Nộp, rút tiền mặt tại ngân hàng sẽ bị đánh phí

13/06/2014 12:44
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí rút tiền mặt đối với khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút ra từ tài khoản.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định thanh toán bằng tiền mặt của các tổ chức sử dụng vốn nhà nước và Thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt nhằm thay thế Thông tư 01/2007/TT-NHNN.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực tiễn gần 7 năm thực hiện Thông tư 01/2007/TT-NHNN cho thấy việc triển khai áp dụng Thông tư này đã phát huy được tác dụng nhất định góp phần giảm thanh toán bằng tiền mặt, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn và góp phần cải thiện một bước tính minh bạch trong các hoạt động kinh tế của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các đơn vị sử dụng vốn nhà nước.

Tuy nhiên, theo điều tra khảo sát thì còn có nhiều ý kiến cho rằng việc quy định hạn mức thanh toán bằng tiền mặt 30 triệu đồng tại Thông tư 01/2007/TT-NHNN còn khá cao. Mặt khác, một số trường hợp thanh toán có giá trị lớn và đặc điểm của giao dịch có thể sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán nhưng chưa được điều chỉnh.

Vì vậy, tại dự thảo Thông tư quy định thanh toán bằng tiền mặt của các tổ chức sử dụng vốn nhà nước, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ: Các tổ chức sử dụng vốn nhà nước được thanh toán bằng tiền mặt trong các trường hợp sau đây: 1- Thanh toán tiền thu mua nông, lâm, thủy sản và vật tư cho người dân trực tiếp sản xuất chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; 2- Thanh toán công tác phí, trả lương cho người lao động chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng; 3- Các khoản thanh toán để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh liên quan đến bí mật Nhà nước; 4- Các khoản thanh toán khác với giá trị dưới 20 triệu đồng cho cùng một mục đích thanh toán, trừ các trường hợp được quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP.

Phí rút tiền mặt không được vượt quá 0,05%

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 01/2007/TT-NHNN quy định mức phí rút tiền mặt từ 0%-0,05%/giá trị tiền mặt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các ngân hàng còn áp dụng mức thu phí khác nhau, thấp hơn nhiều so với phí chuyển khoản hoặc không thu phí, vì vậy chưa có ảnh hưởng nhiều đến việc khách hàng lựa chọn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thay cho việc sử dụng tiền mặt để thanh toán.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vì vậy, tại dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ: Tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí nộp tiền mặt khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp vào tài khoản thanh toán và phải niêm yết công khai.

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí rút tiền mặt đối với khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút ra từ tài khoản thanh toán và phải niêm yết công khai.

Ngoài ra, khi nộp, rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước khách hàng phải chịu mức phí là 0,005% trên tổng giá trị tiền mặt nộp hoặc rút. 

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu của Thông tư nói trên là hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội liên quan đến sử dụng tiền mặt. Đồng thời, việc quy định cụ thể phí dịch vụ tiền mặt cũng góp phần phát triển chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Hiện tại, phí rút tiền mặt ngoại mạng của các ngân hàng phổ biến trên 3.000 đồng/lần. Một số nhà băng cũng đã triển khi thu phí rút tiền nội mạng, dao động 1.000-2.000 đồng/lần.

Tuy nhiên, trên thực tế, nếu khách hàng nộp tiền tại chi nhánh/tỉnh/thành phố mà mình mở tài khoản thì thông thường không mất tiền. Nhưng nếu nộp tiền tại điểm giao dịch khác tỉnh/thành phố với nơi mở tài khoản sẽ bị thu phí. 

Khảo sát tại một số ngân hàng, phí nộp tiền mặt khác tỉnh/thành phố của ACB là 0,03% số tiền, tối thiểu 15.000 đồng, tối đa 1.000.000 đồng; của Techcombank là 0,03% số tiền, tối thiểu 20.000 đồng, tối đa 1.000.000 đồng...
NHẤT NGÔN