Nhắn tin từ thiện mất phí: "Nhà mạng đang là người thứ 3 hưởng lợi"

15/03/2014 14:44
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo PGS.ST Trịnh Hòa Bình, việc thu phí từ thiện sẽ khiến nhiều người nghĩ rằng nhà mạng hưởng lợi ngay trên chính tiền từ thiện của họ.

Liên quan đến chương trình Chung tay ủng hộ Trường Sa và các vùng biển đảo trên cả nước, các nhà mạng như Viettel và MobiFone đã tham gia "làm cầu nối" gửi đến khách hàng cách thức tham gia chương trình thông qua dịch vụ tin nhắn. 

Tin nhắn ủng hộ Trường Sa và các vùng biển đảo trên cả nước được nhà mạng Viettel gửi đến khách hàng.
Tin nhắn ủng hộ Trường Sa và các vùng biển đảo trên cả nước được nhà mạng Viettel gửi đến khách hàng.

Tuy nhiên, sẽ không có gì đáng nói khi người dân cả nước muốn ủng hộ chương trình này của 2 nhà mạng sẽ phải chịu mức phí 300 đồng/tin nhắn. Nói cách khác, người dân khi tham gia ủng hộ sẽ phải chịu mức phí cho nhà mạng.

Tin nhắn này ngay lập tức khiến hàng nghìn khách hàng của hai nhà mạng phản ứng và chia sẻ trên các diễn đàn mạng. Cùng với đó, phản hồi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, số tiền thu phí không nhiều nhưng tại sao họ lại phải trả tiền phí cho người  đứng ra kêu gọi ủng hộ?

Độc giả Nguyễn Loan cho rằng: “Tiền từ thiện chúng tôi không tiếc nhưng phải trả cho người kêu gọi từ thiện thì chúng tôi không đành”.

Mặc dù trao đổi với PV Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, hai nhà mạng là Viettel và MobiFone giải thích rõ: Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia 1400 là hệ thống do bộ Thông tin và Truyền thông quản lý được thành lập theo quyết định số 1009/QĐ-BTTTT ngày 11/07/2008 với mục tiêu cho phép các thuê bao điện thoại cố định và di động trên toàn quốc bằng dịch vụ nhắn tin, tự nguyện đóng góp kinh phí hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và phục vụ các mục đích nhân đạo, từ thiện khác.

Giá cước tin nhắn được bộ Thông tin và Truyền thông quy định tại quyết định số 45/2008/QĐ-BTTTT ngày 13/08/2008. Theo đó, giá cước bản tin nhắn từ các thuê bao mạng viễn thông cố định và mạng thông tin di động đến Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia là 300 đồng/bản tin nhắn (bao gồm VAT 10%), không phân biệt giờ rỗi và giờ bận.

Đồng thời, giá cước bản tin nhắn từ các thuê bao mạng viễn thông cố định và mạng thông tin di động đến Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia được phân chia theo tỷ lệ 40/60. Trong đó, Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện được hưởng 40%. Doanh nghiệp viễn thông có thuê bao gửi tin nhắn đến Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia được hưởng 60%.

Nhưng cũng đứng trên cương vị là một người dùng dịch vụ, PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Khoa học & Xã hội VN) cho rằng đây là câu chuyện tế nhị. Cái tế nhị ở chỗ: Nói về luật nhà mạng không sai, tức là nói lý nhà mạng đúng nhưng nói tình nhà mạng chưa phải.

Theo PSG.ST Trịnh Hòa Bình, có thể hiểu ở đây nhà mạng thu phí dịch vụ bình thường đúng theo luật. “Tuy nhiên, cái đấy (tiền thuế, chi phí 300đồng/ tin nhắn - PV) là đánh thuế cả vào tiền từ thiện của người ta, đó là không phải nhẽ” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.

Theo quan điểm của mình, ông Trịnh Hòa Bình hoàn toàn không đồng ý với cách thu chi phí kiểu Viettel và MobiFone. Theo ông Bình, việc nhà mạng thu phí không sai nhưng chỉ dừng lại ở mức tượng trưng điển hình với mức nhỏ. Còn với chi phí hiện tại là mức sòng phẳng với người có lòng từ thiện.

“Quan điểm của tôi, tôi cũng không ủng hộ việc đó, tuy nhiên ở đây họ cũng chỉ suy nghĩ một cách hồn nhiên thôi. Một cá nhân nào đó có điều kiện đóng góp bằng tài sản vật chất nhưng người muốn từ thiện lại phải trả phí cho người kêu gọi. Nói cách khác, nhà mạng là người thứ ba hưởng lợi ngay chính trên việc từ thiện của người khác”, PSG.ST Trịnh Hòa Bình nói.

Hoàng Lực