Nguyên thủ quỹ Ngân hàng VIB bị bắt

12/12/2016 11:22
Mai Anh
(GDVN) - Lợi dụng tín nhiệm của nhiều người, Bùi Phương Thảo - nguyên cán bộ Ngân hàng TMCP quốc tế (VIB) Quảng Ninh đã vay tiền rồi chiếm đoạt.

Ngày 11/12, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Bùi Phương Thảo - nguyên cán bộ Ngân hàng TMCP quốc tế (VIB) Quảng Ninh để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ điều tra, Thảo nguyên là thủ quỹ phòng giao dịch Bãi Cháy của ngân hàng VIB Quảng Ninh.

Từ năm 2011 đến đầu tháng 12/2016, Thảo đã vay tiền của nhiều người với lãi suất thấp, rồi  cho vay lại với lãi suất cao để hưởng chênh lệch.

Thời gian gần đây, nhiều cán bộ Ngân hàng VIB bị phát hiện vi phạm pháp luật - ảnh minh họa/ nguồn Ngân hàng VIB.
Thời gian gần đây, nhiều cán bộ Ngân hàng VIB bị phát hiện vi phạm pháp luật - ảnh minh họa/ nguồn Ngân hàng VIB.

Để tạo dựng lòng tin của người cho vay, Thảo thường sử dụng con dấu “Đã thu tiền” của Phòng giao dịch VIB Bãi Cháy.

Theo thông tin ban đầu, Thảo đã vay của 13 người với tổng số tiền 56 tỷ đồng, sau đó cho vay lại hơn 50 tỷ đồng, số còn lại dùng để trả tiền lãi người cho Thảo vay và chi tiêu cá nhân.

Tuy nhiên, do những người được Thảo cho vay chưa hoàn trả được tiền nên người này cũng không còn khả năng thanh toán.

Ngày 3/12, Bùi Phương Thảo có đơn xin nghỉ việc và đã được cơ quan giải quyết thủ tục theo quy định.

Đến chiều 9/12, Thảo đã tự giác đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh để khai nhận việc chiếm đoạt 56 tỉ đồng của nhiều người.

Trong thông cáo báo chí Ngân hàng VIB xác nhân thông tin một cán bộ từng làm việc tại Ngân hàng VIB chi nhánh Quảng Ninh liên quan đến các khoản nợ cá nhân. 

Thông cáo báo chí của Ngân hàng VIB - ảnh chụp màn hình/ nguồn VIB.com.vn
Thông cáo báo chí của Ngân hàng VIB - ảnh chụp màn hình/ nguồn VIB.com.vn

VIB cho biết, bà Thảo hiện không còn làm việc tại Ngân hàng VIB. 

“VIB đã phối hợp với cơ quan chức năng để tra soát lại các giao dịch liên quan đến cá nhân này.

Tuy nhiên, chưa phát hiện bất cứ thiệt hại nào xảy ra với VIB và khách hàng” Ngân hàng VIB khẳng định và cho biết: “Những giao dịch giữa các cá nhân với nhau (giữa bà Thảo và người cho vay tiền – PV) không thuộc thẩm quyền giải quyết của VIB”.

Ngoài ra, Ngân hàng VIB cũng cho biết, mọi hoạt động của Ngân hàng VIB chi nhánh Quảng Ninh vẫn diễn ra bình thường, mọi quyền lợi của khách hàng vẫn được đảm bảo.

Câu hỏi đặt ra là: Sau sự việc bà Bùi Phương Thảo sử dụng con dấu "Đã thu tiền" của VIB Bãi Cháy (Quảng Binh), VIB đã có kiểm tra, làm rõ trách nhiệm cá nhân (nếu có) của cán bộ quản lý tại chi nhánh này chưa?

Sự việc bà Thảo đóng dấu "Đã thu tiền" diễn ra trong một thời gian dài, nhưng VIB Bãi Cháy không có phát hiện nào?

Sau sự việc xảy ra với bà Bùi Phương Thảo, VIB có biện pháp nào để ngăn chặn những trường hợp tương tự có thể xảy ra?

Đây không phải lần đầu tiên cán bộ của Ngân hàng VIB lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản trong thời gian còn làm việc tại ngân hàng này.

Trước đó, ngày 27/6/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức phiên tòa xét xử vụ án “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra năm 2010-2012 tại Ngân hàng VIB chi nhánh Thái Nguyên. 

Theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên, nguyên Giám đốc Phòng giao dịch Phan Đình Phùng (VIB Thái Nguyên) Vi Nghĩa Hà đã “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, từ năm 2010-2012, do cần tiền để chi tiêu cá nhân, trả một phần gốc và lãi các khoản vay tại ngân hàng VIB Thái Nguyên, Vi Nghĩa Hà đã đưa tiền cho Ngô Quang Mạnh (sinh năm 1989, lao động tự do, ở Thái Nguyên) mua đất giá rẻ tại Thái Nguyên rồi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên người khác, nhờ họ thế chấp vay tiền tại VIB Phan Đình Phùng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, Hà, Mạnh và Hà Văn Thuyết (sinh năm 1990, lao động tự do, ở Thái Nguyên) thiết lập các hồ sơ vay vốn gồm chứng minh thư, hộ khẩu của khách hàng vay, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cá thể, các giấy tờ thể hiện hoạt động kinh doanh... mặc dù hầu hết những người này không phải là hộ kinh doanh cá thể.

Đầu năm 2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, khám xét và bắt tạm giam 4 tháng đối với 2 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: Đỗ Xuân Hai, Giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu; Nguyễn Trọng Năm, chủ doanh nghiệp tư nhân Năm Hường (2 bị can này bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Thông tin ban đầu, vào khoảng cuối tháng 10/2011 đến đầu tháng 4/2012, Đỗ Xuân Hai đã chỉ đạo kế toán lập khống chứng từ hàng hoá thế chấp (biên bản kiểm kê kiêm định giá tài sản, biên bản giao nhận hàng hoá thế chấp…), lập khống chứng từ mua hàng của 5 doanh nghiệp và 12 cá nhân để làm hồ sơ ký 31 khế ước vay tổng cộng 110 tỉ đồng của Ngân hàng VIB.

Sau khi được giải ngân, Đỗ Xuân Hai đã sử dụng tiền vào nhiều mục đích khác nhau, đến nay đã chiếm đoạt hơn 70 tỉ đồng của VIB Chi nhánh Nguyễn Huệ.

Với các thủ đoạn tương tự, Nguyễn Trọng Năm trong tháng 10/2011 đã chỉ đạo kế toán lập khống chứng từ hàng hoá, chứng từ mua bán của 3 doanh nghiệp và 8 cá nhân để làm hồ sơ ký 7 khế ước vay tổng cộng 19 tỉ đồng của Ngân hàng VIB, đến nay còn chiếm đoạt hơn 9 tỉ đồng của Chi nhánh ngân hàng này.

Liên quan đến việc này, bị can Nguyễn Thanh Hiếu, nguyên Giám đốc Ngân hàng VIB Chi nhánh Nguyễn Huệ (quận Hà Đông, Hà Nội), cũng bị khởi tố, bắt giam về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” vì đã ký duyệt các tờ trình do cán bộ cấp dưới đề xuất để giải ngân tiền vay và không kiểm tra, giám sát dẫn đến gây thiệt hại cho ngân hàng VIB.

Mai Anh