"Nếu bán hết vốn nhà nước, không biết nhiệm kỳ sau lấy gì mà chi tiêu?"

25/10/2017 10:39
Diệu Linh
(GDVN) - Ông Hồ Đức Phớc – Tổng Kiểm toán Nhà nước, Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đặt vấn đề như vậy khi thảo luận về kết quả thực hiện kinh tế xã hội ngày 24/10.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, tăng trưởng GDP quý 3 đột biến chủ yếu từ vốn FDI, nhưng vẫn đáng lo ngại nếu như có sự cố rủi ro về môi trường hoặc sản phẩm. Tính bền vững và sức mạnh nội sinh của nền kinh tế không thực sự mạnh.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, phát hành 148 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhưng mới chỉ giải ngân được 7%.

“Nếu 9 tháng vừa qua giải ngân được trái phiếu Chính phủ thì chắc chắn GDP đã khác, trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ là 6,2% nhưng không giải ngân được nên Kho bạc Nhà nước lại mang tiền đi gửi ngân hàng”, ông Phớc nói.

Bên cạnh đó, nợ xấu vẫn còn cao, tiềm ẩn nhiều khó khăn với các hoạt động tài chính, và ông Phớc bày tỏ lo lắng: “Nếu bán hết vốn nhà nước đi rồi thì không biết nhiệm kỳ sau lấy gì mà chi tiêu...

Riêng trả lãi vay và gốc mỗi năm 98 nghìn tỷ, cân đối ngoại bảng 160 nghìn tỷ đồng vay đảo nợ, giống như một hộ gia đình vay đến hạn phải trả lại phải đi vay người này người khác để trả nợ”.

Ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ. ảnh trên Sài gòn Giải phóng.
Ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ. ảnh trên Sài gòn Giải phóng.

Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, năm 2017 chắc chắn sẽ hụt thu ngân sách (năm thứ 3 liên tiếp hụt thu), giải ngân xây dựng cơ bản chậm lại.

Bội chi ngân sách của địa phương giảm nhưng của Trung ương lại tăng lên; việc xử lý doanh nghiệp yếu kém chưa đạt được kết quả như mong muốn, vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, trước tiên phải giải quyết được nợ công, đặc biệt là nợ quá hạn, nếu không sẽ để lại gánh nặng lớn cho nền kinh tế.

Tiếp đó là phải giải quyết được vấn đề về hụt thu ngân sách, nợ đọng thuế, bội chi ngân sách trung ương tăng cao hơn dự toán; Cần phải xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém một cách dứt điểm, nếu không hàng chục nghìn tỷ cứ ra đi.

“Đến thời điểm hiện tại không phải chỉ 12 dự án yếu kém, thua lỗ nữa mà hơn 40 dự án rồi”, ông Phớc cho biết.

Tổng Kiểm toán Nhà nước bày tỏ hoan nghênh sự chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và sự vào cuộc của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - người đứng đầu Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng kiểm tra hoạt động các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, chuyển động ở trên thì mạnh nhưng bên dưới thì còn chậm, và ông Phớc nêu thí dụ: “Chúng tôi đi giải quyết một số công việc mang tính hành chính còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ bản thân chúng tôi làm văn bản kiểm toán vấn đề xin đất xây trường mà gần 1 năm trời mới được giải quyết sau khi có sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng.

Có những địa phương được cũng không trả lời, không được cũng không trả lời. Chính phủ thì quyết tâm nhưng cứ xuống đến cấp Vụ là tắc.

Chúng tôi hoan nghênh và ghi nhận sự năng nổ của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, nhưng bên dưới mà không cải cách thì rất khó chính sách đến với doanh nghiệp và người dân”.

Nhiều sai phạm ở các dự án BOT

Theo báo cáo, qua kiểm toán 22 dự án, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) của Bộ Giao thông - Vận tải, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương ứng giảm doanh thu 22.237,6 tỷ đồng.

Có 6 trạm chưa đủ điều kiện thu phí, đã thu phí trước thời điểm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng tới 14 năm 6 tháng. Có 31 trạm thu phí trên cùng tuyến không bảo đảm khoảng cách giữa 2 trạm là 70km.

"Nếu bán hết vốn nhà nước, không biết nhiệm kỳ sau lấy gì mà chi tiêu?" ảnh 2

Hành xử đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước, ai phải chịu trách nhiệm?

Bên cạnh đó, kiểm toán chi tiết 15 dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 875,3 tỷ đồng và kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn 39 năm 7 tháng.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ nhiều văn bản pháp luật nhằm tránh thất thoát, lãng phí; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội, các đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan.

Năm 2018, Kiểm toán Nhà nước sẽ triển khai kiểm toán các chuyên đề phục vụ giám sát của Quốc hội và một số chuyên đề đang được dư luận xã hội quan tâm như: Quản lý và sử dụng nguồn vốn vay ODA giai đoạn 2015 - 2017; thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.

Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là điển hình sai phạm, cho đến nay chưa xử lý trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, tổ chức có liên quan. ảnh: NQ.
Dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là điển hình sai phạm, cho đến nay chưa xử lý trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, tổ chức có liên quan. ảnh: NQ.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình ra Quốc hội tại kỳ họp này, kế hoạch kiểm toán năm 2017 sẽ phải thực hiện 252 cuộc kiểm toán.

Đến ngày 30/9/2017, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai 185 cuộc kiểm toán, kết thúc 164 cuộc kiểm toán.

Tổng hợp sơ bộ kết quả xử lý tài chính của 108 dự thảo báo cáo kiểm toán là 22.954 tỷ đồng (thu về ngân sách nhà nước 11.017 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước 6.783 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 5.154 tỷ đồng), riêng tăng thu về ngân sách nhà nước gấp 4,05 lần so với cùng kỳ năm 2016 (2.719 tỷ đồng).

Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán.

Qua kiểm toán ngân sách địa phương của 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã phát hiện việc sử dụng sai nguồn kinh phí số tiền 1.216 tỷ đồng; tạm ứng dự toán từ ngân sách trung ương kéo dài, quá thời hạn đến 31/12/2016 chưa hoàn trả 1.133 tỷ đồng;

Ngân sách địa phương cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi xảy ra tại một số tỉnh, thành phố được kiểm toán nhưng chậm khắc phục, trong đó 9/23 địa phương tạm ứng xây dựng cơ bản và tạm ứng khác đã quá hạn nhưng chưa được thu hồi 3.256 tỷ đồng trong khi hàng năm địa phương vẫn phải đi vay và trả lãi vay...

Diệu Linh