"Người đàn bà thép" đưa Vinamilk vươn ra toàn cầu

30/01/2017 08:21
Mai Anh
(GDVN) - Với bà Mai Kiều Liên, doanh nghiệp có nội lực mạnh nên tính chuyện vươn xa. Đó là lý do Vinamilk muốn trở thành một trong 50 tập đoàn sữa lớn nhất thế giới.

Từ doanh nghiệp nhà nước đi lên trong thời kỳ bao cấp, sau 40 năm Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã vươn lên vị trí số 1 trong ngành sữa.

Thành công của Vinamilk phần lớn bắt nguồn từ chiến lược kinh doanh đúng đắn, cũng như khả năng chớp cơ hội trên thương trường của ban lãnh đạo công ty – đứng đầu là bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk.

Từ ngày đầu gian khó

Người có trí tưởng tượng nhất có lẽ cũng không thể hình dung người khổng lồ Vinamilk hôm nay lại sinh ra và lớn lên trong môi trường khó khăn đến như thế vào những năm 1970-1980 của thế kỷ trước. 

Siêu nhà máy của Vinamilk tại Bình Dương với diện tích 20ha đây là 1 trong 5 nhà máy sữa lớn nhất thế giới - ảnh sử dụng trong bài nguồn Vinamilk.
Siêu nhà máy của Vinamilk tại Bình Dương với diện tích 20ha đây là 1 trong 5 nhà máy sữa lớn nhất thế giới - ảnh sử dụng trong bài nguồn Vinamilk.

Năm 1976, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được thành lập, tiền thân là Công ty Sữa, Cafe Miền Nam, trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Thực phẩm miền Nam. Vinamilk khi đó chỉ bao gồm ba đơn vị trực thuộc là Nhà máy sữa Thống Nhất, Trường Thọ và Dielac.

Khi về làm việc tại Vinamilk 8/1976 ở vị trí phụ trách Khối sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy sữa Trường Thọ Công ty Sữa – Cà phê Miền Nam, cô kỹ sư trẻ Mai Kiều Liên còn nhớ như in những khó khăn về vốn, thiếu thốn về máy móc thiết bị, công nhân kỹ thuật, nguyên liệu…

Sau nhiều năm không ngừng nỗ lực, bà Mai Kiều Liên được tín nhiệm ở vị trí Phó tổng giám đốc rồi Tổng giám đốc. Nhưng trong suốt giai đoạn ấy, từ những năm 80 cho tới đầu những năm 90 thế kỷ XX, tình hình sản xuất của Vinamilk gặp rất nhiều khó khăn.

Toàn bộ hệ thống dây chuyền, máy móc cũ kỹ lạc hậu, phụ tùng thiếu thốn, nguyên liệu sản xuất không có, sữa sản xuất ra không thể cạnh tranh được với sữa nhập khẩu.

Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, người có những quyết định lịch sử mang đến thành công cho Vinamilk hôm nay.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk, người có những quyết định lịch sử mang đến thành công cho Vinamilk hôm nay.

Đứng trước những khó khăn đó, Vinamilk chủ động tìm lối đi cho mình. Để phát huy sức mạnh tập thể ở vai trò “thuyền trưởng”, bà Mai Kiều Liên cùng lãnh đạo Vinamilk đã đi đầu phát động phong trào thi đua sáng tạo.

Thông qua nhiều con đường, từ năm 1990 Vinamilk đã tiến hành mua trực tiếp nguồn nguyên liệu với giá rẻ vài trăm USD/tấn thông qua các công ty xuất nhập khẩu, góp phần giảm giá thành, cạnh tranh được với hàng ngoại nhập tràn lan trên thị trường.

Ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đứng trước một khó khăn lớn là phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập của nước ngoài. Điều day dứt lớn nhất của ngành sữa là chưa chủ động được 100% nguồn nguyên liệu.

Tháo dỡ khó khăn này, hướng đến chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất sữa, bà Mai Kiều Liên cùng lãnh đạo Vinamilk cụ thể hóa bằng giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu nội địa, thế là “cuộc cách mạng trắng” 1991 ra đời.

Những năm đầu thập kỷ 1990, Vinamilk đã khẩn trương nhập máy móc hiện đại để sản xuất sữa tươi tiệt trùng và thu mua sữa của nông dân với giá cao hơn nguyên liệu sữa nhập khẩu; hỗ trợ nông dân con giống, thú y, kỹ thuật chăn nuôi; thiết bị bảo quản sữa và không ngần ngại giảm lãi để khuyến khích phát triển đàn bò sữa trong nước. 

"Cuộc cách mạng trắng" đã giải quyết được nguồn nguyên liệu sản xuất sữa cho Vinamilk.
"Cuộc cách mạng trắng" đã giải quyết được nguồn nguyên liệu sản xuất sữa cho Vinamilk.

Với mô hình liên kết với người nông dân mở rộng vùng chăn nuôi, đồng thời tự mình hình thành các trang trại chăn nuôi bò sữa từ Bắc chí Nam, nâng tổng đàn từ 3.000 con (năm 1991) lên tới 113.000 con (năm 2015), cho sản lượng sữa 200.000 tấn/năm, chủ động được 50% nguồn nguyên liệu sữa cho sản xuất, quyền lợi người chăn nuôi bò sữa cũng được mở rộng.

Khi Vinamilk cổ phần hóa, nông dân được mua cổ phần ưu đãi với giá chỉ bằng 70% mệnh giá, nhưng không có tiền mua, Vinamilk đã bảo lãnh cho vay vốn để mua. Tính nhân văn thể hiện ngay trong chiến lược phát triển.

Hệ quả là suốt quá trình đổi mới từ 1991 cho đến trước cổ phần hóa 2003, với chiến lược đến với nông nghiệp, nông thôn, nông dân qua “Cuộc cách mạng trắng” kết hợp hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, Vinamilk đã chiếm thị phần trong nước 45%, trong đó sữa đặc chiếm 75%; sữa tươi 53%; sữa chua các loại 90% và sữa bột 25%. 

Ở thị trường ngoài nước, Vinamilk đã thắng thầu nhiều lần bằng các lợi thế của chất lượng sản phẩm, giá cả và uy tín thực hiện hợp đồng cho các đối tác.

Đến nay sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở 31 quốc gia trên thế giới, trong đó các thị trường khó tính như Mỹ, Anh, Đức Canada… đều đã hiện diện các sản phẩm Vinamilk, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của vinamilk đã được xây dựng tại Mỹ, Anh, Ba Lan, Newzealand, Campuchia đã góp phần không nhỏ đưa kim ngạch xuất khẩu đến nay đạt 200 triệu USD/năm, tăng gấp 2 lần  so năm 2014.

Cốt lõi công nghệ

Nền tảng khoa học công nghệ đóng một vai trò then chốt đối với một doanh nghiệp sản xuất sữa hiểu được điều này nên bà Mai Kiều Liên luôn tìm, học hỏi công nghệ hiện đại của các hãng sữa nổi tiếng thế giới. Để từ đó chuyển giao đưa về Việt Nam. 

Vì thế Vinamilk luôn đi đầu trong việc đầu tư trang thiết bị hiện đại để thực hiện mục tiêu nâng tầm chất lượng sữa nội. Quan điểm kinh doanh được đặt ra là “Không thể có những sản phẩm tốt nhất nếu không có những công nghệ tốt nhất”.

Dây chuyền sản xuất hiện đại là cốt lõi làm nên thành công cho Vinamilk
Dây chuyền sản xuất hiện đại là cốt lõi làm nên thành công cho Vinamilk

Theo bà Mai Kiều Liên, mục tiêu của Vinamilk là nâng tầm dinh dưỡng chất lượng quốc tế cho các sản phẩm sữa, từ đó tạo cơ hội cho trẻ em Việt Nam được sử dụng sản phẩm dinh dưỡng không thua kém sản phẩm sữa nước ngoài với giá cả hợp lý.

Ở Việt Nam, để chinh phục được người tiêu dùng trong nước là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn vì thói quen tiêu dùng người Việt. Vì thế để thuyết phục đòi hỏi doanh nghiệp phải có những đặc thù riêng, cộng với sự nghiên cứu bằng cách áp dụng công nghệ quốc tế một cách hết sức linh hoạt.

Khi khôi phục nhà máy sản xuất sữa bột Dielac vào năm 1987, bà Liên thú thật thời gian đầu sản phẩm sữa Dielac chưa thuyết phục được người tiêu dùng nội địa khi mà sữa bột ngoại nhập, với tuổi đời của thương hiệu hàng mấy trăm năm, luôn là điều bảo chứng rất tốt cho các bà mẹ Việt.

Nhưng tất cả đều thay đổi khi Vinamilk quyết tâm phải thực hiện cho được mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm.

Sau này, không chỉ có trẻ em có sản phẩm riêng biệt, mà cả người bệnh, người già đều có các sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, mọi sản phẩm ra đời của Vinamilk đều dựa trên các nghiên cứu quốc tế, nhưng vẫn phù hợp với thể trạng người Việt Nam. 

Chẳng hạn đối với dòng sữa bột dành cho trẻ em, khi đưa vào sản xuất, Vinamilk đã có một nghiên cứu cụ thể, hết sức khoa học trên 50.000 trẻ em ở ba miền cả nước trong thời gian 5 năm.

"Thể trạng trẻ em ở mỗi quốc gia là khác nhau, vì thế chúng tôi phải biết thể trạng của các em nhỏ Việt Nam đang thiếu các vi chất gì để có hướng nghiên cứu sản phẩm cho phù hợp", bà Liên chia sẻ.

"Người đàn bà thép" đưa Vinamilk vươn ra toàn cầu ảnh 5

Năm 2016 - Mốc son trong lịch sử phát triển của Vinamilk

"Người đàn bà thép" đưa Vinamilk vươn ra toàn cầu ảnh 6

Những quyết định lịch sử của bà Mai Kiều Liên tại Vinamilk

"Người đàn bà thép" đưa Vinamilk vươn ra toàn cầu ảnh 7

Những nữ doanh nhân ảnh hưởng nhất Việt Nam của Forbes

Bằng sự hợp tác nghiên cứu với Viện dinh dưỡng Quốc gia, Vinamilk đã cho ra những sản phẩm phù hợp với trẻ em Việt Nam.

Không chỉ hợp khẩu vị mà còn đầy đủ chất dinh dưỡng như bao sản phẩm sữa ngoại nhập khác, nhưng giá thành chỉ bằng 50%.

Các bà mẹ nuôi con nhỏ ngày một tin dùng sản phẩm Vinamilk hơn khi thấy con mình khỏe mạnh, tăng cân đều đặn.

Không khó để nhận thấy Vinamilk đã thường xuyên, liên tục đầu tư để nâng chất sản phẩm của mình.

Trong năm 2013, công ty này đã đầu tư hai “siêu” nhà máy sữa lớn hiện đại bậc nhất thế giới, đặt tại tỉnh Bình Dương.

Đó là Nhà máy sữa bột Việt Nam có vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng, bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2013 và Nhà máy sữa Việt Nam (chuyên sản xuất sữa nước) có vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng khánh thành vào tháng 9/2013.

Hai nhà máy được đầu tư công nghệ tiên tiến nhất của ngành sữa, đủ sức đáp ứng mọi tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường.

Bà Liên cho biết, mục đích của việc đầu tư này là làm sao mọi sản phẩm Vinamilk từ sữa chua, sữa tươi, sữa bột… đều cạnh tranh được với các nhãn hiệu sữa nổi tiếng quốc tế. 

Nhà máy sữa bột Việt Nam có tổng công suất 54.000 tấn sữa bột/năm, được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sữa đạt chuẩn quốc tế cho khoảng 700.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm.

Toàn bộ trang thiết bị, công nghệ của nhà máy được cung cấp bởi tập đoàn GEA (Đức), đảm bảo các dưỡng chất, vitamin, khoáng chất… không bị biến đổi trong quá trình chế biến.

Nhà máy sữa Việt Nam có công suất lên đến hơn 400 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 1 và tăng lên 800 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 2. Nhà máy sử dụng công nghệ tích hợp và tự động hiện đại do Tetra Pak (Thụy Điển), tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này cung cấp. 

Tiếp tục đi đầu trong ngành công nghiệp sữa Việt, thánh 12/2016 Vinamilk đưa ra thị trường sản phẩm sữa tươi 100% organic cao cấp theo tiêu chuẩn hữu cơ Châu Âu.

Việc cho ra đời sản phẩm Sữa tươi Vinamilk 100% Organic cũng đánh dấu một bước chuyển mình của Vinamilk trên hành trình hội nhập với thị trường sữa thế giới, tiên phong mở lối cho xu hướng Organic tại thị trường Việt Nam.

Ra thế giới – Cuộc chơi lớn

Ngoài những chiến lược trong nước, sự dũng cảm và quyết đoán của CEO Mai Kiều Liên còn được chứng minh trong chiến lược toàn cầu hóa. Không chỉ đầu tư trong nước, Vinamilk còn mạnh tay “mang chuông đi đánh xứ người”. 

Sở hữu 100% cổ phần Driftwood trong tháng 5/2016 vừa qua, mỗi năm Vinamilk có thêm vài ngàn tỉ đồng doanh thu từ công ty đặt tại Mỹ này. 

Trước đó, năm 2012, Vinamilk góp vốn vào nhà máy Miraka tại New Zealand, đã mang về tổng cộng hơn 2 triệu NZD cho Vinamilk.

Công ty cũng tiên phong xây dựng nhà máy sữa đầu tiên tại Campuchia, khi khánh thành nhà máy Angkor Milk với tổng vốn đầu tư 23 triệu USD vào tháng 5/2016.

Nhà máy có công suất 38 triệu lít sữa nước, 192 triệu hũ sữa chua mỗi năm để phục vụ nhu cầu người dân Campuchia và khu vực vào năm 2024. 

Vinamilk khánh thành nhà máy sữa Angkor – nhà máy sữa chuẩn quốc tế đầu tiên và duy nhất tại Campuchia.
Vinamilk khánh thành nhà máy sữa Angkor – nhà máy sữa chuẩn quốc tế đầu tiên và duy nhất tại Campuchia.

Về xuất khẩu, từ năm 1997 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đã đạt khoảng 2 tỷ USD (tương đương khoảng 45.520 tỷ đồng). Doanh thu xuất khẩu của Vinamilk trong 10 tháng đầu năm 2016 đạt 4.662 nghìn tỷ đồng (tương đương 208 triệu đô la Mỹ).

Đến nay, Vinamilk đã được xuất khẩu đi 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia yêu cầu rất cao về chất lượng trong sản phẩm dinh dưỡng như Nhật, Canada, Mỹ, Úc, Thái Lan...từ những nhà máy sản xuất sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

Bên cạnh những sản phẩm xuất khẩu chính như sữa bột trẻ em và sữa đặc sang các thị trường truyền thống, những năm gần đây Vinamilk dần chuyển xuất khẩu các mặt hàng khác như sữa tươi, sữa chua ăn, sữa chua uống, các sản phẩm nước trái cây; nhằm hướng tới đa dạng hóa sản phẩm Vinamilk trên thị trường quốc tế, phù hợp với các nhu cầu tiêu dùng khác nhau. 

Gần đây nhất Vinamilk đã chính thức ra mắt các sản phẩm sữa chua ăn tại Thái Lan được nghiên cứu mới hoàn toàn về mặt khẩu vị, bao bì, tính năng và hình ảnh để phù hợp với người tiêu dùng Thái. Hiện nay, Châu Á là thị trường tập trung đầu tư mạnh của Vinamilk. 

Song song đó, Vinamilk tiếp tục củng cố sự hiện diện, và tập trung hơn nữa tại các thị trường quốc tế mới, đặc biệt là khu vực Châu Phi với rất nhiều tiềm năng, bằng việc đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu thị trường để phù hợp văn hóa địa phương, tung các sản phẩm thế mạnh (sữa bột, bột dinh dưỡng…), mở rộng hệ thống phân phối và tăng độ nhận biết thương hiệu. 

Ngay sau hội chợ, hai sản phẩm này đã có mặt tại các siêu thị ở bang Arizona và California, đánh dấu một bước tiến mới trong kế hoạch đưa sản phẩm sữa “made in Vietnam” ra thế giới.

Bên cạnh Mỹ, sản phẩm sữa Vinamilk hiện nay cũng đã có mặt tại Nhật Bản một thị trường được xem khá kỹ tính.

Những giải thưởng danh giá

Với những đóp góp lớn cho sự phát triển của Vinamilk bà Mai Kiều Liên nhận được nhiều giải thưởng danh giá. CEO Vinamilk là người Việt duy nhất nhận giải thưởng Nikkei Châu Á lần thứ 20 trong lĩnh vực “Kinh tế và đổi mới doanh nghiệp”.

Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên cũng là người phụ nữ duy nhất Việt Nam 3 lần được Forbes vinh danh.

Còn Tạp chí Forbes thì vinh danh bà là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á với lời ca ngợi: “Vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Xây dựng Vinamilk không những trở thành một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn được kính trọng trên khắp châu Á”.

Ngoài ra tháng 7/2012, bà Mai Kiều Liên được Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á trao giải thưởng “Asian Excellence recognition Awards 2012” (Những cá nhân/công ty xuất sắc nhất châu Á năm 2012) với danh hiệu “Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc của châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư”. 

Thủ tướng New Zealand - ông John Key trao giải thưởng New Zealand - Asean award cho bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk. Ảnh: Xuân Phú.
Thủ tướng New Zealand - ông John Key trao giải thưởng New Zealand - Asean award cho bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk. Ảnh: Xuân Phú.

Trong phần nói về bà Mai Kiều Liên, tạp chí viết: "Giải thưởng này được trao cho bà để công nhận những sự cam kết lâu dài cho sự phát triển của quản trị doanh nghiệp trong các lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư, hoạt động trách nhiệm cộng đồng, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với môi trường và kết quả tài chính của doanh nghiệp trong khu vực".

Đây cũng là lần thứ hai bà Mai Kiều Liên được tạp chí này vinh danh; trước đó vào tháng 5/2012, bà đã được bình chọn cho danh hiệu “Những nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất khu vực châu Á trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp”.

Trong khi đó kênh thông tin kinh tế và tài chính Mỹ CNBC đã ví von, ca ngợi CEO Vinamilk Mai Kiều Liên là “nữ hoàng sữa” và “Margaret Thatcher của Việt Nam”.

CNBC đánh giá, công ty do bà Mai Kiều Liên điều hành là đơn vị có công lớn trong sự thay đổi thói quen ăn uống có chiều hướng tích cực của người Việt. Bà Mai Kiều Liên, người được ví như Margaret Thatcher (người đàn bà thép) của Việt Nam, chính là đầu tàu đưa công ty này trở thành thương hiệu hàng đầu trong mắt người Việt.

Mai Anh