"Nghi vấn thất thoát phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tôi không lạ"

05/05/2016 09:28
Hồng Minh
(GDVN) - Ngay sau những phản ánh về nghi vấn thất thoát phí thu tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Bùi Danh Liên cho rằng "không lạ với thông tin trên"

Trong văn bản mới nhất được gửi tới Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam... Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp cùng làm rõ nghi vấn “thất thoát phí” tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Cụ thể, Cienco1 cho biết, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC) đã và đang có những hành vi ngăn cản cổ đông đặt camera ghi hình kiểm đếm số phương tiện đi trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thu hút sự quan tâm của dư luận.

Thông tin trên báo Đầu tư, ông Đinh Ngọc Đàn - Phó Tổng giám đốc Cienco1 cho biết, với vai trò cổ đông góp vốn thành lập lên MPC với vốn góp 18%, Cienco 1 mong muốn được thành lập tổ kiểm tra độc lập để cùng tham gia quản lý việc thu phí trên đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. 

Theo ông Đàn, đề nghị của Cienco 1 nhằm minh bạch hoạt động thu phí có lợi cho tất cả các bên nhưng không được MPC chấp nhận. 

Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - ảnh nguồn: goldsungroup
Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - ảnh nguồn: goldsungroup

Ông Đàn cho biết, MPC liên tục có những hành vi ngăn cản khi phía Cienco1 cử cán bộ dùng các thiết bị công nghệ ghi hình để thống kê số lượng, chủng loại xe qua các trạm thu phí dù việc này không gây gián đoạn hay cản trở hoạt động tác nghiệp của các nhân viên thu phí. 

Theo Cienco1, với hình thức thu phí khá thủ công (phát vé giấy) tại các trạm thu phí hoàn vốn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ như hiện nay, nguy cơ thất thoát phí là không thể loại trừ nên rất cần sự giám sát độc lập của nhiều bên.

"Nghi vấn thất thoát phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tôi không lạ" ảnh 2

Nói phí BOT Việt Nam thấp nhất khu vực sao dân còn phản đối?

(GDVN) - Theo ông Bùi Danh Liên,không có tiêu chí để so sánh và không thể so sánh mức phí BOT giữa các nước bởi mức thu nhập bình quân đầu người mỗi quốc gia khác nhau.

"Nghi vấn thất thoát phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tôi không lạ" ảnh 3

Phí cao tốc Pháp Vân–Cầu Giẽ bằng Nội Bài-Lào Cai: Người dân "gánh nặng"?

(GDVN) - Theo ông Bùi Danh Liên–Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP.Hà Nội, việc thu phí cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ khiến cước vận tải tăng lên, người dân gánh thêm chi phí.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động thu phí, đặc biệt là trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình, Cienco1 cho rằng, doanh thu thu phí trên tuyến cao tốc mà MPC báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước cũng như thông báo cho các cổ đông chưa sát với thực tế.

Cụ thể, tổng thu từ thu phí vào tháng 1/2016 đạt 41 tỷ đồng tuy nhiên doanh thu thu phí tháng 2/2016 chỉ còn 35,9 tỷ đồng trong khi đây lại là đợt cao điểm vận tải Tết Bính Thân 2016.

Với mức thu 1.500 đồng/km/phương tiện, doanh số bình quân 1 ngày cho tuyến cao tốc có mật độ phương tiện lớn nhất phía Bắc chỉ vào khoảng 1 tỷ đồng – theo Cienco1 là khá bất thường.

Những phản ánh, nghi vấn của Cienco 1 cho thấy nội bộ MPC đang có những mâu thuẫn lợi ích.

Trong trường hợp, nếu những vấn đề Cienco 1 nêu ra là đúng và có cơ sở, nhà nước không chỉ thất thoát tài sản mà người dân còn chịu thiệt hại lớn hơn khi thời gian hoàn vốn và thu phí trên tuyến đường này kéo dài.

Ngay sau những phản ánh của Cienco 1 về nghi vấn thất thoát phí thu tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội khá bình thản cho rằng "không lạ với thông tin trên". 

Theo ông Bùi Danh Liên, dự án nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 1 Pháp Vân - Cầu Giẽ ngay từ khi triển khai thu phi đã có nhiều điều tiếng.

Có thể kể đến như công trình chưa xong nhưng đã thu phí. Thứ hai, suất đầu tư đoạn đường không phải làm mới mà thực chất cải tạo trên nền đường có sẵn, cơi nới đường…

“Suất đầu tư chưa tương xứng với mức thu phí, việc thu phí chưa minh bạch được báo chí, các chuyên gia cảnh báo nhiều. Ở đây không hiểu vì sao Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ lại được ưu ái.

Bây giờ nảy sinh việc kiểm đếm phương tiện qua trạm thu phí, ngay trong nội bộ của Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng không tin số lượng như báo cáo, tôi nghĩ Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ phải vào cuộc tìm hiểu sự việc làm rõ các vấn đề, để tránh dư luận không tốt đồng thời thu hút được nhà đầu tư, doanh nghiệp. 

Về vấn đề quản lý kinh tế các doanh nghiệp hoạt động phải theo luật pháp Việt Nam, phải công khai doanh thu lợi nhuận theo từng tháng/quý/năm. Việc kê khai đó đòi hỏi doanh nghiệp phải tự giác bên cạnh đó có sự thẩm định của các cơ quan quản lý, giám sát”, ông Liên nói.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội vân tải Hà Nội, nếu MPC không có gì khuất tất hoàn toàn có thể để Cienco1 với tư cách cổ đông tham gia cùng quản lý, kiểm đếm phương tiện đi trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.  

Việc làm này sẽ giải tỏa bức xúc nội bộ đồng thời tạo niềm tin cho người dân, dư luận về việc thu phí trên tuyến đường này.

Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29km có tổng mức đầu tư là 6.731 tỷ đồng và được chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ ngày 29/9/2014 và hoàn thành vào 30/6/2015. Tổng mức đầu tư là 1.974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp mặt đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, trên nền đường hiện tại rộng 25 m.

Giai đoạn 2 từ năm 2018, mức đầu tư là 4.757 tỷ đồng, mở rộng thêm 2 làn, mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới trên nền đường 33,5 m, xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp 4 đồng bằng.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ nối tiếp với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã tạo thành tuyến cao tốc hoàn chỉnh từ Hà Nội đến Ninh Bình dài 83 km.

Hồng Minh