nghiệp có chuyên môn nghiệp vụ, đóng góp vào sản xuất của doanh nghiệp trong kinh doanh cũng như giám sát số vốn nhà nước đang có trong doanh nghiệp thì rất tốt. Nhưng thường người đại diện SCIC không được như kỳ vọng”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết.

Cũng chính nguyên nhân trên nên gần đây doanh nghiệp có nhiều ý kiến, trong đó có hai luồng ý kiến: Thứ nhất, đại diện SCIC tại doanh nghiệp không giúp được nhiều cho hoạt động doanh nghiệp vì không có chuyên môn, không có quá trình song hành phát triển cùng doanh nghiệp; Thứ hai, việc thay đổi nhân sự cấp cao thường xuyên ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

“Lỗ hổng quản lý”

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết, hiện nay cũng có ý kiến dư luận cho rằng việc SCIC lợi dụng phần vốn nắm giữ để can thiệp vấn đề nhân sự tại doanh nghiệp không đúng chuẩn mực, không đúng quy định.

Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng đến quản lý nhà nước nói chung và quản lý vốn tại các doanh nghiệp nhà nước có vốn nói riêng.

Không chỉ ảnh hưởng hoạt động doanh nghiệp, PGS.TS Phạm Quý Thọ phân tích: Vai trò nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần chỉ là cổ đông, cho dù phần vốn năm lớn (cổ đông lớn) nhưng cũng bình đẳng như các cổ đông khác. Tuy nhiên, việc thay đổi người đại diện phần vốn tại doanh nghiệp nhà nước nắm giữ vốn lớn đương nhiên người đại diện phần vốn ngồi vào vị trí cao trong hội đồng quản trị.

Cần nhấn mạnh việc thay đổi nhân sự này vào thời điểm đại hội cổ đông thưởng niên hay bất thường sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại.

PGS.TS Phạm Quý Thọ - Ảnh H.Lực
PGS.TS Phạm Quý Thọ - Ảnh H.Lực

Đánh giá việc SCIC can thiệp vào vấn đề nhân sự cũng như ý kiến doanh nghiệp, dư luận, PGS.TS Phạm Quý Thọ khẳng định: “Đây là lỗ hổng của hoạt động bổ nhiệm của SCIC với những người đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp cổ phần hiện nay”.

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, ngay khi thay thế người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC phải đặt ra câu hỏi: Anh đến doanh nghiệp để làm gì? Bởi người đại diện phần vốn nhà nước không chỉ nhằm mục đích an toàn vốn cho nhà nước mà phải đóng góp vào phát triển của doanh nghiệp, kinh doanh gây lời lãi cho Nhà nước tư số vốn đó.

Để tránh tác động ngược từ việc thay thế người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, PGS.TS Phạm Quý Thọ nêu giải pháp: Thứ nhất phải am hiểu doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được SCIC cử vào làm đại diện vốn chủ sở hữu của nhà nước. 

Tuy nhiên do hoạt động kinh doanh cần kiến thức thực tế thương trường do vậy người được cử đại diện phần vốn nhà nước ngoài việc đáp ứng bằng cấp, trình độ quản lý còn phải có kinh nghiệm thực tiễn như điều hành doanh nghiệp nào, doanh nghiệp phát triển ra sao, sự tương đồng giữa doanh nghiệp từng điều hành và doanh nghiệp được cử làm đại diện vốn… Tóm lại phải có đánh giá năng lực thật.

Thứ hai, người được SCIC cử đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải có khoảng thời gian nhất định công tác ở các vị trí khác nhau trong doanh nghiệp để nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp cụ thể đó. 

Thứ ba, không nên thay đổi thường xuyên người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thứ tư, phải được sự chấp nhận của hội đồng quản trị, cổ đông, nhà đầu tư vào những thời điểm thích hợp.

Thứ năm, sau khi SCIC đưa người thay thế người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải có đánh giá.

Ví dụ sau 1 năm đánh giá lại vai trò điều hành, quản lý hoặc đóng góp của người đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước mới cho sự phát triển của doanh nghiệp như thế nào, nếu không đáp ứng được có thể thay thế hoặc đưa nhân sự cũ trở lại vị trí.

Mai Anh