Nhập khẩu nông sản Trung Quốc tăng vọt, hàng trong nước "lép vế"

22/11/2013 14:05
Hoàng Lực
(GDVN) - Theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, nông sản Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam được trợ giá, trợ cước, trợ thuế. Với những lợi thế đó, nông sản Trung Quốc đang “giết chết” nông sản trong nước.
Theo số liệu từ các cơ quan xuất nhập khẩu cho thấy, các loại rau củ quả như khoai tây, gừng, chanh, nho, lê, táo, tỏi… xuất xứ từ TQ tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó gần một nửa rau quả nhập từ nước ngoài vào Việt Nam là từ Trung Quốc. Quan hệ thương mại Việt Nam với Trung Quốc ngày tăng, kim ngạch 2 chiều giữa tăng mạnh năm 2004 đã đạt 7,2 tỉ USD. Vừa qua, hai bên cũng đã ký kết tới năm 2015 nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên 60 tỉ USD. Theo dự báo của Bộ Công thương, với kim ngạch nhập khẩu trên dưới 3 tỉ USD/tháng như hiện nay, chắc chắn lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam đến cuối năm 2013 sẽ vượt mốc 30 tỉ USD và nhóm hàng có kim ngạch 1 tỉ USD sẽ tiếp tục tăng.
Rau quả Trung Quốc nhập vào Việt Nam gây khó khăn cho hàng nông sản trong nước?
Rau quả Trung Quốc nhập vào Việt Nam gây khó khăn cho hàng nông sản trong nước?
Đây được xem là tín hiệu đáng mừng trong quan hệ thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, dư luận đang lo ngại việc nhập khẩu lượng rau củ quả xuất xứ từ Trung Quốc sẽ gây khó khăn cho hàng nông sản trong nước. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Kỳ - Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, khi rau củ quả Trung Quốc nhập vào trong nước trở thành nội tiêu (hàng tiêu thụ trong nước – PV) kéo theo việc hàng nông sản Việt Nam sẽ bị ế. “Đây là quy luật chung khi lượng hàng nông sản Trung Quốc vào nhiều giá thành rẻ sẽ lấn át hàng nông sản trong nước, dẫn đến nông sản trong nước khó tiêu thụ”, ông Kỳ cho biết.
Một lo lắng nữa được ông Kỳ đưa ra là chất lượng hàng rau củ quả xuất xứ Trung Quốc. Theo ông Kỳ, “mặt hàng rau củ quả Trung Quốc về mẫu mã thì đẹp hơn trong nước nhưng có an toàn không thì lại không thể biết được”. Nói về thực trạng hàng rau củ quả Việt Nam đang bị hàng Trung Quốc lấn át, thua ngay tại thị trường trong nước, theo chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Vấn đề chính là do khâu sản xuất, bao bì, nhãn mác và bao tiêu sản phẩm của nông sản Việt Nam đang kém hơn hàng rau củ quả Trung Quốc. “Hàng nông sản Việt Nam bị trà trộn nhá nhem không tiêu thụ được, tiếp đó người tiêu dùng thiếu thông tin, ham giá rẻ rau củ quả Trung Quốc... những yếu tố đó khiến hàng nông sản, rau củ quả trong nước đang gặp bất lợi, người nông dân chịu thiệt”, ông Phú cho biết. Vế khía cạnh quản lý nhà nước hiện này, ông Phú cho rằng sự lỏng lẻo quản lý của hải quan, biên phòng khu vực cửa khẩu đang tạo điều kiện cho lượng lớn rau củ quả Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam. Theo đó, có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nông sản trong nước khó cạnh tranh nông sản xuất xứ từ nước ngoài: Thứ nhất, do chúng ta mở toang cửa hội nhập mà không tính toán các yếu tố tác động ngược trở lại. “Trong khi hàng hóa ra xuất ra ngoài gặp rất nhiều rào cản, áp đặt hàng rào thuế quan nghiêm ngặt. Trong khi đó hàng nhậu vào ta thì lại buông lỏng vấn đề này”, ông Phú nói. Thứ hai, chúng ta quản lý không từ gốc mà chúng ta quản từ ngọn, có nghĩa việc kiểm soát chỉ thực hiện khâu bán lẻ mà không kiểm soát khâu nhập khẩu, không kiểm soát từ cửa khẩu. “Vấn đề nữa là việc kiểm soát chất hàng nông sản trong nội địa cũng thiếu điều kiện vật chất để kiểm nghiệm chất lượng. Thêm vào đó bản thân hàng hóa Việt Nam sản xuất đang còn kém, giá thành cao. Tôi so sánh giá một số mặt hàng cho thấy, nông sản Trung Quốc chỉ bằng 1/3 giá thành của cùng sản phẩm khi sản xuất trong nước, giá tỏi Trung Quốc bằng 25% - 30% giá thành tỏi trồng trong nước”, chuyên gia Vũ Vinh Phú nêu lên bất cập. 

Lý giải về mức giá rẻ này, ông Phú cho rằng nông sản Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam được trợ giá, trợ cước, trợ thuế... Với những lợi thế này, nông sản Trung Quốc đang “giết chết” nông sản trong nước.

Trong khi đó hàng hóa sản xuất ở Việt Nam qua nhiều khâu trung gian, phí vận chuyển khiến giá thành bị đẩy lên. “Ví dụ 1kg đường ở nhà máy chỉ có 13.000 đồng/kg nhưng qua các khâu trung gian vào siêu thị đã là hơn 20.000 đồng/kg, trong khi đường nhập lậu từ Thái Lan có 8.000 đồng/kg. So sánh đó để giải thích tại sao vấn đề nhập lậu hàng hóa, hàng nông sản lại diễn ra phổ biến hiện nay”, ông Phú cho ví dụ. 
Hoàng Lực