Nhiều quy định ảnh hưởng trực tiếp tới NTD có hiệu lực

01/09/2011 10:32
Theo Vnmedia
Kể từ hôm nay (1/9) hàng loạt quyết định quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng sẽ chính thức có hiệu lực.

Kể từ hôm nay (1/9) hàng loạt quyết định quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng như tăng khung lệ phí trước bạ, điều chỉnh  giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản… sẽ chính thức có hiệu lực.

Điều chỉnh  giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản

Theo Thông tư số 31/2011/TT-BCT hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản, vừa được Bộ Công Thương ban hành.

Kể từ 1/9, giá bán  điện sẽ được tính toán kiểm tra hàng tháng trên cơ sở biến động của các thông số đầu vào cơ bản so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành.

Trước ngày 20 hàng tháng, căn cứ trên các thông số đầu vào cơ bản thực tế được xác định theo quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiểm tra, tính toán chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản. Nếu mức chênh lệch này bằng hoặc lớn hơn 5% so với giá điện bình quân hiện hành thì giá bán điện bình quân được điều chỉnh ở mức: 5% hoặc tăng trên 5%.

Đối với trường hợp chênh lệch giá bán điện bình quân do biến động các thông số đầu vào cơ bản nhỏ hơn 5% so với giá bán điện hiện hành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ tính toán phân bổ vào giá bán điện bình quân chi phí sản xuất kinh doanh điện chưa được tính hết vào giá bán điện để điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng tối đa 5% và thực hiện điều chỉnh giá bán điện theo quy định.

Mang hơn 5.000 USD qua cửa khẩu phải khai báo

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 15/2011/TT-NHNN về việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt của các cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.

Thông tư này quy định, các mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt cá nhân phải khai báo Hải quan cửa khẩu là trên 5 nghìn USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và trên 15 triệu đồng.

Trong trường hợp cá nhân nhập cảnh mang ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5 nghìn USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu cần gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại Tổ chức tín dung, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/9/2011.

Bỏ quy định tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư 19/2010/TT-NHNN quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Theo đó, kể từ ngày 1/9/2011, Thông tư số 22 huỷ bỏ tỷ lệ cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động như quy định tại Thông tư 13 và Thông tư 19.

Đồng thời quy định, việc cấp tín dụng từ nguồn vốn huy động không được vượt quá tỷ lệ 80% đối với ngân hàng và 85% đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 1925/QĐ-NHNN về điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng.

Theo Quyết định, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng đối với các NHTM Nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), NHTM cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 8% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc.

Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương, ngân hàng hợp tác là 7% trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc,

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ 1/9/2011.

Tăng trần lệ phí trước bạ ô tô

Theo Nghị định số 45/2011/NĐ-CP về lệ phí trước bạ, vừa được văn phòng Chính phủ ban hành, kể từ ngày 1/9, tất cả các ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) sẽ phải chịu phí trước bạ theo mức từ 10-20%, thay cho mức 10-15% hiện tại.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định mức thu phí đối với mặt hàng xe máy. Cụ thể, xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã nơi Ủy ban nhân dân tỉnh đóng trụ sở nộp phí trước bạ lần đầu với mức là 5%.

Đối với xe máy nộp lệ phí trước bạ lần thứ 2 trở đi được áp dụng mức thu là 1%. Trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy thấp hơn 5%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn như trên thì nộp lệ phí trước bạ theo mức là 5%.

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải

Theo Nghị định 48/2011/NĐ-CP quy định xử phạt nặng đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, vừa được Chính phủ ban hành, sẽ xử phạt nặng đối với các hình thức vi phạm quy định về xây dựng và khai thác cảng biển; hoạt động tàu thuyền; vi phạm đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền và bố trí thuyền viên, sử dụng chứng chỉ chuyên môn, vi phạm về tìm kiếm cứu nạn hàng hải; trục vớt tài sản chìm đắm tại cảng biển… không đúng theo quy định.

Nghị định nêu rõ, sẽ phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi chở khách vượt trên 30 người so với số lượng cho phép của tàu thuyền có tổng dung tích trên 3.000 GT.

Cùng với đó, các lỗi chở khách quá số người quy định của tàu thuyền có tổng dung tích dưới 500 GT; từ 500 GT - 3.000 GT cũng bị đưa vào xử phạt hành chính.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy, đối với hành vi chở hàng vượt dưới 5% so với trọng tải cho phép thì sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành vi chở hàng vượt từ 5 đến dưới 10% trọng tải cho phép. Nếu tàu thuyền chở hàng vượt từ 10% trở lên so với trọng tải cho phép thì bị phạt từ 40 - 80 triệu đồng.

Theo Vnmedia