Lòng tin của người dân vào nhiều dự án BOT giao thông bị xói mòn

24/06/2018 07:00
Vũ Phương
(GDVN) - Theo Giáo sư Từ Sỹ Sùa, nghiên cứu chỉ ra chi phí BOT người dân Việt Nam phải trả gần bằng và thậm chí vượt chi phí nhiên liệu là rất vô lý.

Hẳn không ít người phải lắc đầu và vẫn còn nhớ lần đầu đăng đàn trả lời các vấn đề nóng về các dự án BOT thời gian qua gây bức xúc dư luận và cần giải pháp giải quyết dứt điểm trên nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải – ông Nguyễn Văn Thể nhiều lần “mong bà con thông cảm” và “cố gắng”.

Có người cho rằng, tư lệnh ngành giao thông “mong bà con thông cảm” thì ai thông cảm cảm cho bà con khi một số trạm BOT, người dân không đi cũng phải trả tiền.

Lòng tin của người dân vào nhiều dự án BOT giao thông bị xói mòn ảnh 1Khi làm dự án BOT có hỏi ý kiến dân không, giờ “vỡ” ra ai chịu?

Bức xúc hiện nay nằm ở 17 dự án đặt sai vị trí. Có 3 dự án dân không đi phải trả tiền. 6 dự án làm trên đường cao tốc và làm đường chính thì đặt ở đường chính và thu cả cao tốc, tức là không đi cao tốc cũng phải trả tiền. 6 dự án không đi đường tránh phải trả tiền.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Giao thông Vận tải, nói về việc quản lý, khai thác BOT thời gian qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng còn bất cập, gây bức xúc xã hội. Nhiều nơi tạo thành điểm nóng, ảnh hưởng đến nền kinh tế. Các dự án BOT thực hiện khá nhanh nhưng chất lượng thấp.

Giá qua trạm cần phải phù hợp với người dân và doanh nghiệp. Nếu cao quá thì người dân không đồng ý, thấp thì doanh nghiệp không chịu được…

Đến thời điểm này câu chuyện về BOT vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận, bởi một lý do vẫn còn nhiều bức xúc và bất thường.

Mới đây, Công an huyện Vũ Thư xác nhận đang làm rõ thông tin tài xế tố trạm BOT Tân Đệ (đoạn qua cầu Tân Đệ, quốc lộ 10, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) bị cắt sẵn để bẫy tài xế.

Trước đó, vào ngày 5/6, tại trạm thu phí BOT Tân Đệ, nhiều lái xe đi qua trạm thu phí này đã phản ứng bằng cách không mua vé vì cho rằng trạm thu phí đã hết hạn nhưng đơn vị thu phí vẫn cố tình tận thu.

Có tài xế đi qua còn hất văng thanh barie, hoặc phụ xe xuống nhấc barie sang một bên để cho xe chạy qua. Cứ mỗi lần các xe không đóng phí và cho xe chạy qua, nhân viên tại trạm thu phí lại nhấc thanh barie về vị trí cũ.

Hình ảnh tài xế đuổi đánh nhân viên thu phí BOT Tân Đệ vì cho rằng trạm thu phí này đã hết hạn. Ảnh: Cắt từ clip.
Hình ảnh tài xế đuổi đánh nhân viên thu phí BOT Tân Đệ vì cho rằng trạm thu phí này đã hết hạn. Ảnh: Cắt từ clip. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư – Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa (Trường đại học Giao thông Vận tải) cho rằng: “Chủ trương BOT giao thông của Đảng và Nhà nước là đúng.

Trên lý thuyết sẽ rất lợi, lợi nhiều mặt, lợi cho cả nhà nước, lợi cho người dân và lợi cho cả doanh nghiệp.

Nhưng thực tế cho thấy, nhiều dự án BOT của ta thời gian qua có quá nhiều mặt trái. Người dân có tâm lí nghi ngờ tất cả các dự án BOT, nói đến các trạm BOT là người ta nghĩ đến sự méo mó, tiêu cực.  

Khi những bất cập, vô lý của những BOT giao thông như vừa qua khiến người dân bức xúc vì trạm BOT đặt sai vị trí, thu phí cao, không thiết thực, không hợp lòng dân.

Đáng nói, việc đặt trạm BOT dày đặc, bủa vây người dân, người dân rẽ trái cũng trạm BOT, rẽ phải cũng BOT, tức người dân không thoát khỏi BOT.

Lâu ngày những bức xúc đó dồn nén gây ra những hiệu ứng tiêu cực xảy ra trên diện rộng”.

Theo Giáo sư Từ Sỹ Sùa, người dân là những người sử dụng, là khách hàng nhưng gần như không được hỏi ý kiến tham vấn.

Nhiều chuyên gia, trí thức đã nói rất nhiều, người dân phải có lựa chọn giữa đường mất phí và đường không mất phí.

“Người dân không đi đường BOT vẫn có đường khác để đi. Hay nói cách khác là có đường BOT hay không, không ảnh hưởng đến quyền đi lại của người dân. Người dân có sự lựa chọn đi đường mất phí hoặc đi đường miễn phí.

Nhưng nhiều nơi, người dân không có sự lựa chọn hoặc có sự lựa chọn, nhưng họ lại đặt trạm BOT sai vị trí dẫn đến không. Đó chính là cốt lõi vấn đề gây lên những bức xúc cho người dân”, Giáo sư Từ Sỹ Sùa nói.

Giáo sư Từ Sỹ Sùa cho rằng, rất vô lý nếu như người dân không đi mà phải trả tiền. Ảnh: Vũ Thủy/Kiến Thức
Giáo sư Từ Sỹ Sùa cho rằng, rất vô lý nếu như người dân không đi mà phải trả tiền. Ảnh: Vũ Thủy/Kiến Thức 

Giáo sư Từ Sỹ Sùa nhấn mạnh: “Lòng tin của người dân vào trạm BOT bị xói mòn, đặt ra câu hỏi nếu không có BOT thì người dân đi bằng lối nào.

Không sử dụng dịch vụ mà phải trả tiền trong bất cứ nguyên tắc trong kinh tế thị trường, hay bất cứ một nền kinh tế nào thì cũng không thể chấp nhận được.

Không thể đổ lỗi cho ai cả, mà do hệ thống quản lý nhà nước, thay mặt cho người dân đã không sát, không rõ ràng, không công khai, minh bạch, không thông qua đấu thầu nhiều dự án BOT.

Thanh tra, kiểm toán đã chỉ rõ, sau khi tính lại, một số tiêu chí thời gian, mức phí đã giảm hàng trăm năm. Như vậy, người dân thấy BOT chưa phục vụ vì nhân dân mà đâu đó phục vụ cho nhóm lợi ích”.

Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, không ít lần Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn về BOT mong người dân thông cảm. Một số trạm thu phí đặt sai vị trí, gây bức xúc cho người dân vẫn chưa có giải pháp triệt để.

Lòng tin của người dân vào nhiều dự án BOT giao thông bị xói mòn ảnh 4Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Bộ trưởng mạnh dạn hứa nhưng sợ thực hiện lại khó khăn

Về việc này, Giáo sư Từ Sỹ Sùa cho rằng: “Điều quan trọng đó là trong thời gian tới giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, gây bức xúc cho người dân về BOT không nóng như thời gian qua.

Điều đó làm ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước.

Để có một bức tranh sáng hơn về đầu tư BOT giao thông, cần phải công khai quy hoạch dự án BOT từ trạm BOT đặt ở đâu, mức thu phí, thời gian thu bao lâu.. phải rõ. 

Lợi ích của người dân, doanh nghiệp, nhà nước phải hài hòa. Đặc biệt, lợi ích của người dân sống gần trạm BOT, những người thường xuyên phải di chuyển qua trạm. Ví dụ, nhà tôi gần trạm, một ngày đi rất nhiều lần, trái, phải, thẳng đều có trạm thu phí thì phải có chính sách cho tôi.

Để đạt được lợi ích hài hòa giữa các bên thì việc công khai, minh bạch, công bố dự án BOT để người dân giám sát là rất quan trọng và cần thiết”.

Cũng theo Giáo sư Từ Sỹ Sùa, việc giảm giá một số trạm BOT cho người dân sống lân cận về trước mắt người dân sẽ hài lòng, nhưng lâu dài thì cần phải xử lý triệt để, minh bạch đầu tư các dự án, nhằm tránh nảy sinh bức xúc.

Bởi hàng ngày họ đi nhiều lượt, mà lượt nào cũng thu tiền dù giá thấp hơn bình thường, nhưng cộng lại vẫn là nhiều. Theo đó, về lâu dài người dân sống gần trạm thu phí BOT sẽ vẫn bức xúc.

Đáng nói, có tình trạng giảm phí một thời gian, sau đó một thời gian bức xúc giảm dần nhà đầu tư lại tăng phí.

Giáo sư Từ Sỹ Sùa cho biết: “Theo nghiên cứu tại một số nước trên thế giới, chi phí đi lại chỉ bằng khoảng 6% thu nhập của người dân. Còn theo nghiên cứu của chúng tôi, chi phí đi lại của nước ta lên đến 35%.

Trong đó, chi phí trả cho đường BOT cao gần bằng chi phí nhiên liệu, có nơi còn cao hơn nhiên liệu như tuyến BOT Hà Nội – Hải Phòng. Như thế là bất hợp lý”.

Vũ Phương