Một phút tẩm hóa chất, thịt lợn ốm, ôi "lên đời" thành thịt tươi ngon

02/07/2011 23:55
(GDVN) - Cứ đến mùa nắng nóng, những hàng thịt bán còn tồn bao giờ cũng phải sử dụng một ít hóa chất chống ôi, thiu để bảo quản thịt từ thịt bò đến lợn, gà...

(GDVN) - Theo tiết lộ của một tiểu thương bán thịt tại chợ Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội), cứ đến mùa nắng nóng, đặc biệt là các ngày nắng gắt, những hàng thịt bán buổi sáng còn tồn bao giờ cũng phải sử dụng một ít hóa chất chống ôi, thiu để bảo quản thịt, từ thịt bò đến lợn, gà…

>> Thịt lợn tai xanh chế thành chả, ruốc và tuồn về Hà Nội?

Thịt nào cũng ngâm?


Trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam về cách phân biệt thịt ngon và thịt đã bị tẩm hóa chất để chống ôi, thiu., mặc dù có hơn 10 năm kinh nghiệm bán thịt nhưng chị M. –  bán thịt trong chợ Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) thừa nhận: bằng mắt thường, đôi lúc chính chị cũng cũng không thể nào ngay lập tức "nhận dạng" được 2 loại thịt này.

Theo chị M., cứ đến mùa nắng nóng, đặc biệt là các ngày nắng gắt, những hàng thịt bán buổi sáng còn tồn bao giờ cũng phải sử dụng một ít hóa chất chống ôi, thiu để bảo quản thịt từ thịt bò đến lợn, gà… “Nói là bảo quản nhưng chẳng mấy ai bảo quản bình thường trong tủ lạnh đâu. Vì như thế, thịt vừa bị tái màu mà lại bốc mùi nên mỗi hàng thịt đều phải có những kỹ thuật riêng”, chị M. khẳng định.

Nhiều người bán thịt tiết lộ, mùa nóng cũng là mùa nhiều dịch bệnh nên thịt lợn được ngâm hóa chất bảo quản nhiều nhất.

Nhiều người bán thịt tiết lộ, mùa nóng cũng là mùa nhiều dịch
bệnh nên thịt lợn được ngâm hóa chất bảo quản nhiều nhất.

 Khoảng hơn 11h trưa, theo quan sát của phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam tại chợ đầu mối Kim Ngưu (Hà Nội),  nhiều phản thịt tại đây, nhìn bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận biết thịt "có vấn đề". Mặc dù màu thịt vẫn đỏ hồng nhưng các thớ thịt ấn vào đã mềm nhũn trong khi người bán hàng vẫn luôn miệng chào mời, quảng cáo thịt nhà chị là thịt ngon, người mua yên tâm vì "không tẩm ướp các hóa chất như các hàng khác".
Cũng theo chị M., những hóa chất bảo quản thịt "cứ lên phố Hàng Buồm là có tất".
Đúng như lời chị nói, khi phóng viên đến con phố được mệnh danh là "phố phụ gia, hương liệu", chỉ cần hỏi mua hóa chất bảo quản thịt, ngay lập tức phóng viên được một chủ hàng đưa ra một túi ni lông đựng bột trắng, giới thiệu 30 nghìn đồng/kg. Gói bột trắng không nhãn mác, thành phần được người bán quảng cáo là hàng Thái Lan, chuyên để bảo quản thịt. Khi sử dụng người dùng cho bao nhiêu là tùy ý. Nếu muốn bảo quản thịt được lâu thì cho nhiều hơn.

Tại cửa hàng H., cũng gói bột có trọng lượng 1kg tương tự nhưng được bán với giá 40 ngàn đồng. Nguồn gốc túi bột này theo cửa hàng là hàng Việt Nam. Chỉ cần một ít bột này thì thịt có màu thâm đen cũng đỏ lại ngay chứ chưa nói đến thị lợn ốm. Người bán hàng còn tiết lộ “vào mùa hè bán sản phẩm này rất chạy. Nhiều người còn từ Bắc Giang, Hưng Yên lên đây lấy hàng".

Công nghệ cực đơn giản


Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa cho biết, thông thường thịt được bảo quản từ các chất làm phân bón như kali nitrat (KNO3) giống nhau nhưng chức năng khác nhau. Nếu dùng trong công nghệ thực phẩm, độ tinh khiết của kali nitrat rất cao lên đến 99,9 %. Còn làm phân bón chỉ ở mức độ 40 - 50 %. Quy định người ta chỉ được dùng với lượng 170 mgr /1 kg thịt.

Thử làm phép tính nhẩm, 1 kg kali Nitrat, người bán thịt chỉ mua với 30 nghìn đồng/kg. Để biến 1 kg thịt ôi thành thịt ngon, chỉ cần sử dụng khoảng 1mgr bột này và mất... 30 đồng. Nếu số lượng thịt cần bảo quản nhiều hơn, người bán cũng chỉ mất số tiền không đáng kể. "Chất đó không cấm được mà cần khống chế mức an toàn. KNO3 không có mùi vị nên dùng nhiều người tiêu dùng không nhận biết được", PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo.
Những xe chở lợn như thế này từ Văn Điển được đưa vào trong nội đô càng khiến thịt nhanh hỏng

Những xe chở lợn như thế này từ Văn Điển được đưa
vào trong nội đô càng khiến thịt nhanh hỏng.

PGS Thịnh dự đoán, thường có 2 nguồn thịt hay phải sử dụng hóa chất bảo quản đó là thịt nhập khẩu quá hạn. Các nước sản xuất thịt đều có hạn dùng. Khi sắp hết hạn người ta bán tống bán tháo. Một bộ phận hơi có mùi, mất mùi tươi có thể xử lý được. Nguồn thứ 2, ở khu bị dịch bệnh lở mồm long móng, tai xanh người ta vẫn mang ra giết, có thể cả thịt lợn đã chôn xuống đất. Nếu thịt đi từ nguồn đó rất nguy hiểm nhiễm độc kép (nhiều lần dịch bệnh và chất độc). Thịt lợn đã bị hỏng sẽ có lượng vi khuẩn phát triển trong thịt độc tố này nấu chín không mất hay còn gọi độc tố Botilin…

Bản thẩn PGS Thịnh đã nhiều lần đến những chợ đầu mối, chợ nông thôn. Ông cảm nhận được nguồn gốc thịt ở đây không phải từ lò mổ ra mà phần lớn là giết mổ tự phát. Nếu người bán hàng sử dụng hóa chất bảo quản không dùng trong thực phẩm mà trong công nghiệp sẽ gây ra 4 nguồn độc: độc trong thịt lợn, vi sinh vật phát triển trong đó, NO3 cao và tạp chất.

Thịt ươn phân hủy có mùi, mất màu đỏ tạo thành màu thâm đen. Với thịt vừa giết mổ, Hemoglobin nằm trong thịt vẫn còn nên thịt có màu đỏ, tươi. Tuy nhiên, nếu Hemoglobin tiếp xúc với oxi lâu sẽ chuyển thành Memoglobin, một dạng huyết đen. Khi cho KNO3, chất N03 sẽ biến Memoglobin thành Hemoglobin có màu đỏ, theo đó miếng thịt đang có màu thâm sẽ chuyển thành đỏ tươi. Nếu nhìn bằng mắt thường, vẫn thấy thịt đó ngon, không có mùi ôi.

Khi mua thịt, người mua cần phân biệt 3 đặc điểm màu, mùi, trạng thái. Miếng thịt tươi thường mềm và có độ dẻo, thịt ươn nhão hơn. Khi tẩm hóa chất sẽ chỉ cứng bề mặt còn bên trong vẫn nhão.

Điều đáng ngại nhất ở đây, ông Thịnh cho rằng là các sản phẩm này thường bán ở những chợ nông thôn, ngoại thành, các khu công nghiệp nơi mà người lao động nghèo không có nhiều tiền. Mọi gánh nặng ngộ độc trường diễn hầu như chỉ người lao động nghèo phải chịu.


Phương Thúy

>> Bơm nước, tiêm thuốc an thần để “lên đời” thịt lợn

>> Cận cảnh quy trình "hô biến" thịt lợn thành thịt bò

>> 16 tấn “thịt bò” có thể gây chết người bị tung ra thị trường

>> Chất phụ gia "biến” thịt lợn thành thịt bò đã có ở VN?