Những khúc tráng ca bên đường dây 500kV

10/07/2018 08:09
Nhật Minh
(GDVN) - Từ khi phôi thai ý tưởng đến ngày “đường điện thống nhất”, câu chuyện của người trong cuộc của Đường dây 500kV mãi là niềm tự hào cho ngành truyền tải điện.

“Kiến trúc sư trưởng” của Đường dây 500kV

Lần đầu tiên đưa ra ý tưởng xây dựng Đường dây 500kV những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ Khoa học Trần Đình Long là một trong những người “đi đầu” trong việc thiết kế xây dựng Đường dây 500kV Bắc - Nam.

Năm 1978 khi có dịp làm việc với Viện Thiết kế lưới điện Leningrat (Liên Xô) ông đã đưa ra ý tưởng này để thảo luận cùng chuyên gia nước bạn. Thế nhưng điều kiện kinh tế của Việt Nam chưa cho phép làm công trình lớn như vậy. Trong khi kinh phí để xây đựng Đường dây 500kV là rất.

Ở vào thời điểm đó, điều này là không thể. Tuy nhiên những nghiên cứu về khả năng tải điện siêu cao áp vào  miền Nam đã bắt đầu từ khá sớm. Ngay sau khi tốt nghiệp tiến sĩ khoa học, ông về nước giảng dạy tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và hướng dẫn đề tài khoa học “Luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho Đường Đây 500kv - Bắc - Nam”.

Tổng Bí thư Đỗ Mười (áo tím than), Bí thư Thành ủy Phạm Thế Duyệt) cùng lãnh đạo Ủy ban Khoa học Thành phố chúc tết gia đình Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Trần Đình Long, năm 1992.
Tổng Bí thư Đỗ Mười (áo tím than), Bí thư Thành ủy Phạm Thế Duyệt) cùng lãnh đạo Ủy ban Khoa học Thành phố chúc tết gia đình Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Trần Đình Long, năm 1992. 

Sau đó Bộ Năng lượng làm báo cáo khả thi về xây dựng đường dây nhưng vì tình hình chưa bức bách nên Dự án chưa được tiến hành.

Mặc dù vậy, ý tưởng về một Đường dây 500kV thống nhất trong cả nước vẫn luôn được ấp ủ trong Giáo sư Trần Đình Long.

Cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, khi tình hình thiếu điện năng ở Việt Nam trong tình trạng “kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”. Miền Bắc khi các tổ máy của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đưa vào vận hành liên tục tăng công suất thì nguồn điện dư thừa khá lớn.

Trong khi đó, miền Trung và Nam lại trong tình trạng thiếu đói điện triền miên. Lúc này, ý tưởng về xây dựng Đường dây 500kV Bắc Nam lại được đưa ra bàn thảo, tranh luận trong các hội nghị cấp cao của lãnh đạo Nhà nước, đến các hội nghị khoa học và cả dư luận xã hội.

Điểm nhấn là tết năm 1992, khi Tổng Bí thư Đỗ Mười và Bí thư Thành ủy Hà Nội đếm thăm chúc tết gia đình giáo sư, Tổng Bí thư đã nêu vấn đề thiếu điện của miền Nam “Tôi mới từ miền Nam ra, ở trong đó một tuần  cắt điện 4-5 ngày gây rất nhiều hậu quả xấu, không những về kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao trong và ngoài nước, thậm chí còn ảnh hưởng đến an ninh của miền Nam. Còn miền Trung thậm chí  không có nguồn điện nào, chỉ sống bằng nguồn điện diezel. Sắp tới phải xây dựng đường dây để tải điện thừa từ miền Bắc vào miền Nam”.

Tiếp sau đó là những ngày Chính phủ đẩy nhanh xúc tiến việc xây dựng Đường dây. Giáo sư đã nhiều lần được Thủ tướng Võ Văn Kiệt mời lên gặp để tính toán khả thi về mặt kỹ thuật và hiệu quả của Đường dây 500kV.

 Hiểu được những khó khăn của việc xây dựng Đường dây, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: “Chỉ cần các cán bộ kỹ thuật làm sao có thể đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật tức là  lo về phần kỹ thuật còn những vấn đề khác như tiền, vấn đề an toàn, quan hệ khác đã có có Chính phủ lo”.

Những ngày sau đó Giáo sư cùng đội ngũ giảng viên Bộ môn Hệ thống điện, trường Đại học Bách Khoa phối hợp với các Công ty Khảo sát thiết kế Điện 1 phối hợp với các đơn vị liên quan ngày đêm hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật trình lên Thủ tướng.

Từ đó cho đến khi hoàn thành đường dây, là những đêm dài thức trắng miệt mài trên trang giấy với những phép tính cùng những con số, những ngày dài liên miên vừa thiết kế vừa thi công, vừa kiểm tra...

Sau hơn gần 25 năm trôi qua, điều Giáo sư Trần Đình Long tâm đắc nhất là sau tất cả những băn khoăn trước đó về tính khả thi của Đường dây đã được giải đáp trọn vẹn. Không những vậy, từ công trình này mà năng lực đội ngũ kỹ thuật của Việt Nam được nâng lên một bước và hơn nữa là Hệ thống điện Bắc - Trung - Nam hòa cùng một mạch trong niềm vui chung của cả đất nước, của cả dân tộc”

Những người trên “tuyến lửa”

Bản hùng ca bên đường dây 500KV được biết bằng những câu chuyện của đội quân xung kích. Đó là những con người cụ thể bằng xương bằng thịt, gắn bó với Đường dây 500kV.

Để đảm bảo hoàn thành trong 2 năm công trình được chia ra 4 cung đoạn để khảo sát thiết kế và xây lắp.

Cung đoạn 1 từ Hòa Bình đến Nghệ An do Công ty Xây lắp Điện 1 đảm nhận; Cung đoạn 2 từ Hà Tĩnh vào Đaklei (Kon Tum) do Công ty Xây lắp Điện 3 đảm nhận; Cung đoạn 3 từ Kon Tum vào đến Đắc Lắc do Công ty Xây lắp Điện 4 đảm nhận; và Cung đoạn 4 từ Đắc Lắc vào đến Phú Lâm do Công ty Xây lắp Điện 2 đảm nhận. Trong 4 cung đoạn đó thì cung đoạn 2 từ Hà Tĩnh vào Kon Tum dài trên 600km là cung đoạn khó khăn phức tạp nhất, trong đó có khoảng 400km đồi núi, rừng già cùng với nhiều khoảng vượt sông lớn…

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (nguyên phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam) nhớ lại, trong nhiều cuộc họp giao ban, nói về tiến độ Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều nhắc “Nếu cung đoạn của Công ty Xây lắp Điện 3 xong thì toàn tuyến xong”.

Để tạo đường lên núi vận chuyển vật tư thiết bị cần phải xẻ núi, mở đường xuyên qua các khu rừng già, điều kiện thi công hết sức khó khăn, phải huy động hàng vạn lao động địa phương, lực lượng quân đội từ Quân khu 4, Quân khu 5, Binh đoàn 15 để giải phóng rừng, mở đường tạo hành lang tuyến…

Suốt trong 2 năm không kể ngày đêm, chủ nhật, ngày lễ, mưa rét, bão lụt tất cả dồn sức để chỉ đạo và thực hiện đúng tiến độ. Có rất nhiều vị trí máy móc không thể đưa lên được phải huy động người dân tộc, người các địa phương gùi từng bao xi măng, từng bao cát lên đỉnh núi cheo leo để đúc móng như đỉnh đèo Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Giằng, Khâm Đức, đèo Lò Xo…

Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra việc xây dựng công trình 500KV Bắc - Nam tại đèo Lò Xo. Ảnh do ông Vũ Ngọc Hải cung cấp.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra việc xây dựng công trình 500KV Bắc - Nam tại đèo Lò Xo. Ảnh do ông Vũ Ngọc Hải cung cấp.

Cán bộ công nhân suốt trong 2 năm đều sống trong các lán trại, hoặc một số nơi nhờ nhà dân ở không kể muỗi đốt, rắn cắn, sốt rét và kể cả hy sinh tính mạng.

Lực lượng hậu cần như vận chuyển lương thực, thực phẩm cho hàng vạn người lao động trên các vùng đồi núi, sông suối vô cùng khó khăn gian khổ.

Và sự trưởng thành vượt bậc

Trong lao động, trong gian khó thử thách, sức sáng tạo của người Việt Nam lại bộc lộ rõ hơn bao giờ hết, như một phép của “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Quá trình thi công, xây lắp đòi hỏi phải mua sắm nhiều xe máy thiết bị chuyên dùng.

 Chỉ mua một bộ thiết bị kéo dây của Nhật Bản đã lên đến khoảng 10 triệu USD, nếu mua sắm đủ để phục vụ cho các cung đường thì khoản tiền đầu tư sẽ đội lên rất lớn. 4 Công ty Xây lắp được giao nghiên cứu tự chế tạo ra hàng loạt thiết bị tương tự với thiết bị nhập của Nhật, với chất lượng tốt để phục vụ công tác thi công kéo dây sau này, tùy chiều dài và mức độ khó khăn của từng cung đoạn để mỗi Công ty Xây lắp tự sáng chế lấy số lượng thiết bị cho mình.

Sáng kiến này đã giúp rút ngắn thời gian thi công, và tiết kiệm cho ngân sách khoản tiền lớn. Thêm một dẫn chứng nữa cho sức sáng tạo của người lao động Việt Nam. Rồi việc 4 Công ty Xây lắp tự chế tạo trong nước được 40% cột thép cũng cho thấy những nỗ lực trong việc tự chủ, nâng cao năng lực của sản xuất của các các công ty trong nước…

Xét trên bình diện chung, việc xây dựng và đưa vào vận hành thành công hệ thống truyền điện 500kV là một bước trưởng thành quan trọng của ngành Điện lực Việt Nam trong các lĩnh vực: Nghiên cứu, khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành và hợp tác quốc tế.

Mô hình tổ chức thi công song song trên toàn tuyến với hàng trăm công trường xây dựng làm việc đồng thời đã đặt ra rất nhiều vấn đề khó khăn về cung cấo vật tư thiết bị, giám sát ký thuật, phối hợp tiến độ…

Những người chỉ đạo công trình cùng với đội ngũ những người thợ đường dây và xây lắp điện Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ trong hơn 2 năm với khối lượng thi công xây lắp 1487km đường dây kích cỡ chưa hề có trước đây ở nước ta, 5 trạm biến áp 500kV với 18 máy biến áp tự ngẫu 1 pha cỡ lớn, các dàn tụ bù dọc, các cuộn kháng bù ngang, rơle và thiết bị điều khiển dùng kỹ thuật số, khoảng 1.500km cáp quang với 20 trạm lặp trên toàn tuyến đường dây…. tất cả đều là những thiết bị hiện đại lần đầu tiên được lắp đặt và sử dụng ở Việt Nam.

Việc ghép nối với các lưới điện 220kV hiện có, thử nghiệm và chuẩn bị hòa điện vào hệ thống để hợp nhất toàn quốc cũng đã được tính toán và kiểm tra rất chi tiết trước khi “xông điện” đường dây.

Nhiều tính toán đã được thực hiện để xác định mức điện áp và trào lưu công suất phản kháng thời gian “chờ” hòa đồng bộ cho từng phương án hòa tại các trạm biến áp 500kV khác nhau. Những lần hòa đồng bộ đầu tiên cho thấy những tính toán này là hoàn toàn chuẩn xác.

Để chuẩn bị cho công tác vận quản lý vận hành an toàn Hệ thống siêu cao áp 500kVcần đào tào đội ngũ kỹ sư, cán bộ, công nhân vận hành tinh thông nghề nghiệp, trẻ, khỏe, dễ thích nghi với điều kiện sống trên địa hình hiểm trở mà Đường dây 500kV đi qua.

Với tinh thần đó, Bộ Năng lượng đã giao cho Sở Truyền tải điện 1tuyển công nhân phổ thông, gửi đi đào tạo 3 thán tại trường Kỹ thuật điện Hội An và trường Quân chính Quân khu 5.

Sau 2 khóa, công nhân có trình độ cơ bản về điện, ý thức tổ chức tốt, có kỹ năng đọc bản độ địa hình, trải nghiệm cách ăn ở, sinh hoạt trong rừng, nắm vững những tình huống cần xử lý khi khẩn cấp ở các vùng núi cao, rừng sâu. Những kiến thức đó đã giúp công nhân tự tin, chủ động trong ứng phó và xử lý các tình huống khi tham gia quản lý, vận hành đường dây.

Sau đó Bộ Năng lượng đã tạo điều kiện để Sở Truyền tải Điện 1 cử 13 kỹ sư tham gia đào tạo nâng cao lý thuyết tại trường Đại học Bách Khoa và cử 7 kỹ sư đi thực tập 7 tuần tại Úc và Bỉ.

Bộ Năng lượng cũng phối hợp với Hội Điện lực Việt Nam biên soạn các giáo trình quản lý vận hành hệ thống điện siêu cao và mời các giáo sư của Trường Đại học Bách khoa giảng dạy cho các kỹ sư các kiến thức về đường dây tải điện xoay chiều, điện áp siêu cao, vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp... Đây chính là những kiến thức cơ bản và là cẩm nang của các nhân viên vận hành.

Cùng với đó, Bộ Năng lượng tổ chức hàng chục Hội thảo khoa học có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế đã cung cấp một lượng thông tin rất lớn về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực truyền tải điện năng cho các chuyên gia và cán bộ kỹ thuật Việt Nam. Cả “tiền tuyến” và “hậu phương” đang cấp tập chuẩn bị cho thời khắc quan trọng nhất của ngành năng lượng Việt Nam.

Ảnh minh họa: TTXVN
Ảnh minh họa: TTXVN

Lần đầu tiên thí nghiệm cấp điện áp 500kV

Lần đầu tiên ngành Điện xây dựng hệ thống truyền điện 500kV, cũng có nghĩa lần đầu tiên những kỹ sư điện thực hiện thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị ở cấp điện áp này.

Công trình Đường dây truyền tải điện 500kV là công trình đặc biệt: thiết kế đâu, thi công đến đó, việc xây dựng và lắp đặt được triển khai đồng thời trên cả 4 cung đoạn với tiến độ thi công rất nhanh, nên tính từ ngày khởi công và sau 2 năm 6 ngày đã bàn giao cho thí nghiệm hiệu chỉnh toàn bộ 4 cung đoạn. Tuy nhiên, vẫn còn những hạng mục chưa lắp đặt xong như hệ thống cáp quang, khiến cho công việc thí nghiệm hiệu chỉnh thêm khó khăn.

Theo kế hoạch đề ra, công việc thí nghiệm sẽ được tiến hành trong 2 tháng. Thí nghiệm nghiệm thu được chia làm 3 giai đoạn: Thí nghiệm với điện áp một chiều; Thí nghiệm với điện áp 15kV và điện áp định mức từng cung đoạn và thí nghiệm với điện áp định mức 500kV sau khi hòa điện.

Đúng 22 giờ 5 phút ngày 20/5/1994, đóng điện xung kích lần đầu tiên vào máy biến áp 500kV ở trạm biến áp 500kV Hòa Bình thành công tốt đẹp - lần đầu tiên ở Việt Nam có điện 500kV.

Đến 18 giờ 15 phút ngày 21/5/1994, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đã đóng điện 500kV đưa dòng điện từ nhà máy thủy điện Hòa Bình tới Hà Tĩnh để tiến hành thí nghiệm các phần tử đường dây và trạm.

Sau khi thí nghiệm thành công ở trạm biến áp 500kV Hòa Bình và đoạn đường dây 500kV Hòa Bình - Hà Tĩnh, các kỹ sư thí nghiệm hiệu chỉnh tiếp tục tiến sâu vào Đà Nẵng, Pleiku với những mốc lịch sử như sau: 15 giờ 46 phút ngày 23/5/1994 đóng điện vào trạm biến áp 500kV Hà Tĩnh; 16 giờ 28 phút ngày 23/5/1994 đóng điện đoạn đường dây  Hà Tĩnh - Đà Nẵng; 18 giờ 35 phút ngày 23/5/1994 đóng điện đoạn đường dây Pleiku - Phú Lâm; 9 giờ 44 phút ngày 25/5/1994 đóng điện đoạn đường dây Đà Nẵng - Pleiku 14 giờ 22 phút ngày 25/5/1994 đóng điện vào trạm biến áp 500kV Pleiku.

Dùng hệ thống điện miền Nam để đóng điện vào trạm biến áp 500kV Phú Lâm. Sau khi đóng điện thành công vào 17 giờ ngày 26/5/1994 vào trạm biến áp Phú Lâm, các kỹ sư tiếp tục kiểm tra đoạn đường dây Phú Lâm - Pleiku từ hệ thống phía Nam, kiểm tra đồng vị pha và thứ tự pha để chuẩn bị điều kiện hòa điện giữa hai hệ thống. Lại một lần nữa hồi hộp, lo âu và chờ đợi. Kết quả, các pha của hai hệ thống Bắc - Nam như có hẹn trước, đồng vị với nhau tuyệt đối.

Sau khi đã phóng thử toàn tuyến đường dây bằng điện áp 500kV và kiểm tra sẵn sàng mang điện của tất cả các trạm biến áp 500kV: Hòa Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Pleiku và Phú Lâm. Phút thiêng liêng đã đến. Đúng 19 giờ 16 phút ngày 27/5/1994 theo lệnh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hệ thống truyền tải điện 500kV đã được hòa thành công tại trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, nối liền hai hệ thống điện Bắc - Nam, đánh dấu một kỷ nguyên mới - thống nhất hệ thống điện toàn quốc.

Còn với riêng những người làm truyền tải điện đã được trở thành những chứng nhân lịch sử của công trình, họ sẽ không chỉ nằm lòng những gì đã được học hỏi, được tôi luyện trong khoảng thời gian vỏn vẹn hai năm ấy.

Những năm tháng hào hùng đã giúp phát triển nên đội ngũ khoa học, kỹ thuật, công nhân kinh nghiệm cho sự nghiệp phát triển và hiện đại hóa ngành điện. Nếu Đường dây 500kV mạch 1 mang sứ mệnh đổi mới tư duy điều hành của ngành trọng yếu như ngành Điện và tạo cơ sở cho xây dựng mạch 2 rồi tiếp đến là mạch 3, thì những con người tạo nên “đường điện thống nhất” đã trở thành lớp cha, lớp anh, thành niềm tự hào, niềm cảm hứng để những lớp sau tiếp nối sự nghiệp truyền tải điện Việt Nam.

Vợ chồng anh Nguyễn Quang Sáu cưới nhau sau những “cánh thư đi thư lại” khi anh còn là công nhân đường dây Ảnh: Đ.Nam chụp lại từ tư liệu gia đình
Vợ chồng anh Nguyễn Quang Sáu cưới nhau sau những “cánh thư đi thư lại” khi anh còn là 
công nhân đường dây Ảnh: Đ.Nam chụp lại từ tư liệu gia đình

Trong suốt 2 năm thi công, hàng vạn người lăn lộn với công trình, trong đó có gần 300 người đã hy sinh với nhiều lý do khác nhau như ốm đau, bệnh tật, chết đuối, đổ cột, sập hầm… Họ là những người anh hùng “thầm lặng” đến và đi cũng “thầm lặng”. Máu xương của họ đổ xuống cho sự bừng sáng của dòng năng lượng quốc gia, cho sự nở hoa trên những vùng quê nghèo. Người mất đã mất, còn người sống vẫn phải tiếp tục.

Cũng chính từ những năm tháng lăn lộn với công trường, những ngày “bám dân, bám bản” đã có không ít câu chuyện tình yêu nở hoa trên những vùng quê nghèo, khô cằn sỏi đá. Nhiều cặp vợ chồng nên duyên từ những ngày làm Đường dây 500kV. Để tình yêu cùng “tỏa sáng với dòng điện quốc gia”.

Viết tiếp bản hùng ca

Tiếp nối truyền thống của Đường dây 500kV Mạch 1, của những thế hệ trẻ đi trước, những người “lính truyền tải điện” hôm nay, với bàn tay, khối óc, trí tuệ, với tầm nhìn và bản lĩnh thời đại cùng sự năng động, đang viết tiếp truyền thống của cha anh, chung tay xây dựng Tổng Công ty Truyền tải điện Việt Nam (EVNNPT) ngày càng phát triển, mở rộng quan hệ quốc tế, đẩy mạnh hợp tác phát triển khoa học công nghệ, kêu gọi đầu tư... vì một hệ thống truyền tải điện quốc gia vững mạnh, phát triển xứng tầm quốc tế.

Gần một phần tư thế kỷ trôi qua, kể từ ngày đóng điện vận hành tuyến Đường dây mạch 1 dài gần 1.500 km với 5 trạm biến áp và trạm cắt 500kV trải dài từ Bắc vào Nam, đến nay, hệ thống điện quốc gia đã có thêm 2 mạch Đường dây 500kV mạch 2 và mạch 3 - với tổng chiều dài hơn 8.000 km đường dây, mỗi năm truyền tải hàng chục tỷ kWh điện, đảm bảo an toàn hệ thống điện và an ninh năng lượng quốc gia.

Với những lợi thế của công trình điện 500kV Bắc Nam đối với an ninh năng lượng của hệ thống điện quốc gia, từ năm 2000, nhiều đoạn tuyến của Đường dây 500kV mạch 2 được thi công xây dựng. Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2005, Đường dây 500kV mạch 2 (dài gần 1.200km) đã đồng thời giúp nâng gấp 2 lần năng lực truyền tải điện, góp phần đảm bảo độ tin cậy cho hệ thống điện quốc gia.

Tiếp đó, gần 450 km Đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông cũng đã được xây dựng và hoàn thành vào năm 2014, kịp thời đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam với nhu cầu điện tăng cao liên tục trong những năm gần đây, và theo kế hoạch sẽ còn tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới. 

Nếu như tuyến Đường dây mạch 1 là bản hùng ca của ý chí và khí chất của con người Việt, thì tiếp nối kỳ tích của mạch 1, mạch 2, rồi mạch 3 đã thể hiện được sự tiếp nối thành công của các thế hệ của những con người đi nối kết mạch điện trên toàn quốc.

 Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia cho biết, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của EVNNPT là đảm bảo vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục, ổn định, đáp ứng mọi yêu cầu cung cấp điện và nhu cầu sử dụng điện của đất nước, đặc biệt là Hệ thống 500 kV Bắc - Nam, sẵn sàng truyền tải điện năng từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam đáp ứng yêu cầu.

Điều đó đồng nghĩa, đội ngũ cán bộ công nhân viên của EVNNPT trên khắp mọi miền Tổ quốc phải luôn luôn nỗ lực về mọi mặt để vượt qua khó khăn, thách thức về tình trạng quá tải, về nguy cơ sự cố, về điều kiện làm việc còn nhiều hạn chế để đảm bảo vận hành an toàn Hệ thống truyền tải điện Quốc gia đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

Nhật Minh