Những cảnh báo hiểm họa tiêu dùng nổi bật tuần qua

25/11/2013 07:15
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Tuần qua, hàng loạt thông tin về sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm kém chất lượng, gây bệnh... tiếp tục là những hồi chuông cảnh báo đến người tiêu dùng.
Hiểm họa từ đồ đựng thực phẩm

Báo Hải quan ngày 20/11 cho biết, tại các quán ăn, hộp xốp, hộp nhựa, thìa nhựa… chuyên được sử dụng cho khách hàng mua về. Từng bát cơm nóng, từng thìa thức ăn còn bốc khói nghi ngút được chủ cửa hàng nhét đầy vào hộp. Đặc biệt là tại những quán cháo dinh dưỡng, nơi thực khách phần lớn là trẻ nhỏ, những nồi cháo vừa sôi sùng sục trên bếp đã được nhân viên nhanh tay trút ngay vào hộp nhựa đưa cho khách hàng.

Điều đáng nghi ngại ở đây là chất lượng của những đồ nhựa, đồ xốp được các quán hàng sử dụng có đảm bảo an toàn. Các loại hộp nhựa, hộp xốp hay thìa dĩa đang được sử dụng tràn lan trên thị trường được sản xuất từ hạt nhựa dẻo, nhiều cơ sở còn sử dụng nhựa tái chế, nhựa phế thải pha thêm nhiều phụ gia không rõ nguồn gốc. Những loại nhựa kém chất lượng này khi dùng sẽ sản sinh ra độc tố BPA, gây nên các bệnh nguy hiểm như ngộ độc, tiểu đường, vô sinh và nặng nhất là ung thư.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Do đó, những loại hộp xốp, hộp nhựa, thìa nhựa nên dùng với nhiệt độ dưới 70ºC, chỉ dùng một lần và đặc biệt, không được cho vào lò vi sóng. Người dùng cũng lưu ý không sử dụng hộp xốp để đựng các loại thực phẩm nóng, nhiều dầu mỡ và nhiều độ chua. Những cách này sẽ làm hạn chế được các chất độc hại thôi nhiễm ra thực phẩm.

Ăn bắp rang bơ có thể mất trí nhớ

Tờ VnMedia ngày 23/11 đưa tin, gần đây, rất nhiều người tự chế biến bắp rang để bán, mặc dù được cho vào chỉ một ít bơ nhưng thành phẩm bắp sau khi rang lại có mùi thơm vô cùng đặc trưng và hấp dẫn. Nhiều người đang nghi ngại đây không phải là mùi thơm thật từ bơ. Vậy bản chất của mùi thơm này là gì và nó có thể gây ảnh hưởng thế nào đối với sức khỏe của người dùng?

Theo các chuyên gia, để có mùi thơm đặc trưng của bắp rang bơ người bán đã cho thêm chất diacetyl. Đây là chất lỏng dễ bay hơi, khi hóa hơi thì cho mùi thơm nồng nàn hơn cả bơ thật. Chính đặc tính này chất diacetyl trở thành mối họa của con người bởi gây ra các căn bệnh hô hấp có triệu chứng giống bệnh viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn. Cũng theo các chuyên gia những bằng chứng gây ra bệnh của chất diacetyl là có cơ sở.
 
Theo các chuyên gia, để có mùi thơm đặc trưng của bắp rang bơ người bán đã cho thêm chất diacetyl. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, để có mùi thơm đặc trưng của bắp rang bơ người bán đã cho thêm chất diacetyl. (Ảnh minh họa) 

Theo Ts. Bs. Nguyễn Hồng Minh, Phó trưởng khoa Ung bướu - Huyết học - Độc hại, Bệnh viện 175 (TP.HCM), chất này lúc đầu được phép sử dụng nhiều nước nhưng từ cách đây khoảng 10 năm người ta bắt đầu nhận thấy chất này nếu sử dụng sẽ không tốt cho sức khỏe. 

Người ta đã phát hiện nhiều công nhân sau nhiều năm làm nghề sản xuất bắp rang bơ và có tiếp xúc với hóa chất diacety bắt đầu có bệnh phổi, biểu hiện ho, khạc đờm, sốt, khó thở. Những bệnh này ở các công nhân tiến triển dần dần. Chính vì vậy đã có những bản án được tuyên cho các công ty sản xuất hóa chất  diacety là phải đền bù cho người lao động vì chất này gây nên bệnh xơ hóa phổi tiến triển và không hồi phục được.
 
Ngoài khả năng gây bệnh về đường hô hấp, chất diacety có trong bắp rang bơ còn có thể là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh mất trí nhớ (Azheimer). 

Nguy cơ nhiễm độc từ bát đĩa nhựa kém chất lượng


Theo tờ Chất lượng Việt Nam, nhóm nhà nghiên cứu sau khi tiến hành phân tích mẫu nước tiểu của những người thường xuyên ăn món mì nóng bằng bát đĩa làm từ melamine, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một lượng melamine đáng lưu ý.

Melamine là một loại hóa chất hữu cơ được dùng rộng rãi trong sản xuất đồ nhựa, đồ chơi trẻ em, đồ dùng gia đình. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, nhóm người chuyên ăn sáng bằng bát đĩa làm từ melamine có nồng độ nhiễm melamine cao gấp 8 lần đối với nhóm người dùng đồ sứ.

Theo GS. Chu Phạm Ngọc Sơn (PCT Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP HCM), những loại bát đĩa này chủ yếu được làm bằng nhựa melamine-formaldehyt. Vì thế, không nên dùng để chứa các thức ăn quá nóng. Đặc biệt là không nên dùng để muối dưa hoặc cho vào lò vi sóng vì có thể làm thôi hai chất độc melamine và formaldehyt vào thức ăn gây nguy hiểm cho người sử dụng.


Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn phân tích, phần lớn các chất màu dùng cho nhựa melamine có kim loại nặng, chủ yếu là chì, dễ tạo các muối khó tan gây độc hại cho người và súc vật. Nếu đựng lâu thức ăn, nhất là đồ chua như dưa muối, trong bát đĩa phíp nhiều màu sắc, các độc chất trong đồ nhựa sẽ bị tách ra và ngấm vào thức ăn. Khi xâm nhập cơ thể người, nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ tiêu hoá và hệ thần kinh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo, bát đĩa nhựa không chỉ có những chất độc tạo màu, mà nguy cơ gây bệnh còn xuất phát từ việc các chủ cơ sở dùng những loại nhựa tái chế để sản xuất. Điều này là đặc biệt nguy hiểm.

Nguy cơ độc hại từ gừng có xuất xứ Trung Quốc

Tờ Lao động ngày 22/11 cho biết, các chợ Nghĩa Tân, Bưởi, Dịch Vọng (HN)... đâu đâu cũng thấy các sạp bày gừng của Trung Quốc. Điều đáng lo là gừng Trung Quốc chứa chất độc hại rất cao vì các thùng hàng đựng gừng chủ yếu xuất xứ từ tỉnh Sơn Đông - nơi phát hiện gừng sử dụng thuốc trừ sâu (aldicarb) vượt mức cho phép 3-6 lần.

Mỗi ngày, tại chợ đầu mối Long Biên có hàng chục tấn gừng từ Trung Quốc đổ về đây rồi các tiểu thương đến lấy đi các chợ tiêu thụ. Hiện giá gừng Trung Quốc khoảng 20.000 đồng/kg, đắt hơn gừng VN, nhưng người dân vẫn thích mua.


Trước đó, một mẫu gừng lấy ở chợ Bình Điền (TP.HCM) trên tổng số 50 mẫu gừng được kiểm tra có dư lượng Aldicarb là 0,06ppm- cao hơn so với mức quy định của Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) (0.02ppm) và gấp 1,2 lần so với mức cho phép của EU và Nhật bản (0.05ppm). Đây là kết quả kiểm tra 50 mẫu gừng từ Trung Quốc do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) công bố.

Các nhà khoa học cho hay, aldicarb là một trong những hoạt chất thuốc trừ sâu độc hại nhất trong các loại hoạt chất diệt côn trùng. Aldicard tồn tại rất lâu trong môi trường đất, nước. Tiếp xúc với con người qua đường nước uống và lương thực, thực phẩm, aldicarb hấp thụ tốt qua đường ruột, da và khí quản.

Cơ thể người bị phơi nhiễm aldicarb ở mức độ cao có thể gây co thắt phế quản, chảy nước miếng, teo đồng tử, co thắt ruột, tiêu chảy, buồn nôn và tim đập chậm.

Tiểu đường, tim mạch vì hoa quả sấy '3 không'

Tờ Người đưa tin ngày 19/11 cho biết, phố Hàng Buồm, Hàng Đường, Hàng Giầy (Hoàn Kiếm)… được coi trung tâm chuyên bán hoa quả đã chế biến, bánh kẹo, đường sữa của Hà Nội, tại đây la liệt các sản phẩm trái cây sấy khô có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng được “núp” dưới bóng hàng sản xuất tại Thái, Mỹ hoặc hàng Việt Nam.

Hầu hết các sản phẩm mứt, hoa quả sấy khô như mơ, hạt sen, dâu, táo… bày bán tại đây chỉ được đóng gói trong túi nilong mà không hề có nhãn mác. Tại đây, các loại hoa quả khô được bán với giá dao động từ 60.000 đồng/kg  đến 150.000 đồng/kg

Hoa quả sấy không nguồn gốc chứa nhiều chất phụ gia, gây nhiều loại bệnh nguy hiểm cho người sử dụng.
Hoa quả sấy không nguồn gốc chứa nhiều chất phụ gia, gây nhiều loại bệnh nguy hiểm cho người sử dụng.

Theo các chuyên gia hóa học, để bảo quản trái cây khỏi hư hỏng và biến màu, một số cơ sở sản xuất đã sử dụng đến sulfur dioxide. Là thành phần chính của khí than đá bị đốt cháy trong các nhà máy nhiệt điện, hóa chất này thực sự gây hại cho môi trường và cơ thể con người. Khi đi vào cơ thể, sulfur dioxide có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, mẩn ngứa hay suyễn... Đây không phải là loại hóa chất duy nhất được sử dụng. Các cuộc điều tra gần đây đã phát hiện ra acrymalide, một chất hóa học thần kinh độc hại, trong một số loại trái cây sấy.

Phó Giáo sư Trịnh Lê Hùng – chuyên gia hóa học (khoa hóa học, ĐHKHTN ,ĐHQGHN) cho biết, các chất tạo ngọt saccharin, sodium cyclamate; chất tạo màu carmine, amaranth; chất tẩy trắng và bảo quản sulfur dioxide được phát hiện trong hoa quả khô đều gây tác hại rất xấu cho sức khỏe người sử dụng nếu chúng được sử dụng quá liều lượng cho phép. Nếu sử dụng quá nhiều có thể gây ung thư…
Hồng Anh (Tổng hợp)