Những tồn tại ở Agribank: Không chỉ là một cuộc "thay máu" lãnh đạo

14/10/2014 07:39
NGUYỄN QUÂN
(GDVN) - Từ việc hàng loạt cựu lãnh đạo cấp cao bị truy tố, bắt tạm giam, đến con số nợ xấu siêu khủng, nhiều người đang mong một cuộc "thay máu" toàn diện ở Agribank.
Từ chuyện hàng loạt cựu lãnh đạo bị truy tố

Mới đây nhất, vào cuối tháng 9/2014, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố 12 bị can trong vụ án hình sự xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Bến Thành, TP.Hồ Chí Minh (Agribank Bến Thành) và một số doanh nghiệp.

Trong số này có Lê Văn Tính, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Kim Gia Thảo; Nguyễn Thị Hoàng Oanh và Trương Thế Thanh, nguyên Giám đốc Agribank Bến Thành và Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh 3, với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó không lâu, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Tất Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Ông Ngọc bị cho là đã có hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” khi còn đang tại vị. Ông Ngọc bị bắt khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án “cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty in - thương mại và dịch vụ Agribank (Cty in Agribank) và Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo quốc tế (INED). 

Tại vụ án này, cơ quan điều tra đã xác định ông Phạm Ngọc Ngoạn - GĐ Cty in Agribank - đã trình ông Đỗ Tất Ngọc và đã được ông Ngọc đồng ý cho Cty in Agribank thuê đất của INED tại Khu Công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) để xây dựng nhà máy in với tổng mức đầu tư hơn 158 tỉ đồng.   

Trong đó, số tiền thuê đất trong 49 năm là hơn 93 tỉ đồng và đã chuyển cho INED. Tuy nhiên cơ quan điều tra đã xác định việc INED cho thuê đất là trái pháp luật, vì vậy không thể thực hiện được dự án và cũng không thu hồi được vốn.

Ngoài ra ông Đỗ Tất Ngọc cũng có liên quan đến những vi phạm pháp luật trong việc dùng quyền sử dụng đất tại số 10 Chùa Bộc, quận Đống Đa (Hà Nội) và tài sản trên đất để góp vốn vào Công ty cổ phần bất động sản Agribank; Vi phạm Luật Đất đai trong việc đầu tư vào dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ; ra quyết định đầu tư dự án xây dựng khách sạn năm sao tại đường Trần Phú, TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) dẫn đến nguy cơ bị mất vốn.

Ông Ngọc được xác định có liên quan đến vụ án xảy ra tại Cty cho thuê tài chính II (ALC II) do Võ Quốc Hảo làm giám đốc (vụ án này đã được TAND TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử phần I và đang xét xử phần II - PV) khiến Agribank thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. 

Từ năm 2013 đến nay, hàng loạt lãnh đạo của Agribank đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.

Cụ thể đầu năm 2013, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam ông Phạm Thanh Tân, nguyên tổng giám đốc Agribank, để điều tra về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo điều tra, ông Phạm Thanh Tân cùng một số cá nhân bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ thiệt hại 3.900 tỉ đồng tại Agribank chi nhánh Nam Hà Nội.

Tiếp đó, tháng 1/2014, cơ quan điều tra bắt tạm giam ông Kiều Trọng Tuyến, nguyên phó tổng giám đốc Agribank, cũng về tội danh trên.

Tiếp đến, tháng 7/2014, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Ngọc Ngoạn, nguyên thành viên hội đồng thành viên Agribank, về hành vi “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngoài việc bắt tạm giam các lãnh đạo cấp cao nhất của Agribank để điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an và các cơ quan điều tra cấp tỉnh cũng khởi tố hàng loạt vụ án liên quan đến hệ thống ngân hàng của Agribank để điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật.

Trong vòng hai năm trở lại đây, số cán bộ của Agribank bị bắt liên quan đến hoạt động ngân hàng được thống kê nhiều nhất trong các ngân hàng, từ lãnh đạo cấp cao nhất cho đến nhân viên, rải đều ở các chi nhánh, điểm giao dịch từ Bắc xuống Nam.

Trước thực trạng hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Agribank liên tục bị bắt, khởi tố, nhiều người đã đặt ra câu hỏi về quy trình tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ của ngân hàng này: “Cách tuyển dụng, dùng người của Agribank đúng là có vấn đề. Không thể chấp nhận một Ngân hàng Nhà nước mà Nhà nước lại không bao quát được” - một chuyên gia kinh tế nhận định.

Hoài nghi về nợ xấu siêu khủng…

Báo cáo kiểm toán cho biết, năm 2012 Agribank thường xuyên vi phạm tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất, tỷ lệ khả năng chi trả ngay và tỷ lệ khả năng chi trả 7 ngày đối với tiền đồng.

Agribank cũng là một trong những tổ chức tín dụng có nợ xấu cao. Theo Báo cáo kiểm toán nói trên, tỷ lệ nợ xấu bình quân vào thời điểm 31/12/2012 của 125 tổ chức tín dụng trong cả nước là 4,08% (đến 30/6/2013 là 4,46%), tuy nhiên kết quả thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với 59 tổ chức tín dụng thì tỷ lệ nợ xấu đến 31/12/2012 là 7,8%. Còn kết quả kiểm toán tại Agribank là 8,16%, tăng 34,43% so cùng kỳ.

Nợ có khả năng mất vốn của Agribank là 23.652 tỉ đồng (chiếm tới 59,23% tổng dư nợ xấu, bằng 89% vốn điều lệ).

Báo cáo cũng cho biết, nếu tính cả nợ được cơ cấu lại theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 của NHNN về phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ thì nợ xấu của Agribank lên đến 15,68%, vượt quá mức an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tính đến 25/5/2014, tổng dư nợ cho vay (bao gồm cả ngoại tệ quy đổi tiền đồng) của Agribank đạt 530.768 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 380.554 tỉ đồng, chiếm 71,7% tổng dư nợ cho vay.

Những con số trên cho thấy tỷ lệ tín dụng dành cho nông nghiệp của Agribank gần đây đã cải thiện hơn so với tỷ lệ cho vay phi nông nghiệp nhưng cũng chưa cao và vững chắc đúng với tiêu chí là ngân hàng Chính phủ sinh ra để phục vụ ngành nông nghiệp, khu vực nông thôn, nông dân.

Ngoài ra, việc Agribank có một số lượng không nhỏ cán bộ quản lý bị bắt và điều tra về những sai phạm gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước cũng là một nguyên nhân làm gia tăng nợ xấu cho ngân hàng này.

… đến “thay máu” toàn diện ở Agribank

Ngày 9/6, Agribank đã tổ chức công bố các quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Ngọc Khánh, phụ trách điều hành Hội đồng Thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc Agribank được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV Agribank; ông Phạm Đức Ấn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) được điều động bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch HĐTV Agribank; ông Tiết Văn Thành, Phó Tổng giám đốc Agribank được bổ nhiệm chức danh thành viên HĐTV, quyền Tổng giám đốc Agribank. Bà Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc Sở Giao dịch Agribank; bà Đinh Thị Thái, Trưởng phòng Phòng Quản lý rủi ro tín dụng Vietcombank được điều động bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Agribank.

Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 29/9, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thừa nhận Agribank là ngân hàng có rất nhiều yếu kém trước đây, để lại hậu quả nặng nề.

Thống đốc cho biết, thực hiện tái cơ cấu, toàn bộ bộ máy quản trị, hội đồng thành viên, ban điều hành, ban kiểm soát… Theo Thống đốc, dù cán bộ của Agribank cũng có phần xao xuyến, nhưng phải quyết tâm làm. Nhiệm vụ của Agribank tập trung nhiệm vụ chung với ngành, với phát triển nông nghiệp nông thôn.

Có thể dễ dàng nhận thấy, việc Ngân hàng Nhà nước thay tướng hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của nhà băng nay thể hiện được một phần quyết tâm của cơ quan điều hành trong việc cơ cấu lại Agribank. Tuy nhiên, ngân hàng này có “thay máu” được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chứ không đơn thuần chỉ riêng việc thay lãnh đạo.

Những sai phạm cũng như bất cập ở Agribank tồn tại đã lâu và chỉ có thể giải quyết bằng một cuộc tái cơ cấu toàn diện.
NGUYỄN QUÂN