Ngày 30/12, chính thức xóa tên Vinashin

27/12/2013 10:54
Bình An
(GDVN) - Thông tin từ bộ Giao thông vận tải, lễ ra mắt, công bố quyết định thành lập SBIC sẽ được tổ chức vào ngày 30/12/2013.
Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy có tên giao dịch quốc tế là Shipbuilding Industry Corporation - SBIC sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Theo thông tin từ bộ Giao thông vận tải, lễ ra mắt, công bố quyết định thành lập SBIC sẽ được tổ chức vào ngày 30/12/2013.  

8 công ty con của SBIC gồm: Công ty Đóng tàu Phà Rừng; Đóng tàu Bạch Đằng; Đóng tàu Hạ Long; Đóng tàu Thịnh Long; Đóng tàu Cam Ranh; Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn và Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.

Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy có tên giao dịch quốc tế là Shipbuilding Industry Corporation - SBIC.
Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy có tên giao dịch quốc tế là Shipbuilding Industry Corporation - SBIC.

Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã ký quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định; Bổ nhiệm ông Vũ Anh Tuấn, quyền Tổng giám đốc Vinashin giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc SBIC.

Các ông Nguyễn Ngọc Sự, Lê Mạnh Trường, Đỗ Thành Hưng, Cao Thành Đồng - Thành viên Hội đồng thành viên Vinashin được bổ nhiệm giữ chức thành viên Hội đồng thành viên SBIC.

Trước đó, ngày 21/10/2013, Bộ đã có Quyết định số 3287/QĐ-BGTVT về việc thành lập SBIC trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Quyết định này đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp từng được xác định là chủ lực của nền kinh tế nhưng mắc nhiều sai lầm trong đầu tư, kinh doanh và quản trị.

Theo quy định, Vinashin sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày SBIC được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

SBIC tại thời điểm thành lập có vốn điều lệ là 9.520 tỷ đồng. Các ngành, nghề kinh doanh chính của tổng công ty là đóng mới, sửa chữa, hoán cải tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi; tái chế, phá dỡ tàu cũ. 

Ngoài ra, Tổng công ty còn có nhiệm vụ khai thác cảng biển, cảng thủy nội địa, bến tàu, cầu tàu; kinh doanh hoạt động lai dắt, tàu kéo, tàu đẩy, xà lan, phương tiện nổi. 

Đồng thời, SBIC hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình thủy, nhà máy đóng tàu; sản xuất chế tạo kết cấu thép và các ngành, nghề sản xuất phụ trợ phục vụ trực tiếp cho ngành đóng mới và sửa chữa tàu thủy.
Liên quan đến vấn đề SBIC thay thế tập đoàn Vinashin,TTXVN dẫn lời đại biểu Nguyễn Đức Kiên, đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng: Việc giải thể Vinashin để thành lập SBIC vẫn là việc thực hiện tiếp lộ trình tái cơ cấu, khắc phục tồn tại của Vinashin và lộ trình này đã đi đúng hướng, hoạt động của SBIC theo mô hình công ty mẹ-con tập trung vào những lĩnh vực có lợi thế của Việt Nam.

Trong khi đó, Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị lại cho rằng không chỉ Vinashin mà việc giải thể và thành lập mới cũng cần cân nhắc, xem xét quy mô hoạt động để không ảnh hưởng đến nguồn vốn và hiệu quả kinh tế xã hội mang lại không cao.

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được thành lập năm 2006 trên cơ sở tổ chức và sắp xếp lại Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam. 

Vinashin được tổ chức theo mô hình cơ cấu công ty mẹ - con; công ty mẹ hoạt động theo dạng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do chính phủ làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ. Tuy nhiên, những sai lầm trong 7 năm hoạt động theo mô hình tập đoàn gây thất thoát hàng chục tỷ đồng buộc Vinashin phải tái cơ cấu suốt 3 năm qua.

Bình An