"Người tiêu dùng nên tẩy chay sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ"

23/04/2015 13:07
Mai Anh
(GDVN) - Việc ghi nhãn hàng hóa, thông tin về nguồn gốc xuất xứ, cảnh báo sản phẩm…đang gây hoang mang người tiêu dùng.

Tại Hội thảo “Dinh dưỡng lành mạnh và Quyền được thông tin của người tiêu dùng” do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) và Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) phối hợp tổ chức đã nêu rõ thực trạng nhãn mác hàng hóa, thông tin nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm hiện nay.

Dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định: Người tiêu dùng phải được cung cấp thông tin chính xác đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Người tiêu dùng phải được cung cấp thông tin nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa. Tuy nhiên hiện nay vấn đề minh bạch thông tin của sản phầm hàng hóa còn nhiều bất cập.

Vinastas tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng lành mạnh và Quyền được thông tin của người tiêu dùng”.
Vinastas tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng lành mạnh và Quyền được thông tin của người tiêu dùng”.

Theo Cục An toàn thực phẩm, việc ghi nhãn hàng hóa thông tin nguồn gốc xuất xử sản phẩm , chứng từ, cảnh báo về sản phẩm… chỉ được thực hiện tốt tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy nhiên những thông tin này cũng chưa đáp ứng được về chất lương nguồn tin, thông tin cung cấp không rõ ràng, gây hiểu nhầm.

Bên cạnh đó người tiêu dùng còn bị nhiều thông tin bởi việc doanh nghiệp quảng cáo sản phẩm. Cụ thể nhiều thông tin quảng cáo sản phẩm thiếu tên, địa chỉ người sản xuất, kinh doanh, hình minh họa và tên sản phẩm dễ gây nhầm lẫn với hàng hoác dịch vụ khác hoặc gây hiểu nhầm tác dụng sản phẩm.

Dễ nhận thấy nhất đó là những quảng cáo sản phẩm chức năng, thực phẩm chức năng nhiều quảng cáo khiến người tiêu dùng tưởng nhầm là thuốc đã bị xử lý. Ví dụ vụ việc Công ty TNHH Dược phẩm Tâm Bình quảng cáo sản phẩm Viên khớp Tâm Bình, đây là thực phẩm chức năng nhưng quảng cáo như thuốc khiến người tiêu dùng hiểu nhầm.

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, để cải thiện tình trạng thiếu minh bạch thông tin cần có sự đồng thuận, phối hợp mạnh mẽ giữa các đơn vị nhằm tăng cường tuyên tuyền về quyền được cung cấp thông tin của người tiêu dùng. Tăng cường công tác tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng trong việc nắm bắt thông tin quyền lợi người tiêu dùng. Có biện pháp yêu cầu doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng…

Qua đó, người tiêu dùng khi gặp các sự cố với chất lượng sản phẩm cần sớm phản ánh đến cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được bảo vệ, bênh vực. 

“Người tiêu dùng có thể liên kết với cơ quan bảo vệ quyền lợi của mình qua số Tổng đài 1800 – 6838 hoặc phản ánh với cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng địa phương để được giúp đỡ", đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết.

Về vấn đề minh bạch thông tin sản phẩm, Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Bộ Khoa học & Công nghệ) cho rằng, người tiêu dùng phải dứt khoát với sản phẩm hàng hóa không có nhãn mác, thiếu thông tin. Nói cách khác, nếu người tiêu dùng "tẩy chay" sản phẩm tức là không có cầu thì những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác không rõ ràng sẽ không được tiêu thụ và tự bị loại bỏ khỏi thị trường.

Mai Anh