Những đại dự án Metro đội vốn nghìn tỷ, tốc độ thi công như "rùa bò"

07/10/2017 07:11
Vũ Phương
(GDVN) - Dự án đội vốn cả ngàn tỷ đồng, chưa thể ấn định được thời gian hoàn thành đang khiến bức tranh đường sắt đô thị trên cao ngày càng xa vời.

Bốn đại dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng lâm vào cảnh chậm tiến độ và đội vốn hàng nghìn tỷ đồng, nhưng cho đến nay chưa thấy cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm về việc này.

Mỗi ngày cõng 1,2 tỷ đồng tiền lãi

Điển hình nhất là dự án đường sát đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) vừa qua đã khiến dư luận hụt hẫng khi thông báo trước đó của Bộ Giao thông vận tải đầu tháng 10/2017 sẽ đóng điện để vận hành thử trên toàn hệ thống, nhưng kế hoạch đã không thể thực hiện.

Dự án đường sát Cát Linh - Hà Đông đã được nhà thầu vận chuyển 12 toa tàu về tới Hà Nội và đang được lắp đặt trên đường ray. Ảnh: Tiến Tuấn.

Dự án đường sát Cát Linh - Hà Đông đã được nhà thầu vận chuyển 12 toa tàu về tới Hà Nội và đang được lắp đặt trên đường ray. Ảnh: Tiến Tuấn.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, một trong hai tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở Hà Nội, sẽ được vận hành thử nghiệm vào tháng 10, khai thác thương mại vào đầu năm 2018. Công trình đã hoàn thiện được khoảng 95% thì phải dừng vì thiếu vốn.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều hạng mục tại dự án này đang thi công dang dở, công trường tại nhiều nhà ga như La Khê, Láng, Cát Linh… thi thoảng thấy bóng dáng công nhân thi công.

Nhiều nhà ga khác về cơ bản đã thi công xong phần xây dựng, nhưng phần đường ray, nền đường, hàng rào, đường nội bộ, kéo dây… vẫn đang trong quá trình thi công.

Nguyên nhân sâu xa khiến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chậm trễ là do chưa giải ngân được 250 triệu đô la Mỹ vốn vay bổ sung được ký kết vào tháng 5/2017 bị chậm.

Những đại dự án Metro đội vốn nghìn tỷ, tốc độ thi công như "rùa bò" ảnh 2

"40 tỷ USD làm đường sắt đô thị Hà Nội vẫn có thể đội giá"

Được biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được phê duyệt vào năm 2008 có tổng mức đầu tư 552,86 triệu đô la Mỹ (tương đương 8.769 tỷ đồng).

Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu đô la Mỹ (gồm 169 triệu đô la Mỹ vay ưu đãi, lãi suất 3% và 250,62 triệu đô la Mỹ vay ưu đãi bên mua 4%); vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu đô la Mỹ.

Năm 2016, tổng mức đầu tư tăng vốn lên 868,04 triệu đô la Mỹ (tăng 315,18 triệu đô la Mỹ), trong đó phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu đô la Mỹ (tăng 250,62 triệu đô la Mỹ); vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu đô la Mỹ (tăng 64,56 triệu đô la Mỹ).

Tính theo tỷ giá hiện tại, số vốn 669,62 triệu đô la Mỹ (tương đương 14.718 tỷ đồng) vay từ Trung Quốc chỉ tính lãi vay thấp nhất (3%/năm), mỗi ngày dự án phải trả lãi ít nhất 1,2 tỷ đồng.

Số tiền lãi khủng này chưa tính vốn góp 198 triệu đô la Mỹ từ ngân sách để thực hiện dự án.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đội giá gấp đôi

Không khá khẩm hơn dự án Cát Linh – Hà Đông, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội cũng rơi vào tình trạng bị đội vốn gấp đôi so với mức tính toán đầu tư ban đầu và đến nay tiếp tục bị chậm thi công vì đói vốn.

Dự án đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội thi công rất chậm chạp và đến nay mới thi công hoàn thành trên 30%. Ảnh: Thanh Ngà.
Dự án đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội thi công rất chậm chạp và đến nay mới thi công hoàn thành trên 30%. Ảnh: Thanh Ngà. 

Theo đó, dự án được khởi động từ năm 2006, nhưng mãi đến tháng 9/2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2017. Dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của Pháp có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt 18.408 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua nhiều lần điều chỉnh đến nay tổng mức đầu tư đội lên thành 36.000 tỷ đồng và chưa ấn định được thời gian hoàn thiện dự án.

Với chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm, tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.

Thời gian hoàn thành có thể phải lùi đến sau năm 2021, nhưng nhiều người lo ngại với tiến độ “rùa bò” thì khó có thể về đích đúng tiến độ bởi đến nay dự án mới hoàn thành trên 30% các hạng mục.

Nhà thầu dọa khởi kiện chủ đầu tư vì thiếu vốn

Không chỉ Hà Nội, một số đại dự án xây dựng đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng vỡ kế hoạch vốn, thậm chí có dự án trước nguy cơ ngừng thi công nếu không được cấp vốn.

Kịch bản xấu nhất các nhà thầu đưa ra có thể khởi kiện chủ đầu tư ra tòa.

Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên đang trong tình trạng nhà thầu ngừng thi dọa ngừng thi công và kiện ra tòa. Ảnh: Hữu Khoa/tuổi trẻ.
Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên đang trong tình trạng nhà thầu ngừng thi dọa ngừng thi công và kiện ra tòa. Ảnh: Hữu Khoa/tuổi trẻ. 

Như dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) mới đây các nhà thầu thi công dự án trên thông báo với Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ngừng thi công nếu không được cấp vốn.

Về mặt tổng thể dự án đến nay đạt 67% tiến độ hoàn thành, một số gói thầu quan trọng đã đạt tiến độ thi công gần 100%.  

Nếu trước đây chỉ có một hai nhà thầu giãn tiến độ vì thiếu vốn thì hiện tại đồng loạt các nhà thầu đều gửi thư thông báo chính thức việc giãn tiến độ, có nhà thầu đã thông báo ngừng thi công. Thậm chí có nhà thầu đề cập việc sẽ chấm dứt hợp đồng và kiện chủ đầu tư.

Thực tế, khi các nhà thầu giãn tiến độ thì tất cả máy móc, thiết bị mang đi trả, còn các chuyên gia và công nhân cũng nghỉ phần lớn. Nhà thầu không thể giữ máy móc, nhân lực mất thêm chi phí trong khi công trình giãn tiến độ. Nguyên tắc trong hợp đồng đã chỉ rất rõ.

Trong trường hợp khi nhà thầu thi công trở lại buộc chủ đầu tư phải trả chi phí huy động nhân lực, thiết bị máy móc để thi công. Kinh phí phát sinh này không nhỏ và hoàn toàn có thể làm đội vốn dự án.

Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư được duyệt vào năm 2007 là hơn 17.300 tỷ đồng (hơn 1,09 tỷ USD). Bốn năm sau, tổng mức đầu tư dự án này được điều chỉnh lên hơn 47.300 tỷ đồng (hơn 2,49 tỷ USD), tăng 30.000 tỷ đồng (87% so với ban đầu).

Dự án được khởi công tháng 8/2012 bằng nguồn vốn ODA. Tuyến metro dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương).

Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.

Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ 15/10 sẽ tiến hành lắp ray, tà vẹt vào các đoạn metro đã hoàn thành.

Thời điểm này, nhà thầu Nhật Bản đang sản xuất đầu kéo và toa xe của tuyến metro này và đến tháng 10/2018 sẽ đưa đoàn tàu đầu tiên về nước. Mẫu thiết kế toa tàu metro có nhiều thay đổi sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, người dân.

Thông tin mới nhất, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiến nghị Trung ương giải quyết các vướng mắc về vốn đầu tư cũng như thuế nhập khẩu hàng hóa của dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Đội vốn 700 triệu đô la Mỹ

Một dự án metro lớn khác tại Thành phố Hồ Chí Minh là dự án metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

Dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đang xin gia hạn thực hiện dự án đến năm 2020. Ảnh: Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đang xin gia hạn thực hiện dự án đến năm 2020. Ảnh: Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh. 

Dự án metro số 2 dài hơn 11 km sẽ được nghiên cứu nối dài thêm 9,3 km; trong đó, nối dài đoạn từ Bến Thành qua Thủ Thiêm quận 2 dài 5,9 km và và đoạn từ Tham Lương đến bến xe An Sương dài 3,4 km.

Tổng mức đầu tư dự án là 26.116 tỷ đồng tức khoảng 1,374 tỷ USD. Thời gian thực hiện từ năm 2010 đến 2018. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin gia hạn thực hiện dự án này đến năm 2020.

Thực tế, theo tính toán và qua các đợt kiểm tra tình hình thực hiện dự án của các nhà tài trợ vào tháng 3/2015 và tháng 7/2015, tổng mức đầu tư dự án hiện nay là 2,074 tỷ USD, tăng khoảng 51% tương đương khoảng 700 triệu đô la Mỹ, so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Số tiền đội vốn đó chưa bao gồm hạng mục nhà ga Bến Thành và chi phí chuẩn bị vận hành và bảo dưỡng.

Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 2 tăng có một số nguyên nhân như tăng 239,98 triệu USD (17,5%) do trượt giá và lạm phát trong 5 năm (2010 - 2015), nguyên vật liệu và tiền lương tăng; tăng 460,32 triệu USD (33,5%) do tối ưu hóa thiết kế, bổ sung khối lượng...

Vũ Phương