"Nới lỏng" quy định cấp phép vận chuyển hàng không

25/07/2016 15:45
Mai Anh
(GDVN) - Đó là một trong nhiều điểm thay đổi khá bất ngờ trong Nghị định 92 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Nghị định 92/2016/NĐ-CP về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng vừa được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ 1/7/2016. 

Nghị định này quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng gồm: Kinh doanh vận tải hàng không; kinh doanh cảng hàng không, sân bay; Kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay;

Kinh doanh dịch vụ thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang thiết bị tàu bay tại Việt Nam; Kinh doanh dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; Kinh doanh dịch vụ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không.

Nghị định 92 có hiệu lực từ 1/7/2016 - ảnh chụp màn hình
Nghị định 92 có hiệu lực từ 1/7/2016 - ảnh chụp màn hình

Nghị định 92 ra đời trên cơ sở Dự thảo Nghị định quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo và trình Chính phủ.

Ngay thời điểm Nghị định vẫn còn là dự thảo, nhiều điều khoản trong đó đã nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia chi ra những điều không hợp lý tuy nhiên, Nghị định 92 vẫn giữ nguyên nội dung soạn thảo của Bộ Giao thông vận tải.

Cụ thể Điều 4, Nghị định 92 cho phép doanh nghiệp đang kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong hàng không dân dụng có nhu cầu bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể sử dụng báo cáo tài chính 2 năm liền hoặc văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng.

"Nới lỏng" quy định cấp phép vận chuyển hàng không ảnh 2

Nhiều quy định trong Dự thảo kinh doanh hàng không có thể làm méo mó thị trường

"Nới lỏng" quy định cấp phép vận chuyển hàng không ảnh 3

Kinh doanh hàng không: Báo cáo tài chính có thay thế được văn bản xác nhận vốn?

Như vậy với quy định này doanh nghiệp sẽ được phép chọn văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng hoặc báo cáo tài chính 2 năm liền thay thế. 

Cần nhấn mạnh, quy định mới tại Nghị định 92 do Bộ Giao thông vận tải soạn thảo sẽ tạo điều kiện giúp Vietstar Airlines cất cánh.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Chính phủ xem xét, cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt – Vietstar Airlines.

Tuy nhiên thời điểm Bộ Giao thông vận tải đề nghị Chính phủ cấp giấy phép cho  Vietstar Airlines, doanh nghiệp này không có văn bản xác nhận vốn mà chỉ có báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015.

Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán cho đến ngày 31/12/2015, vốn điều lệ của công ty là 800 tỷ đồng, còn góp của chủ sở hữu là 700 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 652.7 tỷ  đồng.

Với số tiền 652,7 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, Vietstar Airlines vẫn thiếu 47,3 tỷ đồng so với yêu cầu vốn tối thiểu đối với hãng hàng không vận chuyển hành khách, hàng hóa quốc tế và nội địa quy định của pháp luật.

Được biết khi Bộ Giao thông vận tải đề nghị Chính phủ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ ngành cho ý kiến.

Theo đó, Bộ Tài chính đã thẳng thắn cho rằng việc cấp giấy phép kinh doanh hàng không phải dựa trên Nghị định 30/2013, theo nghị định này Vietstar Airlines phải có văn bản xác nhận vốn của tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên với việc Nghị định 92 ra đời thay thế thì Vietstar Airlines sẽ được dùng báo cáo tài chính thay thế văn bản xác nhận vốn.

Bên cạnh việc “nới lỏng” quy định về vốn trên, Nghị định 92 còn có một số quy định mới khá khó hiểu so với Nghị định 30 như quy định hãng hàng không phải báo cáo định kỳ 5 năm và phải được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải. Cụ thể, Điều 9 quy định phương án kinh doanh và chiến lược phát triển nhấn mạnh: Các hãng hàng không phải xây dựng, báo cáo và thực hiện các kế hoạch chi tiết theo định kỳ 5 năm.

Ngoài quy định trên, Nghị định 92 cơ bản không khác nhiều Nghị định 30/2013 trước đó.

Theo đó doanh nghiệp khai thác đến 10 tàu bay thì mức vốn là 700 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 300 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

Khai thác từ 11 - 30 tàu bay, mức vốn là 1.000 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 600 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

Khai thác trên 30 tàu bay, mức vốn là 1.300 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 700 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung là 100 tỷ đồng Việt Nam.

Mai Anh