Ngân hàng dồn dập bán nợ xấu, lo ngại năng lực của VAMC?

29/11/2013 13:11
Diệu Linh
(GDVN) - "VAMC không phải là công ty mua nợ mà chỉ là công ty xác nhận nợ. VAMC kiểm chứng lại tài sản nợ xấu của NHTM đang bị DN mắc nợ. Nếu khoản nợ xấu đó đã trích lập dự phòng 20% rồi thì khoản nợ 100 tỷ đồng chỉ được xác nhận là 80 tỷ thôi. Rõ ràng VAMC chỉ làm nhiệm vụ đó. Nó giống như trạm kiểm soát đầu tiên của NHNN trước khi quyết định cho NHTM có nợ xấu vay".

Đây là nhận định của TS Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ĐBQH đoàn TP.HCM) bên lề kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13.

"Trong nợ xấu hiện nay có nợ xấu của tập đoàn, DN nhà nước"

- Thưa ông, khi các ngân hàng thương mại (NHTM) dồn dập xếp hàng bán nợ xấu như hiện nay, chúng ta có nên lo ngại năng lực giải quyết của Công ty mua bán nợ xấu (VAMC)?

Ông Trần Hoàng Ngân: VAMC không phải là công ty mua nợ mà chỉ là công ty xác nhận nợ. VAMC kiểm chứng lại tài sản nợ xấu của NHTM đang bị DN mắc nợ. Nếu khoản nợ xấu đó đã trích lập dự phòng 20% rồi thì khoản nợ 100 tỷ đồng chỉ được xác nhận là 80 tỷ thôi. Rõ ràng VAMC chỉ làm nhiệm vụ đó. Nó giống như trạm kiểm soát đầu tiên của NHNN trước khi quyết định cho NHTM có nợ xấu vay.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Như vậy, VAMC là đơn vị thẩm định bước đầu về tài sản nợ xấu của NHTM. Tôi cho rằng, đó là một nghệ thuật rất tốt trong xử lý nợ xấu của Việt Nam, chứ bây giờ ai dám mua nợ xấu. Người mua liệu có bán được nợ xấu không khi thị trường BĐS chưa khởi sắc? Cho nên tốt nhất là mình trì hoãn khoản nợ xấu đó lại một thời gian, có thể là 2 năm, 3 năm hoặc 5 năm.

Bản thân các NHTM đã phải trích dự phòng 20%, như vậy bản thân NHTM có nợ xấu đã phải chịu thiệt hại rồi. NHTM đâu có được chi cổ tức vì đã phải trích lập dự phòng 20%.

- Mục tiêu ngân hàng nhà nước (NHNN) ra là đến 2015 sẽ giải quyết xong nợ xấu. Vậy với cách mua bán như hiện nay, theo ông có thực hiện được không?

Ông Trần Hoàng Ngân: Hiện nay, Chính phủ đang có nhiều giải pháp khác bên cạnh VAMC, bản thân NHTM có nợ xấu cũng phải lo tự trích lập dự phòng. Nếu không bán được nợ xấu cho VAMC thì cũng vẫn phải trích lập.

Thời gian qua, Chính phủ đã cùng với bộ ngành tạo nhiều gói kích thích kinh tế, như gói 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, gói hỗ trợ cho thị trường nhà ở hiện đang tháo tiếp các vấn đề liên quan đến miễn giảm thuế… Tất cả các chính sách đó đó cùng với chính sách tiền tệ của NHNN hợp thành bài toán tổng thể giải quyết nợ xấu chứ không phải chỉ một mình NHNN đơn độc thực hiện.

Ngoài ra, cần phải quyết tâm trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, vì trong nợ xấu này có nợ xấu của các tập đoàn, DNNN... cho nên mình phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Để làm việc này, vừa qua Chính phủ cũng đã hoàn thiện thể chế, đưa ra nhiều văn bản hướng dẫn để làm sao cho DNNN sớm được cổ phần hóa. DNNN có thể thoái vốn được ở những nơi đầu tư đa ngành. Năm 2013 cơ bản đã làm xong, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào kết quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu thời gian tới.

- Nhưng thưa ông, thực tế là trước khi có VAMC thì bản thân các NHTM đã trích lập phòng rủi ro rồi. Vậy điểm khác biệt ở đây là gì?

Ông Trần Hoàng Ngân: Đúng là trước khi có VAMC, bản thân các NHTM đã có trích lập dự phòng rồi, nhưng do việc quản lý nợ xấu là của NHTM nên việc thanh tra, kiểm tra của NHNN có khó khăn. Bây giờ, NHTM đem tài sản nợ xấu đến VAMC đã là minh bạch rồi. Tại sao các NHTM lại tiếp tục đem nợ xấu đến nhiều, nghĩa là bản thân họ đã không che giấu được nữa.

NHNN đã mở cho họ một cánh cửa là hãy mang nợ xấu đến đây để bán đi, rồi sẽ thẩm định, sau đó sẽ cho tái chiết khấu, để các NHTM có thêm dòng vốn. Cách xử lý này hay ở chỗ là làm giảm áp lực cạnh tranh vốn.

Như chúng ta thấy, hiện nay tình trạng cạnh tranh trong huy động vốn đã giảm đi vì NHTM có được nguồn vốn vay từ NHNN. Vấn đề hiện nay cần kiến nghị là NHNN phải kéo giảm thêm lãi suất, tiếp tục hỗ trợ cho NHTM vì nếu NHNN chiết khấu cho NHTM với lãi suất thấp thì NHTM sẽ có điều kiện bơm vốn ra thị trường với lãi suất thấp. Có như vậy, thì mới giảm được lãi suất.

Nhiều NHTM đang dồn dập bán nợ cho VAMC. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Nhiều NHTM đang dồn dập bán nợ cho VAMC. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Phát hành trái phiếu Chính phủ, lãi suất có giảm được không?

- Theo ông hiện nay lãi suất bao nhiêu là phù hợp? Trong năm tới, chúng ta phải huy động hơn 400 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thì việc giảm lãi suất liệu có khả thi?

Ông Trần Hoàng Ngân: Thứ nhất, hiện nay với nhà ở xã hội, NHNN chỉ cho NHTM vay với lãi suất khoảng hơn 4%, các NHTM tham gia chương trình cho vay được hưởng một khoản phụ phí.

Một điểm rất thuận lợi khác là năm 2013, lạm phát chỉ khoảng từ 6 đến 6,5% là tối đa, trong khi trước đây chúng ta dự báo tới 7-8%... Như vậy, đây là cơ hội vàng để lãi suất trái phiếu Chính phủ có thể kéo từ 8% xuống còn đến 6 hoặc 6,5%. Ngân sách nhà nước sẽ giảm gánh nặng cho việc trả lãi nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ được phát hành trong thời gian tới.

Vấn đề là chúng ta phải mạnh dạn, và cần có sự hỗ trợ của NHNN vì NHNN là người giữ cung tiền. NHNN thời gian qua đã làm rất tốt việc kéo giảm lãi suất rồi, nhưng còn cần phải tiếp tục kéo xuống nữa để giúp nền kinh tế phục hồi. Như vậy, khi NHNN đã có thông điệp hạ tiếp lãi suất, chúng ta đã kiểm soát lạm phát thì hạ tiếp được lãi suất, khi đó nền kinh tế mới có khả năng hấp thụ được vốn, chứ với lãi suất hiện nay thì khả năng hấp thụ vốn vẫn chưa đạt kết quả cao.

- Ông đánh giá thế nào về bức tranh của ngành ngân hàng thời gian qua?

Ông Trần Hoàng Ngân: Thực sự ra năm qua là năm rất khó khăn về lợi nhuận của NHTM. Chúng ta thấy rằng dư nợ tín dụng tăng không cao, trong khi đây nguồn thu chính của NHTM. Các NHTM đang chấp nhận hy sinh khoản lợi nhuận của mình để tái cơ cấu NH, nên việc lợi nhuận ngành ngân hàng năm nay rất thấp là điều dễ hiểu. Nhưng vấn đề của các NHTM hiện nay là tranh thủ thời gian này để tái cơ cấu, nâng cao năng lực cho vay, năng lực cán bộ, năng lực tín dụng… để từ đó đón đầu cho những năm sau. Tôi nghĩ, với sự quyết tâm của toàn ngành, từ 2015 trở đi hệ thống ngân hàng sẽ vững mạnh hơn.

- Theo ông, năm 2014, tăng trưởng tín dụng ở mức bao nhiêu là hợp lý?

Ông Trần Hoàng Ngân: Tôi cho rằng, tăng tín dụng năm khoảng 10-11% là hợp lý. Vấn đề là làm sao dư nợ tăng nhưng chất lượng tín dụng cũng rất quan trọng. Nên quan trọng hiện nay là ưu tiên dành cho chất lượng tăng trưởng tín dụng. Chính vì vậy nên mục tiêu kinh tế -xã hội năm 2014 vẫn là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ưu tiên ổn định vĩ mô và tăng trưởng chỉ ở mức 5,8%. Các báo cáo của ANZ, IMF đều cho rằng, Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh ở những năm 2016. Còn từ nay đến 2015 vẫn là chấp nhận tăng trưởng ở mức hợp lý, còn lại ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô.

Với tình hình như vậy, để đáp ứng được nguồn trái phiếu chính phủ phát hành 400 nghìn tỷ đồng năm 2014 và để đáp ứng vốn cho nền kinh tế, cung tín dụng năm sau sẽ vào khoảng 12-15%, tức là khoảng 500 nghìn tỷ đồng.

Diệu Linh