Ngân hàng khốn khổ xử lý tài sản thế chấp

20/06/2015 12:42
Hùng Anh/ANTT
(GDVN) - Cho vay vốn có đảm bảo bằng tài sản, nhưng khi khách hàng không thể trả nợ đúng hạn, các ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản thế chấp...

Ngân hàng là nạn nhân

Quá hạn trả nợ, mặc dù được ngân hàng miễn giảm toàn bộ tiền lãi gần nửa tỷ đồng, rồi tiếp tục giảm nợ lãi… nhưng hơn 3 năm trôi qua, ngân hàng vẫn không thể thu hồi vốn vì sự chây ỳ của khách hàng. Không những thế, khi ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo theo quy định thì khách hàng lại “tố ngược” ngân hàng xử lý nợ theo kiểu cưỡng bức…

Ngân hàng đang gặp khó khi xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.
​Ngân hàng đang gặp khó khi xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Vụ việc nói trên xảy ra cách đây chưa lâu khi một ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội thực hiện việc thu hồi nợ. Có thể nói, tình trạng chây ỳ trả nợ của nhiều khách hàng khiến việc xử lý nợ xấu tại nhiều ngân hàng vẫn hết sức căng thẳng.

“Trong số 13.500 vụ án dân sự liên quan tới tổ chức tín dụng, tới nay mới xử lý được 300 vụ. Nhiều lãnh đạo ngân hàng nói rằng đã quá mệt mỏi và không đủ sức đi kiện. Vì từ khi khởi kiện tới khi thi hành án cũng phải 1 - 2 năm, thậm chí 10 năm”.

TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế chia sẻ. TS Cấn Văn Lực - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Ngân hàng BIDV cho biết: “Dù doanh nghiệp còn đang nợ nần chồng chất nhưng đến kỳ hạn họ cố tình chây ỳ. Không những vậy, họ vẫn vô tư đi du lịch nước ngoài, thay đổi xe sang liên tục”.

Nhìn nhận về vấn đề nợ xấu, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho rằng: “Việc xử lý nợ xấu khó khăn chủ yếu do hệ thống pháp luật. Luật càng nhiều càng rối, như mớ bòng bong, khiến khách hàng vay nợ chây ỳ, thậm chí đến khi có quyết định của tòa án. Quyết định của tòa án có giá trị pháp lý cao như vậy mà người đi vay vẫn tìm mọi cách chây ỳ, do có lợi hơn nên người ta sẽ ứng xử như thế”.

Không dễ xử lý tài sản đảm bảo

Theo các chuyên gia, việc ngân hàng khởi kiện khách hàng ra tòa không chỉ mệt mỏi, kéo dài mà thực tế là ngân hàng sẽ không thể thu hồi đủ nợ do có quy định phải nộp 3% phí thi hành án.

Tuy nhiên, con đường thu hồi nợ theo các quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, cho phép ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý gặp không ít trở ngại.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: “Trường hợp các tổ chức tín dụng thấy khách hàng có dấu hiệu tẩu tán tài sản thì được yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, những cơ quan này chỉ giúp đỡ “trong phạm vi quyền hạn” còn cụ thể ra sao thì không rõ ràng”.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức: “Theo quy định, ngân hàng có quyền được thu giữ tài sản đảm bảo. Trong một số trường hợp, quyền này khó thực hiện được bởi sức ép dư luận lại ủng hộ cho đối tượng nợ. Luật pháp bảo vệ người yếu thế, bị hại nhưng đang có những nhầm lẫn, nợ xấu tăng lên thì ngân hàng mới là nạn nhân, là bên yếu thế”.

Các chuyên gia chỉ rõ, hiện nay, theo pháp luật quy định thì ngân hàng vẫn được phép thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý và được các cơ quan như công an, chính quyền địa phương hỗ trợ.

Nhưng thực tế, rất ít ngân hàng thực hiện việc thu hồi do lo ngại ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín… Có thể nói, Nghị định 163 là một công cụ quan trọng để các ngân hàng xử lý nợ xấu, tuy nhiên việc nhận thức chưa đầy đủ của người dân, các cơ quan liên quan cũng gây nhiều khó khăn cho các tổ chức tín dụng.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Đã đến lúc luật pháp và hành pháp phải xoay chiều cho phù hợp với nguyên lý của nền kinh tế thị trường. Đó là phải ưu tiên trước hết bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, thay vì con nợ”. 

Hùng Anh/ANTT