NTD hoang mang vì bột ngọt giả Miwon, Vedan tràn ngập thị trường

25/03/2013 10:07
P.V
(GDVN) - Rất nhiều loại bột ngọt của các thương hiệu lớn như Vedan, Miwon, A-One... gần đây bị làm giả khá tinh vi và bày bán tràn ngập thị trường. Theo cơ quan chức năng, các mặt hàng giả bột ngọt này phần lớn có nguồn gốc từ các loại bột ngọt nhập lậu từ Trung Quốc.
"Hô biến" bột ngọt Trung Quốc thành hàng Việt Nam Tuy không phải là vấn đề mới xuất hiện gần đây nhưng sau thời gian im ắng, tình hình sản xuất kinh doanh bột ngọt giả đang có dấu hiệu tràn lan trở lại và khá phức tạp. Các cơ quan chức năng trên toàn quốc liên tục kiểm tra và lập biên bản các vụ sản xuất và kinh doanh bột ngọt giả, bắt giữ hàng tấn bột ngọt giả các thương hiệu lớn như Vedan, Miwon, A-One...
Các mẫu mã bột ngọt làm giả các các thương hiệu lớn như Vedan, Miwon, A-One.
Các mẫu mã bột ngọt làm giả các các thương hiệu lớn như Vedan, Miwon, A-One.
Ngày 16/1/2013, Công An TP. Đà Nẵng đã bắt và xử lý vụ án sản xuất bột ngọt giả mang thương hiệu A-One, tịch thu 547 gói trọng lượng 454gr. Không lâu trước đó, lực lượng bộ đội biên phòng TP. Đà Nẵng cũng đã bắt giữ 1 vụ sản xuất bột ngọt giả A-One, tịch thu gần 100kg bột ngọt giả. Cá biệt, ngày 15/8/2012, Công an thành phố Trà Vinh bắt 1 vụ sản xuất bột ngọt giả, thu giữ 16.000 túi bao bì các loại của Vedan, và 1.800 túi bao bì các loại của Miwon. Công an tỉnh Vĩnh Phúc trong tháng 6-2012 cũng từng xử lí một cơ sở sản xuất với 998 kg bột ngọt Miwon giả. Phần lớn bột ngọt giả được phát hiện có nguồn gốc từ loại bột ngọt Trung Quốc nhập lậu hay còn gọi là bột ngọt xá. Loại bột ngọt này được được đóng trong bao 25kg, bên ngoài ghi toàn bộ bằng tiếng Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt và pháp nhân nhập khẩu chịu trách nhiệm. Loại bột ngọt lậu này được vận chuyển qua các cửa khẩu phía Bắc và được phân phối đến các tỉnh theo đường Bắc Nam. Ngày 9/1/2013, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an Quận Bình Tân qua kiểm tra kho chứa hàng thuộc chi nhánh Công ty TNHH MTV Việt Nhật An (địa chỉ 1111 quốc lộ 1A, P. Bình Trị Đông A) đã phát hiện hơn 62,5 tấn bột ngọt Trung Quốc không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và giấy chứng nhận công bố chất lượng sản phẩm. Tương tự, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã tổ chức tiêu hủy hơn 21 tấn bột ngọt lậu Trung Quốc không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại các tỉnh thành phía Bắc, bột ngọt lậu Trung Quốc hiện đang xâm nhập rất sâu rộng vào thị trường và đây là nguồn nguyên liệu hết sức thuận lợi cho các đối tượng sử dụng để sản xuất hàng giả các thương hiệu lớn.Bột ngọt giả: 1 lời 1 Các đầu nậu chuyên cung cấp loại bột ngọt này cho biết giá loại bột ngọt bao xá của Trung Quốc khoảng 750.000 đồng/bao 25kg, còn “áo” tức vỏ bao bì giả nhãn hiệu Vedan, Miwon... loại 400gr hay 454gr (khối lượng tịnh ghi trên bao bì), bán số lượng từ 1.000 cái trở lên, giá 1.000 đồng/cái. Loại bao bì giả này cũng được sản xuất tại Trung Quốc  và chuyển lậu qua Việt Nam. Tính sơ bộ, một bao bột ngọt 25kg thường có thể đóng được 64-65 gói 400gr, và nếu tự sang chiết sản xuất giả tại nhà và đem bỏ mối tại chợ thì có thể kiếm lợi ít nhất 7.000 đến 8.000 đồng một gói, thậm chí là một lời một.
Năm 2011, Công an TP.HCM cũng đã từng bắt giữ một vụ sản xuất bột ngọt Vedan giả, tang vật thu được đến 15.000 bao bì giả của thương hiệu này, cùng 200 gói bột ngọt Vedan giả thành phẩm. Với mỗi bao bì có trọng lượng 454gr thì số lượng 15.000 chiếc bao bì giả có thể sản xuất ra gần 7 tấn bột ngọt giả, một số lượng không hề nhỏ. Tại Hà Nội, chợ Đồng Xuân được xem là nơi bán bột ngọt giả Miwon, Vedan với số lượng nhiều và công khai nhất. Đây là chợ đầu mối chuyên cung cấp những mặt hàng thực phẩm, hàng khô, quần áo... cho khoảng 90% các tiệm tạp hóa, cửa hàng buôn bán nhỏ, lẻ tại Hà Nội và các huyện ngoại thành. Những loại hàng này chủ yếu phục vụ đối tượng là người dân ngoại thành, người thu nhập thấp. Theo chị Nguyễn Thị Phượng, bán hàng tạp hóa tại chợ Cầu Diễn, vì giá của các loại bột ngọt giả các thương hiệu lớn như Vedan, Miwon… hoặc bột ngọt Trung Quốc đóng trong các bao lớn trọng lượng 25kg một bao tại chợ Đồng Xuân thường rẻ hơn hàng chính hãng, nên nếu kinh doanh mặt hàng này sẽ lãi hơn nhiều so với buôn hàng chính hãng. Bác Trần Thị Tuyết Lan, cán bộ hưu trí ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân lo lắng: “Nhà tôi vẫn hay dùng các loạt bột ngọt như Vedan, Miwon, nhưng nếu cứ tình trạng hàng giả như thế này thì thật sự chúng tôi rất hoang mang lo sợ. Chắc sắp tới gia đình chúng tôi sẽ chuyển sang sử dụng loại khác…. Với “quy trình” sản xuất bột ngọt giả vô cùng đơn giản, với chiếc cân loại 2kg, 5kg dùng để cân trọng lượng sản phẩm sau khi đã pha chế và đóng gói cùng chiếc máy ép nhựa và những “sản phẩm” bột ngọt không rõ nguồn gốc từ bột ngọt xá Trung Quốc cung cấp bởi các đầu nậu, đối tượng sản xuất giả đổ bột ngọt ra thau, chậu rồi dùng muỗng xúc vào từng bao bì gia của các sản phẩm như A-One, Vedan, Miwon… và dùng máy hàn miệng túi, dập “date” trước khi bán ra thị trường để kiếm lời bất chính. Những bao bột ngọt xá Trung Quốc với hạn sử dụng chỉ 3 năm nhưng khi sản xuất thành những gói bột ngọt A-One, Vedan, Miwon… thì “date” được ghi thoải mái đến 5 năm. Từ những nguyên liệu không hề đảm bảo chất lượng cộng với môi trường sản xuất thủ công không đảm bảo an toàn vệ sinh, tác hại của những loại bột ngọt giả này kinh khủng thế nào và không ai khác người tiêu dùng đang phải gánh chịu những thiệt thòi và ảnh hưởng về sức khỏe khi lỡ may tiêu dùng phải những loại bột ngọt “rỏm” mang mác các thương hiệu nổi tiếng này.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
P.V