Ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu đầu tư

07/03/2016 14:13
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Dự kiến trong vòng 5 năm tới, ngân sách nhà nước huy động từ các nguồn chỉ có thể đáp ứng được 30% nhu cầu vốn đầu tư cả nước.

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (7/3) về kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2011-2015 tăng chậm và giảm mạnh do suy giảm kinh tế, siết chặt đầu tư công và vốn của các thành phần kinh tế khác cũng giảm theo. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm qua đạt 5.617 ngàn tỉ đồng, tăng 1,8 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Tỉ lệ huy động vốn so với GDP bình quân 5 năm qua đạt 31,2%, thấp hơn kế hoạch dự kiến trước đó là từ 33,5% đến 35%.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 46 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.
Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 46 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn.

Cũng trong giai đoạn này, Ngân hàng Phát triển (VDB) đã ký thỏa thuận hợp tác với trên 30 ngân hàng thương mại về lĩnh vực bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp.

VDB đã phát hành chứng thư bảo lãnh cho 1.536 dự án/phương án sản xuất kinh doanh với tổng số tiền là 10.700 tỉ đồng nhưng tính đến nay VDB đã phải trả nợ thay cho 86 dự án/khoản vay với số tiền gần 400 tỉ đồng.

Để nâng cao chất lượng lập kế hoạch cho các dự án đầu tư công, nhất là sau khi Luật đầu tư công có hiệu lực từ đầu năm 2015, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã lên kế họach đầu tư trung hạn để Quốc hội xem xét.

Dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2016-2020 khoảng 10.506 ngàn tỉ đồng, chiếm khoảng 31% GDP. Trong đó, nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách giai đoạn này dự kiến tối thiểu là 1.679 ngàn tỉ đồng.

Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển bằng nguồn này do các bộ, ngành, trung ương đề xuất khoảng 3.710 ngàn tỉ đồng, gấp 19 lần kế hoạch năm 2015 và gấp 2,2 lần khả năng cân đối vốn 5 năm đó.

Mà theo tính toán, ngân sách thực tế giai đoạn này chỉ đáp ứng được 30% như đã nêu ở trên.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ngân sách nhà nước huy động từ các nguồn chỉ có thể đáp ứng được 30% nhu cầu vốn đầu tư cả nước (Ảnh nguồn Quốc hội)
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ngân sách nhà nước huy động từ các nguồn chỉ có thể đáp ứng được 30% nhu cầu vốn đầu tư cả nước (Ảnh nguồn Quốc hội)

Nguyên tắc bố trí vốn dựa vào tổng mức vốn được quyết định, các bộ ngành, đại phương phân bổ 90% cho các dự án. 10% còn lại dự phòng để xử lý các vấn đề phát sinh.

Nguồn vốn ngân sách nhà nước sẽ được ưu tiên bố trí cho các dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa được bố trí đủ vốn. Kế đến ưu tiên các dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; vốn đối ứng dự án ODA, vay ưu đãi, các dự án thực hiện theo đối tác công tư…

Dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 5 năm tới sẽ tập trung vào nhiều dự án trọng điểm nhằm tăng thêm năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng.

Cụ thể, trong thời gian này sẽ hoàn thành mở rộng và dưa vào khai thác tuyến quốc lộ 1A Hà Nội – Cần Thơ; tuyến đường Hồ Chí Minh từ Hà Nội – Cà Mau; hoàn thành và khai thác 1 cảng Quốc tế Hải Phòng; khu bến cảng Cái Mép – Thị Vải…

Cùng với đó sẽ hoàn thành 5 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối tại Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời đầu tư cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ…

Với nguồn ngân sách tiếp tục eo hẹp và phải bố trí cho các mục tiêu ưu tiên, Bộ Kế hoạch và đầu tư dự tính ưu tiên hàng đầu là phải trả số nợ đọng cơ bản nguồn ngân sách trung ương tính đến hết năm 2014. 

Theo chỉ thị 1792/2011 của Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư công và vốn trái phiếu Chính phủ, mỗi năm ngân sách địa phương phải dành ra 30% để trả nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có nợ) để hết năm 2020 hoàn thành mục tiêu hết nợ.

Đến hết năm 2014, các bộ ngành trung ương và địa phương còn nợ gần 20.000 tỉ đồng. Trong đó, các bộ, ngành trung uơng nợ khoảng 4.301 tỉ đồng và hơn nửa số nợ này là của Bộ GTVT. Các địa phương nợ khoảng 15.370 tỉ đồng.

Mai Anh (Tổng hợp)