Lãnh đạo Viettel chia sẻ kinh nghiệm thắng thầu ở xứ người

14/02/2013 07:46
Hà Nhi
(GDVN) - “Trước khi đi sang nước đó đầu tư, chúng tôi bao giờ cũng nghiên cứu thị trường rất kỹ, có kế hoạch kinh doanh, các con số luôn tường minh và đầy đủ các căn cứ rất nhà nghề” – Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ.

Kinh nghiệm thắng thầu của Viettel ở nước ngoài
Có thể nói, trong số các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là một thành công điển hình. 
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Viettel: Với 7 giấy phép đầu tư, Viettel đã có thị trường 110 triệu dân, lớn hơn thị trường trong nước (gồm 3 nước châu Á là Lào, Campuchia, Đông Timor; 2 nước Châu Phi là Mozambique, Cameroon; 2 nước châu Mỹ là Haiti và Peru). 
4 nước đã kinh doanh có lãi với tổng số thuê bao đang hoạt động là gần 10 triệu. Đặc biệt, tại Mozambique, Viettel đã có lợi nhuận chỉ sau 6 tháng chính thức kinh doanh. Với hơn 2 triệu thuê bao được phát triển mới, Movitel được đánh giá là dự án đầu tư hiệu quả nhất của Việt Nam vào Châu Phi kể từ năm 2008 đến nay.
Trong năm 2012, tổng doanh thu từ đầu tư nước ngoài của Viettel là 734 triệu USD, tăng trưởng 41% so với thực hiện năm 2011, đem lại lợi nhuận chuyển về Việt Nam là 77 triệu USD – gấp 4 lần so với năm 2011.

“Trước khi đi sang nước đó đầu tư, chúng tôi bao giờ cũng nghiên cứu thị trường rất kỹ, có kế hoạch kinh doanh, các con số luôn tường minh và đầy đủ các căn cứ rất nhà nghề” – Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ kinh nghiệm thắng thầu tại nước bạn.
“Trước khi đi sang nước đó đầu tư, chúng tôi bao giờ cũng nghiên cứu thị trường rất kỹ, có kế hoạch kinh doanh, các con số luôn tường minh và đầy đủ các căn cứ rất nhà nghề” – Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ kinh nghiệm thắng thầu tại nước bạn.


Một lãnh đạo của Viettel cho biết, trong tổng số vốn đầu tư tại mỗi thị trường, Viettel chỉ mang dưới 50% số vốn trong nước đi đầu tư, còn lại hơn 50% là Viettel tự đi vay ngân hàng tại những quốc gia đầu tư và nợ tiền từ các nhà cung cấp thiết bị, sau đó có lợi nhuận sẽ khấu hao, trừ nợ dần. 
Chia sẻ với báo chí trong buổi tổng kết cuối năm về kinh nghiệm “chiến thắng” của Viettel tại “đấu trường” nước ngoài, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Viettel cho biết: “Hiện nay, Viettel tham gia đấu thầu rất nhiều nơi trên thế giới, cả châu Mỹ La Tinh và Châu Phi. Ở những nước chúng tôi đấu thầu đều có Đảng đối lập, chính vì vậy, Chính phủ phải tổ chức đấu thầu một cách nghiêm túc, công khai và rất nhà nghề”. 
Ông Hùng kể: Trước khi đi sang nước nào đó đầu tư, Tập đoàn Viettel bao giờ cũng nghiên cứu thị trường rất kỹ, có kế hoạch kinh doanh, các con số tường minh cùng các căn cứ xác thực... 
“Chúng tôi có một thế mạnh trong đấu thầu đó là việc hứa hẹn trách nhiệm đóng góp xã hội với Chính phủ đó. Thứ nữa là phải tạo mối quan hệ tốt với Chính phủ nước sở tại. Chúng tôi cố gắng hỗ trợ những lĩnh vực khác như may mặc, giáo dục,… Đó là kinh nghiệm mà chúng tôi đã làm và đã chiến thắng’ – ông Hùng nhấn mạnh.
Còn nhớ, cách đây 2 năm, ngày 27/1/2011, Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Tư nhân của Peru đã công bố Viettel chính thức thắng thầu Giấy phép viễn thông thứ 4 tại Peru.
Sở dĩ, Viettel được các cơ quan quản lý Peru lựa chọn thắng thầu vì đã đặt mục tiêu cung cấp Internet miễn phí tới 4.025 trường học trong vòng 10 năm, so với yêu cầu của họ đề ra tối thiểu là 1.350 trường. Trong khi đó, cam kết của các nhà thấu còn lại dừng ở con số 1.601 và 2.011 cơ sở giáo dục. Viettel cũng dự kiến sẽ đầu tư khoảng 400 triệu USD trong vòng 10 năm để xây dựng hạ tầng mạng lưới và và tổ chức kinh doanh viễn thông tại Peru.
Ngoài ra, một lợi thế nữa của Viettel khi đấu thầu, theo ông Hùng, đó là nhờ tiếng tăm lớn. “Khi chúng tôi tới đấu thầu tại nước A, họ lại nhìn vào kết quả thắng lợi của chúng tôi từ trước đó, “à, ông này đã thắng ở Mozambique”,… từ đó tạo ra niềm tin giữa 2 bên khi ký kết hợp tác dài lâu” – ông Hùng nói.
Ông Hùng cho rằng: Khi ra nước ngoài, họ rất chú trọng tới việc đối tác đó có tin cậy hay không? 
“Tôi cũng không hiểu tại sao ở Việt Nam, xét về mặt công nghệ, chúng ta không phải là một nước thành công, vẫn còn là nước đang phát triển, GDP chưa cao lắm, trong khi đó, lĩnh vực mình đi là lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, tôi nghĩ, những thế hệ đi trước của cha anh mình khi dành độc lập trong hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ đã tạo ra một thương hiệu. Và thế hệ đổ máu của cha ông đã tác động, góp sức tạo nên danh tiếng của chúng ta ở nước bạn” – ông Hùng nhận xét.


Phó TGĐ Viettel: “Nói ít về mình, hành động là chính”

Là DN viễn thông đầu tiên của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và bước đầu đã gặt hái được những thành công nhất định, nhưng lãnh đạo Viettel cho biết: Tổng công ty này vẫn đang ráo riết thực hiện mục tiêu trở thành top 10 công ty lớn nhất thế giới trong đầu tư nước ngoài về viễn thông…
Còn nhớ những năm 2005-2006, quyết định đầu tư ra nước ngoài của Viettel được coi là một hành động mạo hiểm. Bởi thời điểm đó “lực” của Viettel chỉ bằng 1/30 hiện nay, trong khi các đối thủ khác đang cạnh tranh quyết liệt ở thị trường trong nước.
Viettel bắt đầu rót vốn đầu tư ra nước ngoài từ năm 2006 và các lãnh đạo của Viettel quyết định chọn Campuchia là điểm đến đầu tiên. Mặc dù khó khăn nhưng lãnh đạo của Viettel đưa ra quan điểm: Muốn trưởng thành, phải tự đặt ra những thách thức và vượt qua. Doanh nghiệp Việt Nam muốn lớn mạnh thì phải kinh doanh trong một môi trường quốc tế. 
Tháng 5/2006, Viettel đầu tư 100% vốn thành lập Viettel Cambodia. Đến tháng 2/2009, sau hơn 1 năm xây dựng, mạng di động Metfone (đầu tư khoảng 30 triệu USD) của Viettel Cambodia chính thức được khai trương. Hiện nay, Viettel là doanh nghiệp đứng đầu về mạng truyền dẫn quang tại thị trường Campuchia.   
Không dừng lại ở Campuchia, Viettel tiếp tục chọn Lào là nước thứ 2 trong hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của mình. Tháng 2/2008, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty cổ phần đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) thực hiện dự án đầu tư phát triển mạng viễn thông tại Lào với tổng số vốn hơn 83 triệu USD.
Sở dĩ, Viettel được các cơ quan quản lý Peru lựa chọn thắng thầu vì đã đặt mục tiêu cung cấp Internet miễn phí tới 4.025 trường học trong vòng 10 năm, so với yêu cầu của họ đề ra tối thiểu là 1.350 trường.
Sở dĩ, Viettel được các cơ quan quản lý Peru lựa chọn thắng thầu vì đã đặt mục tiêu cung cấp Internet miễn phí tới 4.025 trường học trong vòng 10 năm, so với yêu cầu của họ đề ra tối thiểu là 1.350 trường. 

Tiếp đó, Viettel chính thức đầu tư tại Cộng hòa Haiti vào tháng 9/2010 với khoảng 60 triệu USD, thông qua việc mua 70% cổ phần của Công ty viễn thông Teleco.
Ngày 7/9/2011, Viettel đã chính thức cung cấp các dịch vụ viễn thông tại thị trường Haiti. Ngay khi ra mắt, công ty Natcom (liên doanh giữa Viettel và Ngân hàng TW Haiti-BRH) đã sở hữu mạng lưới lớn nhất, hiện đại nhất.
Ngày 8/11/2010, Quốc gia đông nam châu Phi, Mozambique, đã đồng ý cấp phép cho công ty viễn thông Viettel của Việt Nam khai thác thị trường di động nước này.
Movitel, một đơn vị của Viettel liên doanh với một nhóm nhà đầu tư Mozambique, đã vượt qua hai công ty khác, trúng gói thầu với giá đưa ra là 29 triệu USD. 
“Người Viettel vẫn thường nói với nhau, đầu tư nước ngoài sẽ khiến cho mặt trời không bao giờ lặn với chúng ta. Và nay, với người Viettel, mặt trời đã mọc ở Châu Phi. Movitel đã chính thức khai trương. Thị trường nước ngoài thứ 4 đã chuyển từ giai đoạn xây dựng bộ máy sang vận hành khai thác” – Người Viettel tự hào viết trên nội san của mình.
Thắng lợi lớn là vậy nhưng khi phát ngôn với giới truyền thông, lãnh đạo Viettel, Phó Tổng GĐ Lê Đăng Dũng vẫn rất khiêm nhường: “Quan điểm của chúng tôi là ít nói về mình và hành động là chính… Tuy thành công như vậy nhưng để tiếp tục phát triển, mọi người từ cá nhân tới chủ chốt phải xuất sắc. Từ 2013 trở đi, thị trường viễn thông đã bão hòa, cơ hội ít dần đi, muốn phát triển cần đột phá, từng cá nhân đột phá”.
Và khẩu hiệu của Viettet trong năm 2013 theo như ông Dũng nói đó là “Đột phá, xuất sắc, phát triển bền vững”.
Trước mắt, Viettel đặt mục tiêu ngắn hạn trong năm 2013, tổng doanh thu từ những thị trường nước ngoài đạt hơn 1,1 tỷ USD với 3 thị trường chủ lực là Campuchia, Lào và Mozambique, đóng góp tỷ trọng 15% trong cơ cấu doanh thu của Viettel.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!

Hà Nhi