Những kết cục bi thảm do nâng mông, độn ngực…

02/05/2011 09:40
(GDVN) - Hàng loạt vụ chết thảm vì phẫu thuật thẩm mỹ, tiêm silicone nâng ngực có thể coi là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai có ý định làm đẹp nhờ dao kéo.

(GDVN) – Tháng 3 vừa qua, 2 trường hợp chết do tiêm silicone lỏng vào mông, ngực gây biến chứng tại TP.HCM vẫn còn khiến dư luận bàng hoàng, thì cuối tháng 4/2011, một người phụ nữ 40 tuổi tại Hà Nội tử vong ngay tại cơ sở giải phẩu thẩm mỹ ngay sau khi được phẫu thuật làm đẹp càng dấy lên tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân về dịch vụ này.

>> Tình tiết mới vụ kế toán trưởng chết tại TT thẩm mỹ

>> Nữ kế toán trưởng chết tại trung tâm thẩm mỹ khi đi nâng ngực

Chết oan vì làm đẹp bằng silicone lỏng

Ngày 25/3/2011, bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) tiếp nhận bệnh nhân nữ tên H.T.L (trú tại quận 8) với biểu hiện chóng mặt, ngực căng, đau nhức, sốt cao. Kết quả xét nghiệm cho thấy, chị L. bị nhiễm trùng đường huyết nghiêm trọng. Sau hai ngày điều trị chị L. đã tử vong. Người nhà cho biết chị L. đã đến một cơ sở thẩm mỹ tư nhân bơm silicone lỏng để nâng ngực, khi bơm đến lần thứ ba thì có những biểu hiện như trên và được đưa đi cấp cứu.

a

"Nếu chẳng may silicone đi vào đường máu, sẽ gây tắc nghẽn
mạch máu, gây ra nhồi máu, tim, gan, phổi, não và chết".

Trước đó, BV Cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM) cũng tiếp nhận một nạn nhân nam nhờ bạn của mình bơm silicone vào mông để làm đẹp và bị chết do biến chứng. Bệnh nhân tên T.Q.T, trú Tiền Giang nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng. Theo bệnh sử, bạn của bệnh nhân đã tự ý mua silicone lỏng và dùng loại bơm kim tiêm lớn đưa vào mông với dung lượng mỗi bên là 250 cc (hai mông 500 cc). Sau khi tiêm, nạn nhân kêu đau nhức và khó thở, hai bên mông bị sưng đỏ. Các bác sĩ đã tích cực cấp cứu nhưng do silicone được chích với liều lượng quá lớn nên đã ngấm vào các mô mỡ và mạch máu, gây ra các cục tắc phổi, suy hô hấp nặng nên bệnh nhân bị ngưng tim và chết.
PGS-TS Trần Thiết Sơn, Tổng Thư ký Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội, cho biết: “Silicone lỏng giống như dầu ôliu, người ta hút vào xi lanh (thường không được vô trùng) sau đó bơm vào mông, ngực… những nơi muốn to ra. Tuy nhiên, nếu chẳng may silicone đi vào đường máu, nó sẽ gây tắc nghẽn mạch máu bất cứ nơi nào nó đến và gây ra nhồi máu, tim, gan, phổi, não và chết. Một khi silicone đã vào máu thì hết đường cứu. Biến chứng nhẹ khi tiêm silicone vào cơ thể là bị xơ hóa tại vùng tiêm, ở vú thì phải cắt bỏ vú, mông thì phải lạng mông”.
Để lấy lại tuổi xuân cho bộ ngực, không ít phụ nữ “nhẹ dạ cả tin” đến các “chuyên gia thẩm mỹ dởm” bơm silicon vào cơ thể với mức giá hấp dẫn đến bất ngờ. Năm 2008, ba phụ nữ ở Kiên Giang cũng đã chết vì lý do này.

Theo lời dụ dỗ của một “cò mồi” đồng thời “tận mắt, tai nghe” bộ ngực căng phồng của người dắt mối, chị T. (Kiên Giang) đã đồng ý bơm silicon nâng ngực với giá 1,9 triệu đồng. Ba ngày sau đó, tại Khoa hồi sức cấp cứu - Chống độc Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, chị T. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tím tái, thở nhanh, ho khạc ra máu do viêm phổi nặng và chết trên đường nhập viện tuyến trên.

Tuy nguy hiểm tới tính mạng con người và đã thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến nhưng tình trạng “chết oan” vì thiếu hiểu biết, ham sắc đẹp này vẫn diễn ra. Bằng chứng là, mới đây nhất, ngày 29/3/2011, bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.H., 26 tuổi, bị tai biến sau khi bơm silicon vào ngực và mông ở một cơ sở làm đẹp tư nhân.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tím vùng ngực, mông; hai bên ngực, mông có nhiều khối tròn, cứng, không có lỗ rò. Rất may chưa nguy hiểm tính mạng, các bác sĩ tiến hành rút silicon ra. Tuy nhiên, sau 4 – 5 lần rút, lượng silicon sẽ chỉ hết được 95%, số còn lại có thể ra theo tuyến sữa (nếu cho con bú).

Nói về tác hại của việc bơm silicon làm đẹp, bác sĩ Nguyễn Hồng Xuân, Khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Đa Khoa Kiên Giang, cho biết, việc chích trực tiếp silicon vào cơ thể người rất nguy hiểm, chưa nói gì đến silicon mua ở chợ trời.

Không giống như kỹ thuật nâng ngực bằng cách đặt silicon trong một túi nhựa sau đó mới đưa vào cơ thể, chích silicon trực tiếp vào ngực là việc đưa chất này vào mô dưới da ngực nên chất silicon di chuyển tự do đến tất cả các nơi khác trong cơ thể.

Sự tồn tại của chất lạ kích thích không ngừng gây nhiều phản ứng cho cơ thể. Vùng bệnh sưng tấy từng đợt, lồi lõm, ngứa, đau nhức… Đặc biệt, vùng bị chích có thể bị hoại tử, loét da do thiếu máu nuôi, hoặc nguy hiểm hơn có thể tử vong như trường hợp của chị T. Những biến chứng này có thể xuất hiện ngay trong lúc chích thậm chí hàng chục năm sau”.

Nâng mũi, sửa mí mắt: “Trả giá” bằng tính mạng

Có thể thấy, ở các thành phố lớn, phẫu thuật thẩm mỹ đã trở thành “chuyện thường ngày” với phụ nữ, và không ít đàn ông cũng tham gia nhiệt tình.

Khát vọng trở thành người nổi tiếng hay xinh đẹp hơn khiến không ít người nhắm mắt bỏ qua nguy cơ dị tật hoặc tử vong có thể gặp phải nếu phẫu thuật. Ngay ở Mỹ, tỉ lệ chết vì phẫu thuật cũng cao đáng ngạc nhiên. 20 người chết trên 100.000 ca phẫu thuật thẩm mỹ, so với 16,4 ca chết người trong 100.000 tai nạn giao thông năm 1996.

a

Thẩm mỹ viện HN hành nghề quá phạm vi được phép,
gây tổn vong cho người đi sửa mí mắt, nâng ngực.

  Tại Việt Nam, cuối năm 2006, một phụ nữ 51 tuổi, ngụ Đà Lạt đã chết sau khi "giải phẫu thẩm mỹ" mắt tại một cơ sở làm đẹp "chui" do người không có chuyên môn thực hiện. Khoảng 22 giờ đêm 11/11, phòng cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Trần Thị Rớt trong tình trạng tim đã ngừng đập, vết thương do đường may thẩm mỹ ở my mắt phải và trái dài 3 cm, vết thương vùng nhân trung dài 1 cm đang rỉ máu.

Người nhà bệnh nhân cho biết, vào chiều cùng ngày, bà Rớt đã đến làm thẩm mỹ “chui” tại số nhà 226/20 đường Nguyễn Lương Bằng, Đà Lạt.

Cách đây 2 ngày (ngày 30/4/2011), người phụ nữ tên Bùi Bích L. cũng đã tử vong tại thẩm mỹ viện có địa chỉ tại 257 Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Trước đó, người trực tiếp thực hiện phẫu phuật sửa lại mí mắt và nâng ngực cho chị L là bác sĩ Phạm Văn Ái - giám đốc phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ. Chỉ sau khi phẫu thuật 1 ngày, chị L. đã cảm thấy thấy trong người khó thở và bị nôn, lập tức tới thẩm mỹ  viện để cấp  cứu nhưng các nỗ lực của các bác sĩ đã không thành. Đến 3h40 chị L. đã tử vong. Nguyên nhân tử vong bước đầu cơ quan chuyên môn xác định là do chị L. bị phù phổi cấp và sốc phản vệ…

Đầu năm nay, cơ sở này đã bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt do quảng cáo quá mức cho phép, quá phạm vi hành nghề được phép. Thanh tra Sở đã yêu cầu cơ sở này phải thay đổi thông tin quảng bá dịch vụ.

Tuy nhiên, trên thực tế tại địa chỉ website của cơ sở thẩm mỹ này vẫn ngang nhiên quảng cáo các dịch vụ thẩm mỹ không được phép hành nghề với những lời lẽ “dễ đi vào lòng người”: Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ và luôn cập nhập các phương pháp làm đẹp mới, các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, Bác sĩ Ái đã giúp cho giấc mơ làm đẹp của hàng ngàn quý cô, quý bà trở thành hiện thực...".

4 loại phẫu thuật thẩm mỹ bạn nên tránh xa:

Phẫu thuật kéo dài chân

Người ta phải đập gãy một hoặc cả hai chân, sau đó dùng các vít và nẹp sắt, từ từ kéo xương ra. Quá trình phẫu thuật này dài hay ngắn là tùy vào cơ thể và sức khỏe của từng người. Không những phải chịu những đau đớn về thể xác, bạn còn phải mất một khoản tiền khá lớn cho việc làm này. Vì vậy, các bác sĩ khuyên bạn dù có sở hữu chiều cao hơi khiêm tốn cũng không nên tìm đến với cách làm đẹp nguy hiểm này.

Thẩm mỹ làm đẹp mặt


Thẩm mỹ làm đẹp mặt là cách khắc phục những yếu điểm trên khuôn mặt như: sống mũi thấp, mắt một mí, da chảy sệ…hoặc sửa lại các trục trặc trên mặt do những lần phẫu thuật trước tạo ra.

Nếu bạn đến với những trung tâm không có uy tín thì hậu quả của những lần phẫu thuật đó có thể là khuôn mặt kinh dị khiến nhiều người hoảng hốt.

Một kỹ thuật khác thường được dùng là lột da mặt bằng laser CO2, khiến da mặt bệnh nhân đỏ ửng, sần sùi và mất nhiều tuần mới lành lại được.

Bất kỳ loại phẫu thuật nào với bác sĩ không chuyên

Không phải mọi bác sĩ đều được đào tạo cơ bản để thực hiện các loại phẫu thuật trên. Thực tế, nhiều người hành nghề mà chẳng có bằng cấp y khoa nào, và bạn sẽ biến mình thành nạn nhân nếu gặp phải bác sĩ đó. Vì vậy, nên tìm hiểu mọi thông tin về bác sĩ và trung tâm thẩm mĩ đó trước khi bạn phó thác sắc đẹp của mình.

Làm tan mỡ bằng hóa chất

Trong kỹ thuật này, người ta dùng kim mảnh tiêm vào cơ thể một hợp chất, giúp hòa tan các khối mỡ. Tuy nhiên, các hóa chất này không an toàn khi tiêm vào cơ thể vì điều gì xảy ra với khối mỡ đó, cũng như chúng đã biến đi đâu thì chẳng ai biết. Vì thế, hầu hết các bác sĩ thực hiện kỹ thuật này cần phải được đào tạo bài bản về phẫu thuật tạo hình, nếu không sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bệnh nhân.


Phương Hạ (tổng hợp)

>> Tình tiết mới vụ kế toán trưởng chết tại TT thẩm mỹ

>> Nữ kế toán trưởng chết tại trung tâm thẩm mỹ khi đi nâng ngực