Loạn dịch vụ Quà tặng âm nhạc lừa đảo

23/02/2014 14:06
Phạm Liễu
(GDVN) - Những ngày sau tết, hàng loạt khách hàng bức xúc khi nhận được tin nhắn lừa đảo mang tên "Tổng đài Quà tặng âm nhạc".

Mất tiền oan vì tổng đài "Qùa tặng âm nhạc"

Phản ánh tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Minh Khang (Hà Nội) cho biết: "Vừa rồi, tôi có nhận được một tin nhắn từ số điện thoại 01692.428.055 với nội dung: QUÀ TẶNG - ÂM NHẠC gửi tới bạn một bài hát và lời nhắn trong bài hát. Hãy gọi 19004562 để nghe bài hát bạn được tặng nhé!"

Cảnh giác trước những chiêu lừa đảo qua tin nhắn, nên anh Khang nhất định không gọi lại. Tuy nhiên, hai ngày sau anh tiếp tục nhận được tin nhắn từ số điện thoại này với nội dung tương tự. Anh Khang nghĩ có bạn muốn gửi tặng bài hát thật nên đã gọi lại. Tuy nhiên, khi gọi lại anh Khang chỉ nhận được những tiếng tút tút kéo dài. Đến khi kiểm tra tài khoản mới 'tá hỏa' vì đã bị trừ mất 15.000 đồng.

"Tôi rất bực mình. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ trường hợp của mình để cảnh báo sâu rộng trong người dân. Đồng thời, mong nhà mạng quản lý chặt chẽ các đầu số 1900. Trách sự mất lòng tin của khách hàng vào các nhà mạng", anh Khang bức xúc.

Cảnh giác với tin nhắn lừa đảo từ Tổng đài Qùa tặng âm nhạc.
Cảnh giác với tin nhắn lừa đảo từ Tổng đài Qùa tặng âm nhạc.
Qua tìm hiểu, từ sau Tết đến nay, trường hợp khách hàng phản ánh về trường hợp bị tin nhắn lừa đảo chương trình "Quà tặng âm nhạc" chia sẻ rất nhiều trên các diễn đàn mạng.

Theo đó, anh Lê Quốc Hải (TP. Hạ Long) cũng gặp phải trường hợp tương tự. Anh Hải chia sẻ: "Từ ngày 5/2, tôi liên tiếp nhận được tin nhắn có nội dung: “Một người em gái gửi tặng bài hát, hãy gọi vào 19001987 để nghe nội dung và lời nhắn”. Tôi gọi vào đầu số 19001987 thì chỉ thấy hệ thống trả lời tự động, sau đó kiểm tra lại tài khoản thì biết bị trừ mất 15.000 đồng.

Dù đã từng nghe về trường hợp lừa đảo này, nhưng các bạn lưu ý, cũng số điện thoại ấy, bọn lừa đảo sẽ liên tục gửi tin nhắn vào số điện thoại của bạn, chứ không chỉ một lần. Để bạn nghĩ là người thân gửi nên gọi lại. Vì vậy, các bạn hãy cảnh giác với trường hợp này nhé”, anh Hải chỉ ra mánh khóe mới của những kẻ lừa đảo.

Là người từng bị mất tiền oan với trường hợp tương tự, chị Mai Châu bức xúc cho biết: “Vào 15h ngày 26/1/2014 tôi có nhận được tin nhắn từ số thuê bao 01268.452.900 thông báo “Một người bạn tên H gửi tặng 0943.632.*** Bài hát Lời hứa chóng phai của Mỹ Tâm. Gọi 19006958 để nghe bài hát và lời nhắn từ người ấy”.

Tưởng rằng có bạn gửi tặng quà tặng âm nhạc cho mình nên chị Châu đã gọi tới tổng đài 19006958 để nghe bài hát. Tuy nhiên, khi gọi tới số này chị Châu không hề được thưởng thức bài hát nào mà hệ thống trả lời tự động với nội dung: “Hiện tại, các điện thoại viên đều đang bận, quý khách vui lòng chờ máy hoặc gọi lại sau”. Biết mình đã bị mắc lừa, chị Châu đã tắt máy và kiểm tra tài khoản thì biết đã bị trừ 15000 đồng. 

Trách nhiệm thuộc về nhà mạng

Trả lời trên báo Sài Gòn giải phóng, một lãnh đạo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (C50, Bộ Công an) cho rằng: Để xảy ra hành vi lừa đảo này có sự “tiếp tay” từ chính các nhà mạng khi không quản lý chặt chẽ các đầu số, dẫn đến tình trạng phát tán tin nhắn rác, quảng cáo cho đầu số, lừa đảo khách hàng nhắn tin lại để thu tiền. Có thể nói, các nhà mạng quá dễ dãi khi ký kết hợp đồng với những ràng buộc chỉ mang tính chất tương đối. Mặt khác, khi đầu số đi vào hoạt động, các nhà mạng hiếm khi kiểm soát nội dung nên vẫn tồn tại hàng loạt các tổng đài nhắn tin lô đề, đánh bạc trên điện thoại di động hay tư vấn tình dục...

Theo nhận định của cơ quan chức năng, lợi nhuận thu lại từ các đầu số quá lớn nên nhiều khi nhà mạng phớt lờ trong công tác quản lý đầu số và “đổ hết” trách nhiệm cho các công ty cung cấp nội dung (CP). Vì thế, chỉ khi cơ quan chức năng bắt quả tang việc phát tán tin nhắn rác, các nhà mạng mới để ý đến trách nhiệm của mình. Hầu hết lãnh đạo các nhà mạng đều cho rằng, họ không thể kiểm soát hết được nội dung tin nhắn từ các CP.

Trong khi đó, đại diện Thanh tra Bộ TT-TT cho rằng, cần làm rõ việc thủ tục cấp phát đầu số dễ dàng dẫn đến chuyện ăn chia giữa nhà mạng và CP. Cũng theo Thanh tra Bộ TT-TT, để xảy ra tình trạng tin nhắn rác tràn lan, nhà mạng còn chịu trách nhiệm rất lớn trong công tác quản lý sim trả trước. Mặc dù đã có quy định cho việc khai báo thông tin đối với sim trả trước nhưng thực tế khách hàng vẫn có thể mua sim sử dụng mà không cần đăng ký.

Một cuộc thanh tra của Bộ TT-TT cũng chỉ ra các nhà mạng thiếu trách nhiệm quản lý đại lý, cửa hàng dẫn đến khai báo thông tin không chính xác; cho phép khai báo chủ sở hữu sim là công ty lên đến hàng nghìn sim... dẫn đến cơ sở dữ liệu bị sai lệch. Các đối tượng này sử dụng sim phát tán tin nhắn rác theo kiểu đột kích, phát tán xong là bỏ sim nên khó truy tìm để xử lý./.

Phạm Liễu