Nhà ga T1 Nội bài: Bán cho ai hiệu quả hơn?

04/03/2015 10:16
Mai Anh
(GDVN) - Trước việc VNA, Vietjet cùng đề xuất mua Nhà ga T1, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng, ông ủng hộ câu nói của Bộ trưởng: “Cái gì tư nhân làm được để tư nhân làm".

Chủ trương phù hợp

Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không và chủ trương bán quyền khai thác một số sân bay cho tư nhân như sân bay Phú Quốc và Nhà ga T1-sân bay Nội Bài của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang được đưa ra mổ xẻ, phân tích nhiều góc độ khác nhau.

Trong đó riêng vấn đề nhượng quyền khai thác Nhà ga T1 – sân bay Nội Bài, hiện đang có hai hãng hàng không cùng xin được khai thác đó là Vietjet và Vietnam Airlines. Tháng 2/2015, Hãng hàng không Vietjet có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất được Bộ nhượng quyền khai thác thương mại toàn bộ nhà ga hành khách T1 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài trong thời hạn 20 năm. Ngay sau đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng gửi công văn khẩn đến Bộ GTVT đề xuất được mua trực tiếp Nhà ga T1 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Cả Vietjet và Vietnam Airlines cùng gửi đề xuất được mua, chuyển nhượng quyền khai thác Nhà ga T1 - Sân Bay Nội Bài.
Cả Vietjet và Vietnam Airlines cùng gửi đề xuất được mua, chuyển nhượng quyền khai thác Nhà ga T1 - Sân Bay Nội Bài.

Như vậy gần như cùng lúc có hai hãng hàng không nội địa đưa ra đề xuất được quyền kinh doanh khai thác tại Nhà ga T1, vì vậy trách nhiệm của Bộ GTVT là thẩm định nhằm đảm bảo công bằng trong việc lựa chọn hãng hàng không có đủ điều kiện khai thác Nhà ga T1.

Nhận định về Đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không của Bộ GTVT, PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Đây được xem việc chưa có tiền lệ khi lần đầu tiên việc bán một tài sản đặc biệt là sân bay, nhà ga được đưa ra, đặc biệt ở chỗ lĩnh vực hàng không trước đến nay luôn được xem là lĩnh vực riêng liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng vì vậy đều do nhà nước quản lý”.

Chính vì hàng không là lĩnh vực đặc biệt nên chủ trương bán, chuyển nhượng Nhà ga T1 – sân bay Nội Bài hay sân bay Phú Quốc sẽ còn nhiều ý kiến băn khoăn khác nhau, nhất là vấn đề vấn đề an ninh và độc quyền khi các cảng này được chuyển giao cho tư nhân.

“Tuy nhiên tôi ủng hộ chủ trương của Bộ GTVT, với chúng ta thì chưa có tiền lệ nhưng với các nước việc tư nhân tham gia đầu tư, sở hữu và khai thác sân bay là điều hết sức bình thường. Nói như vậy để thấy chủ trương trên của Bộ là phù hợp với xu hướng phát triển và chính việc bán, chuyển nhượng cho tư nhân khai thác sân bay mới giúp tránh vấn đề độc quyền”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho hay.

Bán cho ai hiệu quả hơn?

Vấn đề chuyển nhượng, bán sân bay nhà ga hàng không được đưa ra ngay đầu năm 2015 với hai dự án thí điểm là chuyển nhượng bán Nhà ga T1 và bán sân bay Phú Quốc cũng đặt ra nhiều câu hỏi như tại sao vấn đề huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không lại được đưa ra vào thời điểm này?

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ giao Nhà ga T1 - Sân bay Nội Bài cho Vietjet sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn (ảnh minh họa)
Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ giao Nhà ga T1 - Sân bay Nội Bài cho Vietjet sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn (ảnh minh họa)

Trao đổi với phóng viên PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng: Có nhiều nguyên nhân để Bộ GTVT quyết tâm xã hội hóa nguồn vốn đầu tư hàng không.

Thứ nhất là xu hướng chung tư nhân hóa đẩy mạnh nền kinh tế thị trường; Thứ hai huy động vốn xã hội hóa nhằm giảm gánh nặng  ngân sách nhà nước; Thứ ba để xoay vốn đầu tư các dự án hàng không mới như Dự án Cảng hàng không Long Thành; Thứ tư là việc lâu nay cụm, cảng hàng không, nhà ga được giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không quản lý nhưng hoạt động không hiệu quả vì vậy chủ trương chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác quản lý là phù hợp.

Một vấn đề khác, hiện nay cùng lúc có 2 hãng hàng không là Vietjet và Vietnam Airlines cùng đề xuất mua, chuyển nhượng Nhà ga T1 – sân bay Nội Bài đặt ra vấn đề chọn hàng hàng không nào để nâng cao hiệu quả Nhà ga T1?

PGS.TS Phạm Quý Thọ phân tích: Trong các hãng hàng không nội địa Vietnam Airlines là hãng hàng không lớn nhất. Sự lớn mạnh của Vietnam Airlines xuất phát từ việc đây là hãng hàng không quốc gia, doanh nghiệp nhà nước nhận được sự ưu ái vì vậy trước đây hàng không trước đây gần như Vietnam Airlines một đường một ngựa, tính độc quyền không chỉ thể hiện ở thị trường mà thể hiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Người dân, cơ quan quản lý khó có thể đánh giá so sánh hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines vì không có hãng hàng không nội địa khác tương xứng. 

Tuy nhiên từ khi xuất hiện các hãng hàng không tư nhân trong đó nổi bật Vietjet, sau thời gian ngắn hoạt động với phân khúc hàng không giá rẻ Vietjet dần khẳng định vị thế trên thị trường mang lại sự cạnh tranh mới thị trường hàng không. Thứ nhất người dân có thể so sánh chất lượng dịch vụ, so sánh giá cả dịch vụ giữa Vietnam Airlines và Vietjet; Thứ hai so sánh sự hiệu quả hoạt động giữa một hãng hàng không tư nhân và hãng hàng không là doanh nghiệp nhà nước.

Mặt khác dù Vietnam Airlines đã tiến hành cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn nắm giữ 4/5 cổ phần (75% cổ phần) vì vậy thực chất Vietnam Airlines vẫn là doanh nghiệp nhà nước. Chính vì thế nếu Nhà ga T1 được giao cho Vietnam Airlines thì về bản chất cũng giống như nhà nước giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không quản lý. Sự khác nhau chỉ là việc Vietnam Airlines vừa là hãng hàng không vừa độc quyền khai thác Nhà ga T1. 

“Chủ trương xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không của Bộ GTVT rất đúng đắn thời điểm này, đích thân Bộ trưởng cũng nói rằng: “Cái gì tư nhân làm được để tư nhân làm”. Theo đánh giá của tôi, Nhà ga T1 – Sân bay Nội Bài nên giao cho Vietjet bởi những gì hãng hàng không thể hiện thời gian qua chứng minh sự hiệu quả của hãng hàng không tư nhân”, PGS.TS Phạm Quý Thọ nhận định.

Mai Anh