Nhiều gia đình trở thành con nợ, bần cùng không lối thoát

17/03/2019 06:19
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Tín dụng đen đã bần cùng hóa đời sống nhiều gia đình, đe doạ tính mạng của nhiều người.

LTS: Đã có rất nhiều câu chuyện buồn liên quan đến tín dụng đen được phản ánh trên báo chí.

Trong bài viết này, Đại tá Nguyễn Huy Viện bàn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc xử lý vấn nạn tín dụng đen.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tín dụng đen đã và đang gieo rắc thảm họa bần hàn cho một bộ phận nhân dân mà chủ yếu là dân nghèo, những người gặp hoạn nạn, những người sa cơ … từ thành phố tới nông thôn, từ đồng bằng đến thâm sơn cùng cốc; từ thanh niên, sinh viên đến người nông dân và chủ các doanh nghiệp nhỏ.

Không chỉ có vậy, hàng ngày không địa phương này thì địa phương kia, không nơi này thì nơi khác thường xuyên diễn ra hình thức đòi nợ hung tợn, không ngại dùng vũ lực, làm hoảng loạn tinh thần con nợ; diễn ra các vụ xiết nợ trắng trợn, hành hạ con nợ dã man, thậm chí giết người tàn bạo.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát hình sự, bốn năm vừa qua, cả nước xảy ra 7.624 vụ tội phạm liên quan tín dụng đen.

Gồm 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản.

Trong đó có khoảng 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến huy động vốn với lãi suất cao, với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng (vỡ nợ dây chuyền)…[1]

Những chiêu quảng cáo khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin rơi vào bẫy tín dụng đen. Ảnh minh hoạ: KT/ VOV
Những chiêu quảng cáo khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin rơi vào bẫy tín dụng đen. Ảnh minh hoạ: KT/ VOV

Tín dụng đen đã bần cùng hóa đời sống, đe dọa tính mạng của con nợ và gia đình con nợ, làm cho không biết bao nhiêu gia đình tan nát do tự tử, ly hôn, vì trốn nợ mà phải bỏ xứ, vì nợ nần mà thanh thiếu niên phải bỏ học...

Những đồng tiền thu được từ lãi suất cắt cổ rồi xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản, tín dụng đen đã và đang hủy hoại tình người và các giá trị đạo đức xã hội.

Không chỉ có vậy, tín dụng đen là cái nôi, là môi trường cho các băng nhóm xã hội đen ra đời, tồn tại và phát triển gây bất an đối với cuộc sống của cộng đồng; gây mất an ninh, an toàn xã hội; làm xấu xí hình ảnh Quốc gia trước con mắt của nhân loại.

Vấn nạn tín dụng đen càng ngày càng phá triển, hoành hành ở nước ta trong hàng chục năm qua do ba nguyên nhân.

Nhiều gia đình trở thành con nợ, bần cùng không lối thoát ảnh 2Sinh viên, hãy cẩn thận, tín dụng đen giăng bẫy khắp hang cùng ngõ hẻm!

Thứ nhất: Do bản thân con nợ hoặc gia đình nghèo túng, gặp hoạn nạn; do không ít kẻ nghiện ngập, sa vào cờ bạc, cá độ bóng đá; do những doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn, những người muốn lập nghiệp nhưng thiếu vốn …

Những đối tượng này hoặc không hình dung được lãi mẹ đẻ lãi con, với lãi suất cắt cổ của tín dụng đen; hoặc dù biết rằng, vay tín dụng đen là nguy hiểm nhưng lâm vào hoàn cảnh túng bấn đành nhắm mắt đưa chân.

Thứ hai: Do những người cho vay tín dụng đen luôn đặt giá trị của đồng tiền lên trên tình người. Họ làm giàu trên cơ sở đưa người khác lâm vào cuộc sống cơ cực, bần hàn.

Thứ ba: Do vai trò quản lý xã hội của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bài viết này tập trung phân tích nguyên nhân thứ ba.

Khách quan mà nói, ở thời nào cũng có và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có vấn nạn tín dụng đen, vấn đề là cách xử lý ra sao mà thôi.

Quốc gia nào cũng có hệ thống pháp luật chặt chẽ, nghiêm minh; có nền quản trị quốc gia khoa học; có các chính sách an sinh tiến bộ; chú trọng xây dựng nền tảng giá trị đạo đức xã hội thì quốc gia đó hạn chế tối đa vấn nạn tín dụng đen.

Ở Việt Nam, tín dụng đen xuất hiện cách đây vài chục năm năm, trở thành một vấn nạn nhức nhối, để lại những hệ lụy nặng nề cho người dân, cho xã hội.

Xét dưới góc độ trách nhiệm của bộ máy nhà nước trong ngăn chặn, xử lý vấn nạn tín dụng đen bộc lộ những hạn chế dưới đây.

1. Hệ thống pháp luật thiếu chặt chẽ, chậm điều chỉnh là điều kiện cho các cá nhân, tổ chức hành nghề tín dụng đen lách luật để trục lợi.

Mặc dù tín dụng đen xuất hiện cách đây khoảng 30 năm, trở thành vấn nạn nhức nhối trong xã hội, nhưng các điều khoản của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự và các văn bản dưới luật vẫn còn nhiều lỗ hổng để các cá nhân, tổ chức trục lợi.

Nhiều gia đình trở thành con nợ, bần cùng không lối thoát ảnh 3Nhiều người dân điêu đứng vì đường dây “tín dụng đen”

Cụ thể là Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, Điều 11 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ; Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) còn nhiều kẻ hở, làm cho các cơ quan chức năng gặp khó khăn, lúng túng trong xử lý các cá nhân, tổ chức hoạt động tín dụng đen vi phạm pháp luật.

Điều đáng bàn, là lỗ hỗng của các văn bản pháp luật trên đây chưa được sửa đổi, điều chỉnh kịp thời để ngăn chặn tín dụng đen phát tác tiêu cực.

2. Các cơ quan tư pháp chưa phát huy đầy đủ vai trò, chức năng trong đấu tranh phòng chống vấn nạn tín dụng đen.

Cứ cho các tổ chức, cá nhân hành nghề tín dụng đen hoạt động tinh vi, tìm cách lách luật, nhưng công khai và khá phổ biến trên phạm vi cả nước, quảng cáo rầm rộ bằng áp phích, tờ rơi, trên các mạng xã hội...

Hình thức đòi nợ hung tợn, xiết nợ trắng trợn, hành hạ con nợ dã man, thậm chí giết người tàn bạo thì không thể biện minh, rằng xử lý các đối tượng hoạt động tín dụng đen khó khăn do chúng hoạt động tinh vi.

“Quy định xử lý về cho vay nặng lãi đã có, người dân cũng phản ảnh, tố cáo, kêu cứu nhiều nhưng chính quyền và công an thiếu những biện pháp răn đe, ngăn chặn. Thậm chí có nơi tín dụng đen đặt "bản doanh" gần trụ sở công an, Uỷ ban nhân dân phường” [2]

Bởi vậy, dư luận không thể không hoài nghi về sự bất thường khi những cá nhân, tổ chức hoạt động tín dụng đen và các băng nhóm đòi nợ thuê công khai, ngang nhiên vi phạm pháp luật một cách trắng trợn.

3. Các tổ chức chính trị, xã hội chưa thật sự vào cuộc trong việc phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động tín dụng đen.

Từ cấp thôn xóm, làng bản, tổ dân phố trở lên có cả một hệ thống các tổ chức chính trị, nhưng hầu như đều đứng ngoài cuộc trong việc ngăn chặn, đấu tranh phòng chống tín dụng đen, hầu hết chỉ đến khi xảy ra hậu quả, có tố cáo thì lực lượng công an mới vào cuộc điều tra xử lý.

Thử hỏi những người lãnh đạo các tổ chức chính trị, xã hội (đều hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước - do dân đóng thuế) để cho tín dụng đen và các băng nhóm xã hội đen hoành hành như vậy thì họ đã hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình chưa?

 4. Những người lao động có thu nhập thấp, dân nghèo, doanh nghiệp nhỏ không dễ tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.

Nhiều gia đình trở thành con nợ, bần cùng không lối thoát ảnh 4Chống tín dụng đen, nhưng không thể khống chế trần lãi suất cho ngân hàng

Ở tất cả các địa phương đều có mạng lưới của các ngân hàng và các tổ chức tín dụng phục vụ nhu cầu vay vốn của người dân.

Tuy nhiên, những người lao động có thu nhập thấp, dân nghèo đều rất khó tiếp cận nguồn vốn này, bởi họ không có tài sản thế chấp, không có phương án kinh doanh và không chứng minh được thu nhập ổn định hàng tháng.

Mặt khác, thủ tục cho vay tiền lại rườm rà, phức tạp và phải chờ đợi lâu nên nảy sinh tâm lý e ngại.

Trong khi các đối tượng cho vay nặng lãi đánh trúng tâm lý của người vay: Không cần biết mục đích vay làm gì; lại nhanh, gọn, thủ tục đơn giản, thậm chí không cần hộ khẩu, chứng minh thư.

Cho nên dân nghèo, những người túng bấn, gặp hoạn nạn và kể cả các chủ doanh nghiệp nhỏ vẫn dấn thân vào cạm bẫy của tín dụng đen.

Bốn vấn đề trên đây là những nguyên nhân cơ bản làm cho tín dụng đen càng ngày càng phát triển ở Việt Nam, đến nay trở thành một vấn nạn xã hội phức tạp, với rất nhiều hệ lụy nhức nhối.

Nếu như quốc nạn tham nhũng và tệ nạn “mua quan bán chức” là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp tạo ra bất công, bất bình trong xã hội thì vấn nạn tín dụng đen đẩy một bộ phận cư dân đến sự khốn khổ trong đời sống.

Bởi vậy, để mục tiêu: “xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, dân giàu nước mạnh”; và chủ trương: “không để ai bị tụt lại phía sau” trở thành hiện thực thì không có cách nào khác là phải cải cách thể chế mạnh mẽ, làm cơ sở để cải cách cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Có như vậy mới có thể chống được quốc nạn tham nhũng và tệ nạn “mua quan bán chức”; mới khắc phục được vấn nạn tín dụng đen cùng và các tệ nạn xã hội khác.

Tài liệu tham khảo:

[1].http://www.nhandan.com.vn/bandoc/item/38250002-tin-dung-den-nhung-he-luy-khon-luong.html

[2].https://tuoitre.vn/56-vu-giet-nguoi-trong-4-nam-vi-tin-dung-den-20190309204013164.htm             

NGUYỄN HUY VIỆN