Ồ ạt cho vay tiêu dùng: Ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro

12/12/2014 09:35
Mai Anh
(GDVN) - Ngân hàng liên tục giảm lãi suất kích cầu gói tín dụng cho vay tiêu dùng tuy nhiên nếu không thận trọng khoản vay này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Từ hơn 1 tháng nay nhiều ngân hàng liên tục mở các gói tín dụng ưu đãi cho cá nhân, hộ gia đình với lãi suất thấp để kích cầu tiêu dùng. Trong khi đó theo các chuyên gia, nếu không cẩn trọng ngân hàng cũng gặp rủi ro với khoản vay tiêu dùng này.

Lãi suất giảm sâu

Theo thông tin đăng tải tại trang website nhiều ngân hàng cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra mức lãi suất tiêu dùng hấp dẫn. Điểu hình như Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đang triển khai chương trình “Tiếp vốn kinh doanh - Đẩy mạnh tiêu dùng” trên toàn quốc với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm từ nay đến ngày 31/12/2014.

Trong khi đó từ tháng 8/2014, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đưa ra gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng cá nhân với lãi suất 7,8% /năm. Tương NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đang dành 4.500 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay mua, xây dựng hoặc sửa chữa bất động sản.

Số tiền vay có thể lên tới 100% giá trị, thời hạn vay lên đến 20 năm, mức lãi suất chỉ từ 6,88%/năm đối với khoản vay có thời hạn dưới 60 tháng trong 6 tháng đầu tiên… Sacombank cũng dành thêm 1.000 tỷ đồng cho vay mua xe ô tô dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với lãi suất từ 8%/năm trong 6 tháng đầu tiên.

Theo các chuyên gia khoản cho vay tiêu dùng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo các chuyên gia khoản cho vay tiêu dùng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Các ngân hàng như ABBank, OCB, VietABank, TPBank… cũng tung ra nhiều chương trình cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các khách hàng cá nhân mua nhà, mua xe… Trong đó, ABBank cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất vay vốn giảm tới 4%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành.

Đánh giá mức lãi suất của các ngân hàng trong gói tín dụng cho vay tiêu dùng, chuyên gia Tài chính – Ngân hàng Bùi Kiến Thành cho rằng, so với trước đây luôn trên dưới khoảng 20%/năm thì mức lãi suất trên được cho thấp. Theo đó, xu hướng cho vay tiêu dùng sẽ được các ngân hàng chú trọng phát triển trong thời gian tới.

“Đây là hướng đi mới do doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó, muốn tiếp cận vay vốn đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau chính vì vậy cho vay tiêu dùng là kênh tín dụng được ngân hàng chú trọng trong lúc này”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định.

Thận trọng

Đánh giá mức lãi suất được nhiều ngân hàng giới thiệu giao động từ 7% – 8%/năm, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng: “Nói là lãi suất 7% - 8%/năm nhưng mức lãi suất đó đã bao gồm các loại phí chưa, như phí mở hồ sơ, nếu tính các loại phí vào thì sẽ là bao nhiêu, khách hàng cần nghiên cứu kỹ các hợp đồng”.

Việc lãi suất thấp nhưng chưa thu hút được khách hàng là do thực tế hiện nay nhiều ngân hàng cho vay tiêu dùng qua các tổ chức, ví dụ cho vay mua hàng hóa qua siêu thị, qua trung tâm thương mại... điều này khiến khách hàng không mặn mà.

Trong khi đó, cũng lý giải việc ngân hàng đưa ra các mức lãi suất hấp dẫn cho vay tiêu dùng dịp cuối năm, TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước năm 2014 nhận định, tình hình kinh tế có khác biệt do lạm phát đang giảm, tình hình sản xuất doanh nghiệp vẫn đang gặp khó do nhu cầu mua sắm người dân thấp từ đó để cho vay ra ngân hàng buộc phải giảm lãi suất.

“Năm nay sức mua giảm vì vậy để đẩy vốn ra phải giảm lãi suất, với cho vay tiêu dùng thường khoản vay nhỏ rủi ro sẽ ít hơn. Các ngân cũng sẽ không cho vay ồ ạt để tránh nợ xấu, vì thế yêu cầu tăng tín dụng nhưng đảm bảo an toàn vốn cũng được ngân hàng đưa lên hàng đầu”, TS Cao Sỹ Kiêm cho biết.

Đồng quan điểm với TS Cao Sỹ Kiêm, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cũng cho rằng về tổng vốn tín dụng thì cho vay tiêu dùng sẽ ít hơn so với cho vay vốn để doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên nếu từng khoản vay thì cho vay tiêu dùng cũng chứa nhiều rủi ro cho các ngân hàng.

Rủi ro trong cho vay tiêu dùng được TS Hiếu chỉ ra, với doanh nghiệp ngân hàng có thể đánh giá khả năng trả nợ qua báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm, qua đó nắm được tình hình sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên với khoản vay cá nhân, khoản vay cho hộ gia đình việc đánh giá khả năng trả nợ rất khó.

“Trong trường hợp nếu cá nhân không trả được các khoản vay tiêu dùng ngân hàng chỉ còn cách khởi kiện, chi phí khởi kiện rất lớn, đây là rủi ro của ngân hàng”, TS Hiếu cho biết.

Mai Anh