Ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói về thương vụ mua đứt thị trấn Buford (Mỹ)

11/04/2012 06:40
Hân Ni
(GDVN) - “Tôi không đánh giá cao tới mức độ thổi phồng lên như vậy! Nhiều người Việt Nam còn nắm nhiều mảnh đất rộng lớn hơn mảnh đất đó nhiều lần”- Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - CTHĐQT Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên nói.
Đặng Lê Nguyên Vũ: Tôi ủng hộ nhưng không đề cao quá mức
Được biết đến là chàng trai trẻ với khát khao chinh phục toàn thế giới, năm 2004, Đặng Lê Nguyên Vũ (lúc này là Giám đốc Cà phê Trung Nguyên) được Hiệp hội Các nhà doanh nghiệp trẻ ASEAN chọn nhà doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất ASEAN 2004). Từ hai bàn tay trắng, sau 14 năm khởi nghiệp, Đặng Lê Nguyên Vũ đã xây dựng nên cả một sản nghiệp đồ sộ, đưa thương hiệu cà phê Trung Nguyên tới hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, Đặng Lê Nguyên Vũ nói: “Một ngày nào đó, ước mơ Việt Nam có vị trí lớn trên thế giới sẽ trở thành hiện thực. Để làm được điều đó cần rất nhiều việc để chúng ta tính toán. Trước hết phải xem văn hóa quốc gia, chiến lược quốc gia và cách thức tổ chức, thể chế… và cần hơn hết là móc nối khát vọng của người Việt. Nỗi niềm của người Việt mình phải có gì đó đẩy lên để tạo cảm hứng”.

Trong khi, chuyện ông Phạm Đình Nguyên, tuần qua từ Sài Gòn bay sang Hoa Kỳ mua thị trấn Buford ở bang Wyoming, một vùng đất có dân số ít nhất nước Mỹ, với giá 900 nghìn đôla đã được truyền thông và giới buôn bán nhà đất chú ý, đặc biệt, vụ mua bán này thu hút nhiều khách, không chỉ cư dân Mỹ mà cả người từ 46 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, chia sẻ với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, vị Chủ tịch của Tập đoàn cà phê Trung Nguyên lại cho rằng: Không nên đề cao việc đó quá mức.

TGĐ Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng: Không nên đề cao quá mức việc mua đứt thị trấn Mỹ của Phạm Đình Nguyên. Bởi trên thực tế có nhiều người Việt sở hữu những miếng đất đắc địa hơn, diện tích lớn hơn rất nhiều tại Hoa Kỳ.
TGĐ Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ cho rằng: Không nên đề cao quá mức việc mua đứt thị trấn Mỹ của Phạm Đình Nguyên. Bởi trên thực tế có nhiều người Việt sở hữu những miếng đất đắc địa hơn, diện tích lớn hơn rất nhiều tại Hoa Kỳ.

“Tôi mong muốn người Việt mình kiếm được m2 nào, tốt m2 đó, xử lý cái nào hay cái đó. Tôi ủng hộ thôi, nhưng đừng đề cao nó quá mức, tự dưng sẽ làm mất khát khao lớn lao của sứ mệnh chinh phục thế giới mà mình đang hướng tới” – Ông Vũ giãi bày.
Trước đó, nhắc tới việc mua đứt thị trấn Mỹ của Phạm Đình Nguyên, một số chuyên gia kinh tế hay một số nhà đầu tư, kinh doanh thành đạt đã từng tưởng tượng đến Las Vegas hoang vu trước khi thành kinh đô cờ bạc cực giầu của Nevada.

Biết đâu, Buford lại là loại kiến trúc xuất hiện từ thời Viễn Tây của Mỹ trên cánh đồng Buford có thể là viện bảo tàng về một thị trấn đang rơi vào chốn lỡ làng? Họ còn tưởng tượng ra: dưới lòng đất, đôi khi Buford còn chứa dầu khí có thể bơm lên xài? Hay là ta đổi mới thành nông trại đón khách phương xa ở bên kia Thái Bình Dương?

Nhưng sự thật thì Buford đã là kinh đô đón gió, những người phát triển địa ốc tại Hoa Kỳ có nhiều nơi đầu tư an toàn và sinh lợi cao hơn nhiều. Nói như Đặng Lê Nguyên Vũ thì: cần nhìn thấu bản chất của việc này, đừng tung hê một cách quá đáng! 

Tại sao người ta phát sốt với việc DN Việt mua đứt thị trấn Mỹ?

Báo chí trong nước đưa tin ông Phạm Đình Nguyên muốn phát triển cơ sở Buford thành một nơi trưng bày và phân phối các mặt hàng Việt trên nước Mỹ. Tuy nhiên, Đặng Lê Nguyên Vũ lại cảm thấy ngạc nhiên khi nhắc tới mục đích này? 
“Showroom trưng bày hàng Việt ư? Không thể nói như vậy. Nơi trưng bày hàng Việt phải có người qua, người lại, người mua, người bán, trong khi, Buford giờ chỉ là một nơi hẻo lánh, người chủ cũ của mảnh đất này bán đi với lý do nơi đó buồn heo hút cơ mà!”. 

Thị trấn Buford chỉ bao gồm một ngôi nhà với ba phòng ngủ, một trường học, một trạm xăng và một vài công trình xây dựng khác trên khuôn viên 10 mẫu đất dọc theo xa lộ 80, cách thủ phủ Cheyenne của bang khoảng 50 km về phía đông, được mang ra bán đấu giá với 25 người đăng ký mua (Ảnh: BBC).
Thị trấn Buford chỉ bao gồm một ngôi nhà với ba phòng ngủ, một trường học, một trạm xăng và một vài công trình xây dựng khác trên khuôn viên 10 mẫu đất dọc theo xa lộ 80, cách thủ phủ Cheyenne của bang khoảng 50 km về phía đông, được mang ra bán đấu giá với 25 người đăng ký mua (Ảnh: BBC).


Hơn nữa, cái thị trấn nhỏ của Mỹ mà doanh nhân người Việt kia mua chỉ rộng hơn 4ha (chính xác là 40.500 m2). “Thử hỏi 4ha thì làm được gì? Nó chỉ mang tính biểu tượng, cảm hứng về mặt tinh thần thôi. Nếu nói về việc sở hữu đất ở Hoa Kỳ, tôi thấy nhiều người Việt còn nắm nhiều mảnh đất rộng lớn hơn, hoành tráng hơn mảnh đất đó nhiều. Có những người chiếm trọn cả 100 ha, ở vị trí đắc địa hơn, tại sao chúng ta không nói tới?” – Đặng Lê Nguyên Vũ thắc mắc.
Nếu đứng trên phương diện tổng số vốn đầu tư thì 900.000 đô la của doanh nhân Phạm Đình Nguyên không có nghĩa gì với khối tài sản kếch xù ngoài kia, mỗi ngày, mỗi năm lại đang từng bước chuyển động. 

Ngoài ra, theo Đặng Lê Nguyên Vũ, có lẽ người mua đã bị “hoa mắt” bởi thuật quảng cáo tuyệt vời của người Mỹ, biến một “mảnh nhà” thành một thị trấn, giúp ông chủ cũ thu hoạch bất ngờ với giá cao ngoài sức tưởng tượng 900.000 USD. 

Công ty trung gian rao bán đấu giá với giá chào là trăm ngàn đồng thì giới thiệu bất động sản gồm có: ngôi nhà tiền chế bằng gỗ xúc có ba phòng ngủ đã mua từ năm 1994; một nhà học xây từ năm 1905 nay dùng làm văn phòng; một chuồng có thể chứa ba xe rưỡi, xây từ năm 1895; và một lều gỗ hơn trăm tuổi nay là một nhà kho.

Nhờ lời quảng cáo này mà ông Don Sammons, cư dân duy nhất tại đây trong 32 năm đã bán nguyên được “một thị trấn”, mấy chục nhà đầu tư đã tham dự cuộc đấu giá từ nhiều nơi, nhiều nước, trong khi trước đó, họ chỉ nhìn và xem xét qua điện thoại và Internet.

Có lẽ có một động cơ nào đó mới tạo được cảm hứng để cộng đồng Việt ủng hộ Phạm Đình Nguyên đến vậy! Thậm chí, nhiều tờ báo còn đưa tin: Cư dân Mỹ cũng phát sốt với doanh nhân trẻ mua đứt thị trấn Mỹ.

Theo CTHĐQT - TGĐ của Cà phê Trung Nguyên nhận xét: Chuyện mua đất này sốt vì thứ nhất, tại Hoa Kỳ, khủng hoảng tín dụng tại đây đang khiến nhiều người bị tịch thu nhà vì vỡ nợ. Thứ hai, nó liên quan tới việc người Việt làm được gì và không làm được gì. 

Việc người nước ngoài vào Mỹ mua nhà không phải là chuyện lạ vì luật ở đây cho phép dễ dàng. Sự việc bán một thị trấn nhỏ trong lúc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ còn kéo dài và được một doanh nhân từ Việt Nam mua với giá cao, phải chăng là nguyên nhân khiến nhiều người ngạc nhiên và bàn tán xôn xao suốt những ngày qua?!


Có thể bạn quan tâm:
Thú chơi khuyển của các đại gia Choáng với thú chơi của đại gia Việt
Những dịch vụ "Đệ nhất Hà thành" Bảo vệ Người tiêu dùng
Clip - Ảnh ấn tượng Kinh hoàng "công nghệ" thực phẩm bẩn
Lình xình ở nhà N05 Vinaconex Gía vàng - ngoại tệ theo ngày

Hân Ni