Nestlé VN khai lỗ 14 năm: Bất ngờ, bất công và... bất nhẫn

14/08/2013 15:23
HL (TH)
(GDVN) - Độc giả ThiNga phân tích: "Nhìn vào thị phần quá lớn của Nestlé tại thị trường Việt Nam, nhìn vào những con số tăng trưởng ấn tượng của Nestlé toàn cầu, nhìn vào sự nỗ lực đóng thuế của các doanh nghiệp ngành thực phẩm, thức uống trong nước... mới thấy, con số lỗ khủng mà Nestlé đưa ra có gì đó bất ngờ, bất công và hơi... bất nhẫn".
Theo con số được đưa ra trong một báo cáo của Ban quản lý KCN tỉnh Đồng Nai gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế từ khi thành lập (năm 1995) đến nay, Nestlé Việt Nam đang thua lỗ hơn 30,8 triệu USD, chiếm 20% vốn góp chủ sở hữu. Thừa nhận mức lỗ này, trả lời báo Đầu tư, ông Vũ Quốc Tuấn - Trưởng phòng Truyền thông&Đối ngoại Nestlé Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã có lãi trong các năm 2007, 2008, 2011 và 2012, chưa tính năm 2013. Trung bình những năm có lãi, chúng tôi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm”. Câu hỏi được dư luận đặt ra là, vì sao mười mấy năm qua, nắm thị phần tốt như vậy, Nestlé vẫn kinh doanh thua lỗ và vì sao đang lỗ lũy kế hơn 30 triệu USD vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư ở Việt Nam bằng chứng là Nestlé vừa khánh thành nhà máy chế biến cà phê mới tại khu công nghiệp Amata, Đồng Nai với mức đầu tư 230 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương gần 250 triệu USD) Và vì sao sau hai năm 2007, 2008 có lãi, Nestlé lại tiếp tục lỗ trong hai năm 2009 - 2010?
Thua lỗ nhưng Nestlé Việt Nam vẫn mở rộng đầu tư khiến dư luận nghi ngờ về một nghi án "chuyển giá, né thuế".
Thua lỗ nhưng Nestlé Việt Nam vẫn mở rộng đầu tư khiến dư luận nghi ngờ về một nghi án "chuyển giá, né thuế".
Phản ánh đến báo Giáo dục Việt Nam, độc giả Nghĩa đặt câu hỏi tự vấn: Tại sao Nestlé Việt Nam kêu lỗ nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất? Tại sao không bắt bù vốn trước khi cho phép mở rộng xây mới nhà máy? Trường hợp của Nestlé không khác gì nghi vấn khai lỗ để né thuế của Coca Cola. Qua đó, độc giả Nghĩa cho rằng, quy định của pháp luật nên thêm điều khoản: “Nếu doanh nghiệp FDI đề xuất lỗ 3 năm liên tiếp thì buộc phải tăng vốn hoặc đóng cửa giống như cách làm ở một một số nước”.
Trong khi đó, bày tỏ sự bức xúc trước báo cáo 14 năm lỗ của Nestlé Việt Nam, độc giả T.Phuong "hiến kế" xác thực thông tin lỗ của Nestlé Việt Nam bằng cách: Không cần nhắm vào thành phần xác định giá thành, nhắm vào tổng giá thành và lợi nhuận mong muốn, kiểm soát chi phí giá thành từ cửa khẩu, giá trị lợi nhuận mong muốn và giá thành chênh lệch có nghi vấn yêu cầu lập biên bản lập tức, dựa vào quy mô sản xuất của công ty để xét yếu tố quy mô lãi lỗ. “Tóm lại cứ yêu cầu công ty nhập khẩu đưa giá thành tương đối và doanh thu tương đối cùng mức lợi nhuận mong muốn để so sánh, chia phần trăm ra và tìm sự thất thoát của "một phần giá thành". Vừa không lộ bí mật kinh doanh vừa tránh được chuyển giá!” – Độc giả T.Phuong cho biết. Đề cập đến vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, độc giả có nickname PhanMessi2012 cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) chủ yếu nhằm 3 mục đích: Thứ nhất giải quyết việc làm cho người dân VN; Thứ hai thu thuế;  Thứ ba học tập kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ. Cần cân nhắc kỹ lưỡng về 3 mục đích trên, nếu không đạt được thì nên chấm dứt, đừng để VN là thị trường béo bở cho các doanh nghiệp FDI trục lợi. Tuy nhiên theo độc giả TamNhan, vấn đề Nestlé kêu lỗ nên nhìn hai mặt: Nếu tiền lãi họ dành để đầu tư lại vào VN, mở thêm nhà máy mới, tăng tài sản, mua hàng hóa thiết bị, xây dựng nhà máy, tạo công ăn việc làm, giúp tiêu thụ nông sản, tăng giá trị gia tăng... thì nhiều người dân Việt Nam được hưởng lợi. Mặt khác, việc đầu tư mới cần khấu hao tài sản lớn vào giai đoạn đầu nên các năm tiếp theo lỗ cũng đúng. Nhà máy thứ nhất có vốn đầu tư 25 triệu USD làm bao nhiêu năm lời để có thể đầu tư thêm nhà má thứ 2 vốn đầu tư 250 triệu USD? Do đó họ cần khấu hao nhiều vào các năm sau xây dựng cũng hợp lý. “Ngược lại, nếu chứng minh được họ chuyển giá thì phải xử lý thật nghiêm” – độc giả TamNhan kết luận. Phản bác lại ý kiến cho rằng Nestlé Việt Nam đang bước theo gót chân của Coca-Cola khi vừa kêu lỗ vừa tăng vốn đầu tư, độc giả quocloc nhận xét: Dường như một số người không hiểu gì về đầu tư sản xuất thì phải. Đầu tư sản xuất những năm đầu tiên kiểu gì cũng lỗ, vì phải khấu hao nhà máy, trong khi chi phí tiếp thị, bán hàng lớn để bắt đầu thâm nhập thị trường. Sau thời gian lỗ, khi bắt đầu có lãi thì người ta đầu tư tiếp. Nếu nói thế này, thì khi bắt đầu có lãi thì không nên đầu tư tiếp sao?"

Trước đó đưa ra lời giải thích cho việc dù lỗ nhưng Nestlé vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam ông Vũ Quốc Tuấn - Trưởng phòng Truyền thông&Đối ngoại Nestlé Việt Nam cho biết, trong kinh doanh “lỗ là chuyện bình thường”. Ông Tuấn cho rằng khi đầu tư vào nhà máy mới công ty Nestlé Việt Nam đã làm ăn có lãi và việc đầu tư xây dựng nhà máy mới cũng là “hoàn toàn bình thường”.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm đến bản báo cáo lỗ khủng của Nestlé nằm ở chỗ, doanh nghiệp này có mặt tại Việt Nam từ rất lâu, không phải "ngày một, ngày hai" như độc giả ThiNga phân tích: "Nhìn vào thị phần quá lớn của Nestlé tại thị trường Việt Nam, nhìn vào những con số tăng trưởng ấn tượng của Nestlé toàn cầu, nhìn vào sự nỗ lực đóng thuế của các doanh nghiệp ngành thực phẩm, thức uống trong nước... mới thấy, con số mà Nestlé đưa ra có gì đó bất ngờ, bất bình đẳng và hơi... bất nhẫn".
HL (TH)