Ông Lê Thanh Vân: "Tham nhũng quyền lực sẽ phá hoại nền kinh tế"

18/12/2016 08:46
Mai Anh
(GDVN) - Sở dĩ bộ máy chúng ta còn để lọt vào nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn do cơ chế tuyển dụng khép kín trong một đơn vị, không minh bạch...

Những vụ việc bổ nhiệm thừa thãi cán bộ (8 Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông tỉnh Thanh Hóa; 44/46 cán bộ có chức vụ tại Sở Lao Động Thương binh và Xã hội Hải Dương) chưa kịp lắng xuống thì lại nổ ra vụ bổ nhiệm "siêu tốc" Vụ phó chỉ 26 tuổi.

Những điều bất thường ấy khiến cho dư luận có quyền nghi ngờ về sự thanh liêm, chính trực trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở các ngành, địa phương.

Điều đó cũng sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động mà Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ đang nỗ lực để đạt được.

Những dấu hiệu bất thường trong thi tuyển cán bộ công chức, viên chức cũng như bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trong bộ máy cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác điều hành, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Vụ bổ nhiệm Phó vụ trưởng tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ khiến dư luận đặt vấn đề về sự liêm chính của lãnh đạo. Nếu không ngăn chặn hiệu quả, những vụ bổ nhiệm bất thường như vậy sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của đất nước. - ảnh nguồn Vietnamnet.
Vụ bổ nhiệm Phó vụ trưởng tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ khiến dư luận đặt vấn đề về sự liêm chính của lãnh đạo. Nếu không ngăn chặn hiệu quả, những vụ bổ nhiệm bất thường như vậy sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của đất nước. - ảnh nguồn Vietnamnet.

Tham nhũng quyền lực gây thiệt hại cho nhà nước

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội nhận định: Việc lợi dụng chức quyền bổ nhiệm con, em, người nhà đã xảy ra và nếu thanh tra từ trên xuống dưới ở đâu cũng có, hiện tượng này ngày càng bộc lộ khi có sự vào cuộc của quần chúng nhân dân và đặc biệt là thông tin đại chúng.

“Sau trường hợp con trai ông Vũ Huy Hoàng, mới đây nhất là vụ bổ nhiệm 'siêu tốc' hai phó vụ trưởng ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Qua vụ việc đó nói lên sự liêm chính của cán bộ giữ các chức vụ quan trọng đang thiếu”, ông Lê Thanh Vân cho biết.

Ông Vân khẳng định, việc bổ nhiệm vào bộ máy lãnh đạo không phân biệt tuổi tác, dù người trẻ nếu thực sự có tài thì không ngại bổ nhiệm vị trí lãnh đạo.

Ở nhiều quốc gia, các nhân vật chính trị trẻ tuổi không phải hiếm. Họ có nền tảng hoạt động thực tế thể hiện năng lực và tài năng thực sự và được xã hội thừa nhận.

Ví dụ tại Mỹ mỗi năm họ tuyển khoảng 800 nhân sự phục vụ cơ quan nhà nước, họ được thi tuyển qua nghiêm ngặt dưới sự quản lý của ủy ban tuyển dụng nhân tài. Các ứng viên được ươm mầm từ trường đại học, vì thế nhân sự làm việc tốt. 

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng tham nhũng quyền lực còn nguy hiểm hơn tham nhũng kinh tế. ảnh: H.Lực
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng tham nhũng quyền lực còn nguy hiểm hơn tham nhũng kinh tế. ảnh: H.Lực

Có chung quan điểm về lựa chọn cán bộ không dựa vào tuổi đời, ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó ban tổ chức Trung ương cho rằng, việc bổ nhiệm cán bộ không căn cứ vào vấn đề tuổi tác nhưng phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn hay không.

Ngoài ra, cần phải xem quá trình công tác, tức các chức vụ được giao tại các đơn vị khác trước khi bổ nhiệm chức vụ mới.

“Nếu làm công tâm đúng quy định và người được bổ nhiệm có năng lực thì tuổi đời dù trẻ tôi hoàn toàn tán thành”, ông Hương nhấn mạnh.

Cũng nói bất cập trong vấn đề tuyển dụng nhân sự, theo ông Lê Thanh Vân pháp luật hiện đang có kẽ hở, các quy định về đánh giá, kiểm tra giám sát cán bộ dẫn đến hiện tượng lạm dụng quyền lực. 

“Lạm dụng quyền lực thực chất là tham nhũng quyền lực. Tham nhũng quyền lực nguy hiểm hơn tham nhũng về vật chất, tham nhũng tiền của nhà nước gây suy giảm tài sản nhà nước. 

Tiền mất đi chúng ta làm ra được nhưng tham nhũng quyền lực bằng việc bố trí những người không đủ năng lực, trình độ phẩm chất vào vị trí lãnh đạo có nguy cơ hơn nhiều vì tác động đến trật tự quản lý, đến uy tín của Đảng, của Nhà nước”, Đại biểu Vân nhận định.

Theo Đại biểu Lê Thanh Vân tham nhũng quyền lực bắt đầu từ việc thi tuyển, bổ nhiệm cán bộ. Dư luận nhân dân cho rằng việc tuyển dụng cán bộ vào làm việc tại các cơ quan nhà nước hưởng lương ngân sách đang có tiêu cực, phải mất tiền mới vào được.

“Cao hơn là mua quan - bán chức, thậm chí vơ vét quyền lực để bố trí cho con em, cháu chắt họ hàng đấy là hình thức tham nhũng nguy hiểm”, ông Vân nhấn mạnh.

Không chỉ vơ vét cho cá nhân, cho con cháu, người thân, mà những kẻ được bổ nhiệm bất thường (yếu kém tài, đức) còn không thể đảm đương được vị trí đã được bổ nhiệm, gián tiếp phá hoại nền kinh tế của đất nước, bởi vì mỗi quyết định đưa ra luôn có yếu tố cá nhân chứ không vì sự nghiệp chung của đất nước.

Ba giải pháp cốt lõi

Để khắc phục tình trạng này Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Thứ nhất, sửa đổi lại luật công chức - viên chức theo hướng quy định rõ quyền hạn, nhiệm vụ của từng chức danh, chức vụ vị trí được tuyển dụng, bổ nhiệm. Quy định tiêu chuẩn mạch lạc rõ ràng từ nhân viên đến lãnh đạo.  

Ông Lê Thanh Vân: "Tham nhũng quyền lực sẽ phá hoại nền kinh tế" ảnh 3

Hàng chục nghìn tỷ đồng biến mất, không thể thu hồi?

Trong đó có tiêu chuẩn chính trị tư tưởng, đạo đức, tiêu chuẩn bằng cấp và đặc biệt là thực lực.

Muốn biết thực lực phải qua thi tuyển, nhất định phải thi tuyển không để tồn tại xét tuyển đặc cách như hiện nay. 

“Sở dĩ bộ máy chúng ta còn để lọt vào nhiều trường hợp không đủ tiêu chuẩn do cơ chế tuyển dụng khép kín trong một đơn vị, không minh bạch, không qua thi tuyển, mà xét tuyển đặc cách. 

Phải có cơ chế thi tuyển minh bạch để sàng lọc, dù người tài cũng phải qua thi tuyển, trừ đối tượng đặc biệt có tính chất xã hội như con em liệt sĩ, người đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Vân nói. 

Mặt khác trong quá trình thi tuyển theo ông Vân cần đổi mới cách thi, đề thi hướng vào tính sáng tạo, tự chủ của ứng viên tham gia thi, không dựa vào giáo trình có sẵn như hiện nay.

“Người xưa chỉ thi 4 môn để chọn được nhân tài gồm kinh văn (lý luận); chế chiếu (soạn thảo văn bản quy định pháp luật); thi phú (cảm nhận tự nhiên xã hội) và văn sách (hiến kế trị quốc cho đất nước).

Ngày nay chúng ta không máy móc áp dụng nhưng cần kế thừa, đề thi đưa ra tuyển dụng cán bộ viên chức, công chức cần thoát khỏi giáo trình hướng đến tính sáng tạo của thí sinh”, ông Vân cho biết. 

Nêu ví dụ cách thi tuyển theo ông Vân cần yêu cầu ứng viên vận dụng tri thức đã học vào tình huống thực tế, thi phỏng vấn, thi soạn thảo văn bản phạm pháp luật…Nếu thi tuyển như vậy chỉ có người tài thực sự mới vượt qua.

Trong khi cách thi tuyển hiện nay của chúng ta là kiểm tra lại kiến thức theo kiểu thuộc lòng.

Thứ hai với cán bộ bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cũng phải thi tuyển, thi tuyển ở đây đòi hỏi cao hơn với thi tuyển công chức, viên chức hướng đến năng lực quản lý.

“Yêu cầu với cấp quản lý là chấp hành chính sách pháp luật và điều hành bộ máy quản lý, phải 'đầu đội chủ trương - tay cầm chính sách'. Thi tuyển dụng cán bộ lãnh đạo hướng đến tính sáng tạo nhập cuộc vào bộ máy, nhập cuộc vào lãnh đạo, xem anh điều hành bộ máy ra sao”, ông Vân nói.

Thứ ba thực hiện thí điểm chế độ tiến cử và tập sự lãnh đạo, tiến cử ở đây là cá nhân tiến cử, tập thể tiến cử, tự tiến cử. 

Để thực hiện cần phải cụ thể bằng luật. Tiến cử cần phải có chế tài quy định về mức thưởng phạt công minh, ràng buộc trách nhiệm.

Mai Anh