Nhiều sếp lớn rời "ghế nóng", ngân hàng có đổi vận?

03/05/2014 13:06
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Làn sóng “thay máu” lãnh đạo cấp cao của NHTM đang diễn ra sôi động hơn bao giờ hết. Động thái này có đem lại diện mạo mới cho các nhà băng của Việt Nam?

Ngày 28/4, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức Đại họi (ĐH) cổ đông thường niên năm 2014. Tại ĐH, ông Phạm Hữu Phú - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng Sacombank - được bầu làm Tổng giám đốc Eximbank, thay cho ông Nguyễn Quốc Hương vừa có đơn từ nhiệm.

Như vậy chỉ trong vòng 7 tháng gần đây, Eximbank đã có 3 lần thay tổng giám đốc, cho đến khi ông Phú trở lại giữ vị trí này. Trước đó, ông Trương Văn Phước đã từ nhiệm chức Tổng giám đốc  để nhận nhiệm vụ mới do Thủ tướng giao ở Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Sau khi ông Phước ra đi, ông Nguyễn Quốc Hương được bổ nhiệm giữ Quyền Tổng giám đốc và chính thức làm Tổng giám đốc từ tháng 12/2013. Nhưng chỉ sau tròn 4 tháng nắm giữ vị trí này, ghế CEO lại đón nhận chủ nhân mới.

Tuy nhiên, còn có một nhân vật đáng quan tâm không kém ở Eximbank, đó là việc ông Lê Hùng Dũng tiếp tục tái đắc cử vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank.

Chủ tịch HĐQT Eximbank tái đắc cử khi chưa từ nhiệm

Tại Đại hội cổ đông Eximbank, một số cổ đông thắc mắc tại sao ông Lê Hùng Dũng được bầu và đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank từ tháng 4/2010, nhiệm kỳ chưa hết và chưa từ nhiệm hay miễn nhiệm sao phải bầu lại?

Được biết, ông Lê Hùng Dũng hiện là Chủ tịch HĐQT Eximbank. Ông Dũng là đại diện phần vốn của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC. Tuy nhiên, ông Dũng (sinh năm 1954) năm nay đến tuổi nghỉ hưu. Trước đó, SJC đã có văn bản gửi Eximbank công bố ông Dũng không còn là đại diện của SJC và do đó mất quyền thành viên HĐQT. Đây là lý do ông Dũng có tên trong danh sách đề cử lại lần này.

Ông Lê Hùng Dũng tái đắc cử khi chưa từ nhiệm
Ông Lê Hùng Dũng tái đắc cử khi chưa từ nhiệm

Ông Lê Hùng Dũng do nhóm cổ đông gồm 3 cổ đông thể nhân và 1 pháp nhân sở hữu hơn 128,68 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 10,467% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đề cử.

Xoay quanh vấn đề nay, cũng có ý kiến cho rằng ông Dũng đã đến tuổi nghỉ hưu nên để vị trí quản trị cao nhất tại Eximbank cho người khác đảm nhiệm.

Ngoài ra, việc Chủ tịch Lê Hùng Dũng mới kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thời gian gần đây khiến nhiều người lo lắng về việc quản lý, điều hành chuyên sâu cho lĩnh vực ngân hàng.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến cổ đông băn khoăn là việc tài trợ của Eximbank cho giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam hằng năm là quá lớn trong tình hình kinh doanh của ngân hàng còn gặp khá nhiều khó khăn…

Vietinbank có sếp trẻ làm Chủ tịch HĐQT

Trước thềm Đại hội cổ đông Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vài ngày, Ngân hàng Nhà nước thông báo việc ông Phạm Huy Hùng -  Chủ tịch HĐQT thôi đại diện vốn cho cơ quan này tại Vietinbank. Trước đó, ông Hùng là cá nhân được ủy quyền 40% vốn Nhà nước ở ngân hàng này. Đây được dự báo là động thái của Ngân hàng Nhà nước nhằm chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn tại Vietinbank.  

Đại hội cổ đông Vietinbank diễn ra sáng 29/4 tại Hà Nội. Đúng như dự đoán trước đó, ông Phạm Huy Hùng - Chủ tịch HĐQT không có tên trong danh sách ứng cử vào ban quản trị ngân hàng nhiệm kỳ mới. Ông cũng thôi chức Chủ tịch HĐQT về nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 29/4.

Ông Nguyễn Văn Thắng - hiện là Tổng giám đốc VietinBank - được bầu làm tân Chủ tịch HĐQT, trong khi ông Lê Đức Thọ - hiện là Chánh văn phòng Ngân hàng Nhà nước và từng là Phó tổng giám đốc VietinBank - sẽ thay ông Thắng làm Tổng giám đốc.

Nói lời chia tay với các cổ đông, ông Phạm Huy Hùng liên tục cảm ơn Đảng, Nhà nước, Vietinbank cũng như các cổ đông, khách hàng đã giúp ông trưởng thành. Bài phát biểu từ nhiệm của ông Phạm Huy Hùng liên tục bị gián đoạn bởi vị cựu lãnh đạo này quá xúc động, nghẹn ngào.

Ông Phạm Huy Hùng sinh năm 1954, tại Hà Nội, là Tiến sĩ Kinh tế - Đại học Tài chính Kế toán, gia nhập Vietinbank từ năm 1990 và được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT từ tháng 6/2009. Ông cũng là vị lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất tại Vietinbank trong nhiều năm qua.

Ông Phạm Huy Hùng chính thức rời Vietinbank
Ông Phạm Huy Hùng chính thức rời Vietinbank

Dưới thời ông Hùng, với những cống hiến của vị lãnh đạo cao nhất Vietinbank không thể phủ nhận rằng ngân hàng này đã có sự bứt phá ấn tượng và tăng trưởng mạnh về quy mô, lợi nhuận so với tất cả các ngân hàng thương mại khác.

Tổng tài sản của VietinBank đến cuối 2013 đã đạt tới hơn 576.000 tỷ đồng, dẫn đầu các tổ chức tín dụng Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế cộng dồn giai đoạn 2009-2013 đạt 32.322 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với giai đoạn 2004-2008. Tổng số nộp ngân sách nhà nước ước đạt 10.465 tỷ đồng, gấp 7,6 lần so với giai đoạn 2004-2008.

Trong khi đó, tân Chủ tịch Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1973) đã công tác tại VietinBank từ năm 1996 tới nay, qua các vị trí từ cán bộ kinh doanh đối ngoại, thư ký Tổng giám đốc, Phó trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp lớn, Giám đốc chi nhánh Hà Nội. Ông được bầu làm Tổng giám đốc từ tháng 12/2011.

Việc Vietinbank có tân Chủ tịch HĐQT còn khá trẻ kỳ vọng vào một sự vươn lên mạnh mẽ hơn và có thể khắc phục những khó khăn, tồn tại của nhiệm kỳ trước. Đặc biệt là khi, nguyên Chủ tịch Phạm Huy Hùng đã hứa, sẽ "liên tục đồng hành, tiếp tục chia sẻ kiến thức kinh nghiệm cùng ban lãnh đạo để xây dựng phát triển hệ thống VietinBank".

Thử thách mới cho nguyên Thống đốc tại DongA Bank

Tại ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank), ông Phạm Văn Bự cũng đã rời khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT vì đến tuổi nghỉ hưu, đồng thời, ông Bự cũng sẽ không còn là đại diện phần vốn góp tại Thành ủy TP.HCM trong DongA Bank. Trước đó, ông Đặng Phước Dừa, thành viên HĐQT DongA Bank, đại diện cho phần vốn góp của Công ty Xuất nhập khẩu vật tư kỹ thuật Rexco tại ngân hàng này cũng đã thôi nhiệm.
Thành viên HĐQT DongA Bank nhiệm kỳ VII (2010-2015) có sự thay đổi nhân sự lớn. Thành viên HĐQT Cao Sỹ Kiêm sẽ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á nhiệm kỳ VII (2010-2015) thay ông Phạm Văn Bự. Hai thành viên HĐQT mới trúng cử tại đại hội lần này là ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Tổng Giám đốc thường trực DongA Bank.

Tại DongA Bank, năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng vẫn ở mức 3,99%, đòi hỏi DongA Bank trích dự phòng rủi ro tín dụng hơn 558 tỷ đồng, khiến lợi nhuận trước thuế năm qua chỉ còn hơn 430 tỷ đồng, giảm 44% so với năm 2012 và bằng 43% kế hoạch năm. Năm 2014, nhà băng này trình kế hoạch lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng; mục tiêu đạt tổng tài sản 89.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2013. Tổng nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 78.475 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay 62.000 tỷ đồng.

Thử thách mới cho nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm

Thử thách mới cho nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm

Trước những khó khăn đó, chắc chắn "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT DongA Bank sẽ không êm ả với ông Cao Sỹ Kiêm.

Sau khi ngồi "ghế nóng", trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch HĐQT DongA Bank, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết DongA Bank sẽ đều chỉnh chiến lược kinh doanh trong thời gian tới, tập chung vào 3 vấn đề lớn.

Thứ nhất là điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh và tập chung đối tượng cho khách hàng nông thôn khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong phát triển khách hàng nông nghiệp nông thôn chủ yếu chiến lược mới với khách hàng mở rộng với đối tượng khách hàng đăng dịch vụ tiện ích.

Thứ hai tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao công nghệ hoạt động kể cả thông tin, tin học số liệu hạch toán.

Thứ ba đẩy nhanh tốc độ, tiến độ về đào tạo nhân lực đặc biệt về nghiệp vụ cho nhân viên DongA Bank.

Việc những lãnh đạo cao nhất của các ngân hàng lần lượt “ra đi”, thay vào đó là sự thăng chức hoặc “tái ngộ” với các vị sếp mới được nhận định là những thách thức không nhỏ đối với các ngân hàng. Xử lý nợ xấu của các ngân hàng sau khi sáp nhập rõ ràng vẫn là bài toán khó khăn, trở ngại không dễ vượt qua đối với người lãnh đạo mới. Tuy nhiên, với bất cứ sự thay đổi nào, các ngân hàng đều đặt niềm tin vào một sự "đổi vận", phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Tại Vietcombank, ông Nguyễn Hòa Bình (sinh ngày 19/10/1954), giữ cương vị Chủ tịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam từ năm 2004, nếu không có gì thay đổi cũng sắp đến tuổi nghỉ hưu vào quý 3 năm nay. Ông Bình làm việc tại Vietcombank từ năm 1982.

Cuối tháng 3 vừa qua, tại ĐHCĐ Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), đại hội cũng thống nhất thông qua việc từ nhiệm của Chủ tịch HĐQT là bà Nguyễn Thị Xuân Loan; Phó Chủ tịch Huỳnh Thanh Chung và ông thành viên HĐQT Trần Anh Tuấn. Ông Nguyễn Quốc Toàn và ông Trần Ngô Phúc Vũ được bầu vào thay thế, trong đó ông Toàn giữ chức Chủ tịch HĐQT.

 
NHẤT NGÔN