Một công ty do bầu Kiên từng làm chủ tịch lỗ 433 tỷ đồng vì... vàng

14/08/2013 15:08
Theo Pháp luật và Xã hội
Mặc dù không được Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng, nhưng Cty Thiên Nam đã thực hiện hàng loạt giao dịch vàng cả trong và ở ngoài nước với số lượng rất lớn, đem lại khoản… lỗ “khủng” cho chính Cty này lên tới trên 433 tỉ đồng.
Cơ quan chức năng đã xác định, “bầu” Kiên đã chỉ đạo Cty Thiên Nam tiến hành các hoạt động kinh doanh vàng trái phép có giá trị đặc biệt lớn này. Công ty Thiên Nam do bầu Kiên làm chủ tịch có ngành nghề kinh doanh chính là may mặc không được cấp phép kinh doanh vàng nhưng đã tiến hành các giao dịch mua bán vàng với giá trị rất lớn ở cả trong và ngoài nước. Do biến động của giá vàng, công ty Thiên Nam đã lỗ từ các giao dịch vàng trạng thái và vàng vật chất tới trên 433 tỉ đồng. Người ta kinh doanh trái phép để thu lợi bất chính, “bầu” Kiên cũng vậy, nhưng kết quả thì Cty của người một thời “thét ra lửa” này lại lỗ hàng trăm tỉ đồng…
“Bầu” Kiên ở thời kỳ “thét ra lửa”. Ảnh: Hải Đăng “Bầu” Kiên ở thời kỳ “thét ra lửa”. Ảnh: Hải Đăng
“Bầu” Kiên ở thời kỳ “thét ra lửa”. Ảnh: Hải Đăng “Bầu” Kiên ở thời kỳ “thét ra lửa”. Ảnh: Hải Đăng
Cty Thiên Nam có địa chỉ tại phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được thành lập năm 1995. Cty có vốn điều lệ là 11 tỉ đồng do 9 thành viên đóng góp, gồm các pháp nhân: Cty may mặc thời trang, Cty sản xuất xây dựng Thiên Hải và các cá nhân gồm các ông: Lê Vũ Kỳ, Phan Tô Giang, Lê Quang Trung, Nguyễn Đức Kiên (góp 1,65 tỉ đồng), Đinh Thế Lam, Vũ Trần Tiến Anh và Nguyễn Chí Dũng. Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật.
Từ khi thành lập đến tháng 11.1998, “bầu” Kiên kiêm luôn chức vụ tổng GĐ, sau đó là các ông Lê Quang Trung và Vũ Trần Tiến Anh nắm giữ chức vụ này. Dù có nhiều bên góp vốn, nhưng HĐQT của Cty chỉ có 3 thành viên, ngoài chủ tịch “bầu” Kiên, hai vị còn lại là ông Lê Vũ Kỳ và Phan Tô Giang. Cty Thiên Nam có đăng ký các ngành nghề kinh doanh là: Sản xuất hàng may mặc, kinh doanh XNK các sản phẩm công nghiệp nhẹ, kinh doanh bất động sản…, nhưng không được Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng. Thế mà Cty này vẫn tiến hành các giao dịch mua bán vàng siêu khủng cả ở trong và ngoài nước. Theo chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên, ngày 30.11.2009, Tổng GĐ Cty Thiên Nam là ông Lê Quang Trung đã ký thỏa thuận với Ngân hàng Vietbank về việc chuyển giao và ngày 9.5.2009 tiếp tục thực hiện hợp đồng kinh doanh vàng trạng thái, do Vietinbank đã ký với Ngân hàng ACB, với trạng thái lúc chuyển giao là bán 150.000 ounce (1 ounce vàng bằng 0,83 lượng vàng), mua 6.250 ounce do Vietbank đã thực hiện từ trước. Trên cơ sở thỏa thuận này, ngày 10.12.2009, Cty Thiên Nam ký hợp đồng giao dịch vàng trạng thái số 017/GDTTV/HĐ với Ngân hàng ACB về việc mua trạng thái vàng của Ngân hàng ACB với quy mô giao dịch là 150.000 ounce hạn mức chặn lỗ là 10.000USD. Căn cứ hợp đồng trên, ngày 5.12.2009, HĐQT Cty Thiên Nam họp và ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên là Chủ tịch HĐQT thực hiện giao dịch trạng thái vàng của Cty Thiên Nam thông qua hệ thống điện thoại ghi âm tại Ngân hàng ACB. Trong năm 2009, “bầu” Kiên đã thực hiện đặt lệnh tất toán vàng trạng thái mua 6.250 ounce nhận từ Ngân hàng Vietbank và từ ngày 10.12.2009 đến ngày 30.4.2010, “bầu” Kiên đã thực hiện 4 lệnh đặt bán 75.000 ounce và 9 lệnh đặt mua 70.000 ounce. Ngoài ra, ngày 10.12.2009, Nguyễn Đức Kiên đại diện Cty Thiên Nam ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính thông qua kinh doanh vàng số 01/HTĐT-TNC với ông Lê Quang Trung và hợp đồng số 02/HTĐT-TNC với ông Vũ Trần Tiến Anh về việc ông Lê Quang Trung và Vũ Trần Tiến Anh ủy thác cho Cty Thiên Nam kinh doanh vàng với quy mô ngoài nước là 75.000 ounce, trong nước là 18.750 ounce, điều kiện là mỗi người phải đầu tư 150 tỉ đồng trực tiếp với Ngân hàng ACB, nhưng thực tế số tiền này đều do ông Nguyễn Đức Kiên đầu tư, kết quả thu được thì ông Trung và ông Tiến Anh nhận 70%, Cty Thiên Nam hưởng 25%... Vào thời điểm cuối tháng 7.2010, khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tất toán các tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài, Cty Thiên Nam đã thực hiện được 49 giao dịch bằng 150.000 ounce để đóng tài khoản đã ủy thác. Việc xác nhận toàn bộ các phiếu lệnh đặt mua và bán đều do ông Lê Quang Trung - Tổng GĐ Cty Thiên Nam thực hiện. Do giá vàng ở thời điểm bán thấp hơn giá vàng ở thời điểm mua nên Cty Thiên Nam đã lỗ hơn 21 triệu USD (tương đương trên 408 tỉ đồng). Số tiền này, Cty Thiên Nam đã xác nhận công nợ phải trả với Ngân hàng ACB và ghi nợ theo tỉ lệ trong hợp đồng với ông Vũ Trần Tiến Anh. Ngoài ra, Cty Thiên Nam còn kinh doanh vàng trong nước với số lượng giao dịch mua, bán là 37.500 lượng vàng SJC, lỗ 19 tỉ đồng; kinh doanh vàng ở nước ngoài với lượng giao dịch mua, bán là 75.000 ounce, lỗ gần 5 tỉ đồng... Tổng cộng, Cty Thiên Nam đã lỗ từ các giao dịch vàng trạng thái và vàng vật chất tới trên 433 tỉ đồng. Như vậy, mặc dù Cty Thiên Nam không được Nhà nước cấp phép kinh doanh vàng, nhưng Cty này đã thực hiện hàng loạt giao dịch vàng cả trong và ở ngoài nước với số lượng rất lớn, đem lại khoản… lỗ “khủng” cho chính Cty này lên tới trên 433 tỉ đồng. Cơ quan chức năng đã xác định, “bầu” Kiên đã chỉ đạo Cty Thiên Nam tiến hành các hoạt động kinh doanh vàng trái phép có giá trị đặc biệt lớn này. Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng bọn phạm tội “kinh doanh trái phép”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “trốn thuế” và “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”- đến nay CQĐT- Bộ Công an đã chuyển kết luận điều tra và hồ sơ vụ án sang Viện KSND Tối cao.
Theo Pháp luật và Xã hội