Nghi án trốn thuế: Cái giá của PepsiCo và "án treo" cho Coca Cola

21/07/2014 07:40
Hồng Minh
(GDVN) - Dính nghi án chuyển giá, trốn thuế mới đây PepsiCo bị truy thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Khi nào đến lượt Coca Cola?

Cái giá của PepsiCo

Đến Việt Nam đầu tư từ năm 1991 nhưng phải đến 16 năm sau (năm 2007) doanh nghiệp nà mới có lãi với tổng thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là 58 tỷ đồng.

Tuy nhiên năm 2008, Pesico lại kêu lỗ 58 triệu đồng. Đến năm 2009 doanh nghiệp này khai lãi 141 tỷ đồng. Bước sang năm 2010, lũy kế tính đến ngày 31/12/2010, Pepsico lỗ 1.206 tỷ đồng. Câu chuyện lỗ lãi của Pesico thay đổi liên tục qua từng năm để rồi theo thống kê từ năm 2009 cho đến 2013 Pepsico chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là 40,2 tỷ đồng.

Pepsico nâận được về bài học lòng tham khi liên tục bị cơ quan thuế "sờ gáy"
Pepsico nâận được về  bài học lòng tham khi liên tục bị cơ quan thuế "sờ gáy"

Con số quá nhỏ nếu nhìn vào thị phần của Pepsico trên thị trường đồ uống nước ngọt có ga khi cùng với đối thủ Coca Cola đại gia đồ uống Pepsico đang chiếm 80% thị phần đồ uống nước ngọt có ga tại Việt Nam. Càng bất ngờ hơn khi liên tục kêu lỗ nhưng PepsiCo vẫn liên tục khai trương các nhà máy mới ở Đồng Nai (45 triệu USD), và mới đây nhất là Bắc Ninh (73 triệu USD). Tổng vốn đầu tư của đại gia này tại Việt Nam cũng vào khoảng 500 triệu USD.

Chính mâu thuẫn trong việc kêu lỗ nhưng vẫn đầu tư, Pepsico bị cơ quan thuế “soi” ra hàng loạt sai phạm. Sau khi thanh tra quãng thời gian 2006, 2007 và 2008, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành quyết định truy thu thuế giá trị gia tăng là 21,293 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp đối nhà thầu nước ngoài là 44,408 triệu đồng; Giảm lỗ là 136,458 tỷ đồng; Tổng số tiền phạt (phạt kê khai sai và phạt chậm nộp) là 19,739 tỷ đồng.

Vào tháng 7/2012, Tổng cục Thuế ra Quyết định kiểm tra thuế tại Công ty này, thời điểm kiểm tra là năm 2011. Theo đó, đã thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền là 5,031 tỷ đồng; trong đó truy thu thuế GTGT là 1,301 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là 4,486 triệu đồng, thuế GTGT đối nhà thầu nước ngoài là 500,327 triệu đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối nhà thầu nước ngoài là 3,224 tỷ đồng.

Chưa hết, cuối năm 2013 Pepsico Việt Nam bị cơ quan thuế xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi khai sai mã số đối với một số mặt hàng nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể Pepsico Việt Nam bị phát hiện khai sai mã số HS đối với mặt hàng thẻ in bằng plastic đặt trong bao bì sản phẩm, thẻ decal có dán hình đặt trong bao bì sản phẩm, khai sau mã số HS đối với dây chuyền đồng bộ thiết bị xử lý nước và áp dụng sai thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số mặt hàng nhập khẩu.

Theo đó một số mặt hàng phục vụ sản xuất khác được doanh nghiệp nhập khẩu khai báo ở mức thuế 0% và 5% đã được đoàn kiểm tra xác định lại mức thuế suất thuế VAT là 10% theo đúng Biểu thuế suất thuế VAT phù hợp với quy định của Luật thuế VAT. Điều này cũng khiến số thuế VAT mà doanh nghiệp phải nộp khi nhập khẩu tăng là 2,791 tỷ đồng.

Trước vi phạm này, cơ quan thuế quyết định truy thu thuế tháng 7/2013 và đã được PepsiCco Việt Nam chấp hành với việc nộp ngay số thuế nhập khẩu và số thuế VAT thiếu. Mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính này được đưa ra với giá trị bằng 10% số thuế phải nộp thêm, tức là khoảng trên 700 triệu đồng. 

Từ con số cụ thể và mức xử phạt vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước với Pepsico có thể nói bài học lòng tham của doanh nghiệp FDI đã thấy rõ. Luật pháp Việt Nam có thể chưa kín kẽ, doanh nghiệp bằng nhiều cách khác nhau để luồn lách tuy nhiên khi cả dư luận, truyền thông và cơ quan quản lý vào cuộc, sự thật sẽ được phơi bày...

Khi nào đến lượt Coca Cola?

Cũng giống như Pepsico, Coca Cola đến đầu tư tại Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước gần 20 năm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam Coca Cola liên tục khai lỗ.

Điều này đã giúp Coca Cola tránh được việc đóng thuế cho nhà nước sở tại. Chỉ riêng trong năm 2010, hãng này đã báo cáo lỗ 188 tỷ đồng, tương đương 8,98 triệu USD ở thị trường Việt Nam. Lũy kế, con số thua lỗ mà Coca Cola Việt Nam báo cáo lên tới 180 triệu USD trong thập kỷ vừa qua.

Thái độ người tiêu dùng sẽ khiến doanh nghiệp thay đổi suy nghĩ
Thái độ người tiêu dùng sẽ khiến doanh nghiệp thay đổi suy nghĩ

Cho dù liên tục kêu lỗ như vậy song, trong kế hoạch 3 năm tiếp theo của công ty này, Coca Cola vẫn dự kiến đầu tư thêm 300 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này khiến Coca Cola không tránh khỏi nghi án chuyển giá.

Không chỉ dính nghi án chuyển giá, trốn thuế Coca Cola còn bị cho là đã lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư ở Việt Nam để tham lam mở rộng đất đai cho các cơ sở sản xuất của mình. 

Nghi án chuyến giá, trốn thuế của Coca Cola bị dư luận trong nước lên án mạnh mẽ. Một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam thẳng thắn từ chối sản phẩm của Coca Cola. Thêm vào đó, với tuyên bố của cơ quan thuế sẽ thanh tra tình hình sản xuất kinh doanh của Coca Cola, dù chưa có kết quả nhưng dư luận ít ra cũng sẽ nhận được một “đáp án” sau quá trình thanh tra của cơ quan thuế.

Dù cho đang thành công với chiến lược PR in tên khách hàng trên vỏ lon Coca Cola nhưng bên cạnh đó, nghi án một doanh nghiệp nước ngoài trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế, bào mòn nhân công tài nguyên của Việt Nam mà không muốn đóng thuế một lần nữa được dư luận nhắc lại mạnh mẽ hơn.

Vậy bao giờ nghi án trốn thuế của Coca Cola được phơi bày? Phải khẳng định việc cơ quan quản lý chậm đưa ra kết luận thanh tra nghi án chuyển giá trốn thuế của Coca Cola cho thấy bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, luật pháp có thể cần thời gian để làm sáng tỏ sự thật nhưng đã có những cách ứng xử cho thấy, chính quyền, người tiêu dùng Việt Nam không đồng tình nếu anh có dấu hiệu gian dối. Trên thực tế, cho rằng Coca Cola lợi dụng chính sách ưu đãi đất đai để mở rộng quy mô sản xuất, thành phố Đà Nẵng tuyên bố dứt khoát không cho phép hãng này thuê thêm đất để mở thêm bất cứ cơ sở nào tại đây.

Người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay Coca Cola cùng với những hành động như của Đà Nẵng liệu sẽ khiến Coca Cola thay đổi suy nghĩ?

ThS Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam ví von: Một cách đơn giản cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam như những người chủ sở hữu ngôi nhà tiêu dùng Việt Nam. 

Các công ty như Coca Cola là các vị khách tới ngôi nhà tiêu dùng Việt Nam. Nếu chính những ông chủ - khách hàng tiêu dùng còn không quan tâm tới chính bản thân mình khi tiếp tay quảng bá cho những công ty dính nghi án sai phạm thì làm sao các vị khách lại tuân thủ luật pháp và các qui ước?

Thái độ bàng quan, không quan tâm tới chính cộng đồng tiêu dùng Việt Nam của một bộ phận khách hàng tiêu dùng Việt Nam sẽ là một thông điệp xấu - không có trách nhiệm xã hội. Và điều gì sẽ xảy ra, các vị khách khác và các vị khách sắp tới sẽ nhìn thấy vị khách Coca Cola và tiếp tục.

Chúng ta than phiền rất nhiều về mọi việc xuống cấp trong xã hội, môi trường Việt Nam nhưng chúng ta có bao giờ tự hỏi đã làm được điều gì để cho môi trường và xã hội đó tốt lên chưa. Ngay từ việc nhỏ và đơn giản thay vì mua sản phẩm như Dasani, Samurai, Schwepps, Fanta, Minute Maid, Coke hãy mua những sản phẩm tương tự của Vinamilk, Masan, Dr Thanh, Vĩnh Hảo hay các sản phẩm các công ty FDI đàng hòang khác hay chưa?

Nếu không làm những điều nhỏ nhất như vậy thì môi trường xã hội, kinh doanh tại Việt Nam - ngôi nhà tiêu dùng chung của chúng ta sẽ chỉ ngày càng trở nên tệ hại hơn. Hãy chung tay quét dọn và chấn chỉnh những vị khách không tốt bụng như Coca Cola trong ngôi nhà tiêu dùng Việt Nam của chúng ta.

Hồng Minh