Nếu "lạnh" lâu quá, TTTM Grand Plaza sẽ "chết"?

10/06/2011 00:01
(GDVN) - Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: "Để kinh doanh thành công cần phải có thời gian nhưng nếu “lạnh” lâu quá thì sẽ siêu thị đó sẽ “chết” luôn”.

(GDVN) - Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, nhận định: “2 năm chứ 4 năm hay lâu hơn nữa, nếu Grand Plaza không cố gắng thì khó có thể vực dậy được. Tất nhiên mọi thứ bắt đầu đều gian nan, và để kinh doanh thành công cần phải có thời gian và phải trải qua một quá trình nhưng nếu “lạnh” lâu quá thì sẽ siêu thị đó sẽ “chết” luôn”.

>> Phí gửi xe quá "chát", trung tâm mua sắm lớn nhất HN bị tẩy chay?

>> Trung tâm mua sắm lớn nhất HN Grand Plaza ảm đạm chưa từng thấy

>> Chủ tịch Hiệp hội siêu thị HN: "Kinh doanh kiểu Grand Plaza là tự sát"

Đã đi vào hoạt động được gần 1 năm nhưng tính cho tới thời điểm này, hàng chục gian hàng tại Trung tâm thương mại Grand Plaza nằm trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) đã buộc phải ngừng buôn bán vì kinh doanh ế ẩm, chưa hoàn tất việc đóng tiền mặt bằng hàng tháng với đơn vị quản lý vận hành.

Nhiều cửa hàng bị niêm phong vì chưa đóng tiền

Những ngày này, bước vào tầng 1 của TTTM Grand Plaza, đập vào mắt khách hàng là các tủ đựng đồ của quầy mỹ phẩm Etude ngổn ngang ở trên mặt đất. Do kinh doanh không đạt hiệu quả như mong muốn nên sau 1 năm, đơn vị này đã chấm dứt hợp đồng và chuyển showroom sang địa điểm khác.

Chị Nguyễn Thanh Huyền, bộ phận Maketing của Etude, cho biết: Tháng 3/2010, Etude đã thuê mặt bằng tầng 1 tại TTTM Grand Plaza, kí hợp đồng 1 năm, tuy nhiên do địa thế của Grand Plaza không “đắc địa”, lượng khách ít, "so sánh với các showroom khác tại Bà Triệu, Hàng Mành hay Thợ Nhuộm, Ban lãnh đạo của Etude nhận thấy showroom tại Grand Plaza  kinh doanh chưa đạt hiệu quả, cứ lỗ dần nên đã không thể tiếp tục trụ vững”.

a
Gian hàng mỹ phẩm Etude đã chuyển đi chỗ khác sau một năm
kinh doanh ế ẩm.

Trò chuyện với phóng viên Báo Giáo Dục Việt Nam, nhân viên bán hàng của quầy máy mát xa cũng không ngớt lời than thở: “15 ngày rồi, chúng tôi chưa bán được mặt hàng nào, chỉ ăn, đứng và về ngủ. Có tháng bán được hàng, có tháng không, lỗ thì không hẳn là lỗ nhưng chưa có tháng nào đạt chỉ tiêu 20.000 USD/tháng, hầu hết đều phải tự đi xin chương trình, mời chào ở nơi khác”.

Trong khi đó, theo báo giá từ nhân viên kinh doanh của Grand Plaza: Nếu muốn mua đứt gian hàng nào đó của TTTM, khách hàng phải bỏ ra khoảng 9.000 USD/m2. Đối với cho thuê thì tùy từng lô, từng vị trí, từng diện tích, các gian hàng có thể phải trả chi phí 75 USD/m2 cho năm thứ nhất, 80 USD/m2 cho 2 năm sau (trong đó chưa bao gồm phí dịch vụ và VAT). “Hợp đồng ký 3 năm và thanh toán 3 tháng một lần. Nếu khách hàng chấm dứt hợp đồng, khách hàng sẽ chịu mất số tiền 3 tháng đặt cọc ban đầu” - nhân viên kinh doanh của Grand Plaza cho biết.

Nhằm mục đích hỗ trợ khách hàng của mình, theo thông tin từ giới kinh doanh, Grand Plaza đã miễn phí hoàn toàn 2 tháng đầu tiên hoạt động và giảm giá 50%, do vậy, một số gian hàng chỉ phải trả khoảng 20 USD/m2 (trong năm thứ nhất), 40 USD/m2 (đối với năm thứ 2) và 30 USD/m2 (cho năm thứ 3 của hợp đồng). Nếu so sánh với giá thuê tại các TTTM lớn tương tự như Parkson hay Tràng Tiền, Vincom... giá thuê tại đây, theo các tiểu thương là khá rẻ. Tuy vậy, do kinh doanh không đạt hiệu quả, tại hầu hết các tầng của Grand Plaza đều xuất hiện một vài gian hàng bị niêm phong, thậm chí một số thương hiệu nổi tiếng như mMttana, Surfers paradise,... cũng đã đóng cửa ngừng hoạt động.

Nhân viên bán hàng và bảo vệ tại đây cho biết: Các gian hàng này đều chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính. “Thời gian khi nào mở lại còn phụ thuộc vào việc đóng tiền hay không của tiểu thương” – một bảo vệ Grand Plaza nói.

a

Nhiều gian hàng bị gián giấy niêm phong vì chưa hoàn tất việc nộp
tiền thuê mặt bằng.

Có lẽ cũng bị ảnh hưởng một phần bởi những gian hàng niêm phong, cảnh vắng vẻ, ế ẩm bao trùm lên khắp không gian của Khu mua sắm 5 tầng có diện tích lên tới 15.000m2 này. Cô nhân viên bán hàng quần áo trẻ em Hikosen Cara đi ra, đi vào, chán nản vì cả ngày không có khách hỏi thăm. Mặc dù, năm đầu tiên khai trương, TTTM này đã giảm giá xuống 50% giá thuê mặt bằng, tuy nhiên, theo đánh giá chung các tiểu thương đều lắc đầu: “Kinh doanh cũng không ăn thua, chỉ mang tính chất cầm chừng”.

 “ Lẽ ra ngay từ đầu, Grand Plaza phải làm thế nào đó để thu hút khách hàng. Giờ có tìm cách cải thiện liệu rằng có quá muộn?”, vẻ mặt uể oải không giấu nổi sự trăn trở, người nhân viên bán hàng quần áo đã nói.

Khó vực dậy không khí kinh doanh tại Grand Plaza?

Trò chuyện với những người kinh doanh tại Grand Plaza, phóng viên Giáo Dục Việt Nam đều nhận được những nhận xét giống nhau: Hồi đầu mới khai trương, lượng khách của Grand Plaza có đông đúc, xôm tụ hơn, nhưng càng ngày càng vắng. Lý do tại sao? – Không ai dám chắc, họ chỉ “bán tín bán nghi” về vận hành của Ban quản lý TTTM này hay thái độ ứng xử của mỗi nhân viên không lịch thiệp, nho nhã khiến khách hàng phật ý, một lần đến rồi vĩnh viễn bỏ đi.

Hiện tại, các gian hàng “thoi thóp” còn trụ lại tại Grand Plaza đều đang kỳ vọng vào tương lai sắp tới. Chủ cửa hàng trang sức Thúy Hương cho biết: Bà chỉ còn trông chờ vào lượng khách đến từ khách sạn Grand Plaza bên cạnh, sau khi nghỉ ngơi sẽ lên TTTM để vui chơi, mua sắm mỹ phẩm, nước hoa.

Ngoài ra, không ít giới doanh nghiệp thuê mặt bằng tại đây cũng tự an ủi mình: Như một “quy luật bất di bất dịch”, siêu thị nào mới khai trương cũng rơi vào tình trạng tương tự. “Mình nghĩ thời gian đầu có thể kinh doanh không hiệu quả nhưng sang năm thứ 2 có thể sẽ bù lại được”.

Tuy nhiên, là một người có thâm niên trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị, trao đổi với giaoduc.net.vn, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội - lại cho rằng: “2 năm chứ 4 năm hay lâu hơn nữa, nếu Grand Plaza không cố gắng thì khó có thể vực dậy được. Tất nhiên mọi thứ bắt đầu đều gian nan, và để kinh doanh thành công cần phải có thời gian và phải trải qua một quá trình nhưng nếu “lạnh” lâu quá thì sẽ siêu thị đó sẽ “chết” luôn”.

a
Do kinh doanh không đạt hiệu quả, giới kinh doanh đã phải buộc
đóng cửa ngừng hoạt động.


Trước thực trạng ế ẩm như vậy, phía lãnh đạo Grand Plaza vẫn tỏ ra khá lạc quan. Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam về tình hình kinh doanh của mình, ông Hoàng Hải – Giám đốc điều hành cho biết: “Theo dự kiến ban đầu đến cuối năm 2011, TTTM sẽ có thể lấp đầy đến hơn 80%, Nhiều các nhãn hàng cũng đang trong giai đoạn đàm phán để thuê mặt bằng bán lẻ. Đó là một tín hiệu lạc quan sau một năm Grand Plaza đi vào hoạt động”.

Để xứng tầm một TTTM đẳng cấp như đã quảng cáo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, hiện tại, Grand Plaza đang nỗ lực hết mình để thay đổi. “Chúng tôi đang xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp và tới đây, sẽ tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về quản lý dịch vụ và dịch vụ chăm sóc khách hàng dành cho nhân viên của TTTM. Cùng đó, TTTM sẽ tiến hành tuyển dụng những cán bộ giỏi trong lĩnh vực dịch vụ thương mại và chăm sóc khách hàng.

Ngoài ra, chúng tôi và các nhà đầu tư đang thống nhất quan điểm để mời một đối tác quản lý chuyên nghiệp hàng đầu, có tên tuổi trên thế giới về quản lý và vận hành TTTM Grand Plaza” – Ông Hải nêu ra những dự định, kế hoạch tương lai để biến nơi đây thành mô hình trung tâm thương mại kiểu mẫu.
 
Tuy nhiên, theo ý kiến chủ quan của Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội: Để một TTTM lớn mạnh cần kết hợp nhiều yếu tố trong đó đáng lưu ý có 3 điểm chính như sau: Thứ nhất là giá thuê mặt bằng hợp lý chứ không phải giá rẻ so với giá cả thị trường chung. Bởi nếu giá rẻ đồng nghĩa với việc mình tự hạ thấp vị trí và tiềm năng của mình.

Thứ hai phải có nhiều khách hàng vào thăm quan và mua sắm bởi “buôn có bạn, bán có phường”.

Thứ ba, từ người bảo vệ cho tới người lao công, thái độ kinh doanh phải đồng bộ. “Nếu người cười, người cau có thì không được, thêm vào đó, an ninh trật tự phải đảm bảo, không mất cắp, mất trộm, vệ sinh sạch sẽ và các ngành hàng phải phong phú, phải có khu vui chơi cho trẻ em, người lớn. Nếu không có thì kinh doanh chắc chắn không đạt hiệu quả” – Ông Phú khẳng định.

Bài, ảnh: Tiểu Phương

>> Phí gửi xe quá "chát", trung tâm mua sắm lớn nhất HN bị tẩy chay?

>> Trung tâm mua sắm lớn nhất HN Grand Plaza ảm đạm chưa từng thấy

>> Chủ tịch Hiệp hội siêu thị HN: "Kinh doanh kiểu Grand Plaza là tự sát"