Những khuất tất quanh dự án Quốc lộ 51 vẫn chưa có câu trả lời

25/06/2016 06:05
Mai Anh
(GDVN) - Khuất tất xung quanh việc chuyển nhượng vốn tại Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 51 khiến Bộ, ngành vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Chuyển nhượng vốn "chui"

Năm 2009, Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 51 dài 73,6km qua Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu được Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải giao cho Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Công ty BVEC) làm chủ đầu tư. 

Công ty BVEC ra đời trên cơ sở tổ hợp của hai doanh nghiệp là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), Tổng Công ty Sông Đà và một ngân hàng.

Tuy nhiên việc chuyển nhượng vốn giữa các nhà đầu tư trong liên danh này là căn nguyên khiến dự án đến nay vẫn chưa quyết toán, chưa đóng đủ vốn góp.

Chuyển nhượng vốn tại Dự án BOT Quốc lộ 51 khiến bộ ngành vào cuộc nhưng vẫn chưa có câu trả lời - ảnh nguồn Báo Bà Rịa Vũng Tàu.
Chuyển nhượng vốn tại Dự án BOT Quốc lộ 51 khiến bộ ngành vào cuộc nhưng vẫn chưa có câu trả lời - ảnh nguồn Báo Bà Rịa Vũng Tàu.

Theo đó đến tháng 7/2015, Tổng Công ty Sông Đà và ngân hàng đã rút khỏi dự án, thay vào đó là 2 cổ đông mới: Tổng Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC) và Công ty CP Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thái Ninh (Công ty Thái Ninh). 

Ngoài ra, trong quá trình chuyển vốn, khi cả hai cổ đông là DIC và IDICO có ý định thoái vốn để đầu tư vào các trọng điểm khác thì đều được Bộ Xây dựng chỉ đạo “ưu tiên” bán cho Công ty Thái Ninh để doanh nghiệp này có thể sở hữu toàn bộ vốn của dự án BOT quốc lộ 51.

Nói cách Thái Ninh đang được ai đó trợ giúp để nắm toàn bộ vốn dự án, qua đó nắm toàn quyền thu phí các trạm BOT Quốc lộ 51.

Cần nhấn mạnh rằng, theo quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao, hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh, hợp đồng xây dựng-chuyển giao... việc thay đổi nhà đầu tư phải đúng quy định pháp luật, phải có sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ở đây là Chính phủ và Bộ giao thông vận tải) và không được làm ảnh hưởng đến mục tiêu, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án và các điều kiện khác đã thỏa thuận tại Hợp đồng dự án. 

Những khuất tất quanh dự án Quốc lộ 51 vẫn chưa có câu trả lời ảnh 2

Nhiều sai phạm BOT Quốc lộ 51, vì sao Liên danh BVEC vẫn được ưu ái?

(GDVN) - Giả thiết nếu vẫn được giao thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thì liệu với năng lực tài chính của mình, BVEC lấy đâu ra 16.000 tỷ đồng để thực hiện?

Những khuất tất quanh dự án Quốc lộ 51 vẫn chưa có câu trả lời ảnh 3

"Không minh bạch được BOT là minh chứng lợi ích nhóm"

(GDVN) - "Không minh bạch được doanh số thu phí, chỉ định trong mời thầu, thực hiện BOT trên đường độc đạo là minh chứng lợi ích nhóm", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Tuy nhiên thực tế cho đến nay việc 2 cổ đông mới thay thế Tổng công ty Sông Đà và ngân hàng cũng như việc chuyển nhượng vốn vẫn chưa được phép của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải.

Một diễn biến khác ngày 19/8/2015, BVEC bất ngờ chuyển trả lại cho IDICO 50 tỷ đồng trong số tiền vốn góp của IDICO. Do đó, vốn góp của IDICO vào dự án BOT Quốc lộ 51 xuống còn 56,5 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Đạt - Tổng Giám đốc IDICO khẳng định, Công ty không hề xin rút vốn và không hiểu vì sao BVEC trả lại vốn góp, trong khi các cổ đông chưa góp đủ vốn, nợ các nhà thầu chưa trả hết? 

Cũng theo ông Đạt, dự án BOT Quốc lộ 51 chính thức thu phí từ năm 2012, nhưng cho đến nay BVEC vẫn đang nợ 4 nhà thầu là các công ty con của IDICO số tiền khoảng 150 tỷ đồng.

Bộ Giao thông nói không sai

Trước khuất tất trong vấn đề chuyển nhượng vốn, ngày 16/3/2016, Bộ Giao thông vận tải tiến hành kiểm tra rà soát dự án này.

Đầu tháng 4/2016, Báo Đầu tư cho hay Bộ Giao thông vận tải đã có thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường về công tác quản lý đầu tư Dự án Xây dựng mở rộng Quốc lộ 51.

Điều đáng nói, trong khi dư luận đặt nhiều nghi vấn liên quan tới việc chuyển nhượng cổ phần trong BVEC thì rất ngạc nhiên cơ quan chức năng đánh giá là “phù hợp” với điều lệ cũng như chính sách pháp luật tại thời điểm doanh nghiệp thành lập.

Cụ thể: Ban quản lý Dự án PPP đơn vị được giao chủ trì rà soát dự án Quốc lộ 51 cho hay, do quy định của hợp đồng chỉ có điều khoản quy định về “chuyển nhượng hợp đồng” nhưng cũng không quy định chế tài xử lý nếu vi phạm.

Quan trọng hơn, tại Nghị định số 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT - văn bản quy phạm tham chiếu cho Dự án cũng không quy định cụ thể điều khoản chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng như đang quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Theo Bộ Giao thông vận tải việc chuyển nhượng nêu trên, nếu đối chiếu với các quy định tham chiếu Hợp đồng dự án là Điều lệ tổ chức hoạt động của Công ty BVEC và Luật Doanh nghiệp 2005 thì là hợp pháp, vì thế, khó có thể bắt bẻ được các cổ đông, trong bối cảnh không thể hồi tố áp dụng các quy định của Nghị định 15/2015/NĐ-CP.

“Chúng tôi nhận thấy việc chuyển nhượng không có tranh chấp giữa các cổ đông và luật pháp không cấm. Do vậy, đã yêu cầu doanh nghiệp dự án phải hoàn chỉnh các thủ tục để điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư”, một lãnh đạo Ban quản lý Dự án PPP nêu quan điểm.

Kết luận trong báo cáo của Bộ Giao thông vận tải đặt ra câu hỏi: Với dự án giao thông đầu tư BOT, nếu doanh nghiệp tự chuyển nhượng vốn liệu có tạo ra lợi ích nhóm cho doanh nghiệp “tay không bắt giặc” làm dự án nhưng không có vốn góp?

Được biết cùng thời gian Bộ Giao thông vận tải tiến hành rà soát kiểm tra dự án Quốc lộ 51, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố quyết định thanh tra số 97/QĐ-TTr về việc thanh tra công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng của Công ty BVEC.

Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ có nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý đầu tư xây dựng của BVEC tại dự án xây dựng mở rộng Quốc lộ 51 theo hình thức BOT; đồng thời làm rõ những nội dung trên phương tiện thông tin đại chúng đã nêu; phát hiện những vướng mắc, tồn tại của cơ chế chính sách trong hoạt động đầu tư xây dựng để đề nghị bổ xung, sửa đổi; kiến nghị xử lý những tổ chức, cá nhân có sai phạm; báo cáo Chánh Thanh tra, trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian thanh tra từ ngày 31/3/2016, tuy nhiên đến nay Thanh tra Bộ Xây dựng vẫn chưa có thông tin cụ thể về kết quả làm việc của đoàn. Dư luận mong muốn việc thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ cho ra kết quả khách quan, nêu ra vi phạm nếu có của doanh nghiệp đặc biệt trong vấn đề chuyển nhượng vốn góp. 

Mai Anh