"Ông lớn" ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất sẽ tác động đến toàn thị trường

02/05/2016 07:56
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc 3 ngân hàng lớn Vietcombank, BIDV, VietinBank thông báo hạ lãi suất cho vay sẽ tác động đến lãi suất cho vay của toàn hệ thống.

Hiệu ứng từ cuộc đối thoại với Thủ tướng 

Thị trường tài chính ngày 29/4 ghi nhận hàng loạt các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank)… phát thông báo giảm lãi suất và áp trần lãi suất cho vay 10%/năm với doanh nghiệp.

Riêng BIDV, lãi suất cho vay ngắn hạn cũng giảm nhẹ (giảm 0,5%) nhưng chỉ áp dụng cho khách hàng tốt, vay vốn để sản xuất kinh doanh.

Tiếp sau động thái trên, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội nhận được lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5% đến 1% so với lãi suất cho vay chung đạt các tiêu chí do Techcombank đưa ra.

Ngoài Techcombank, những ngân hàng khác như SHB, TPBank cũng đang xem xét giảm lãi suất.

Các ngân hàng lớn đồng loạt giảm lãi suất do hiệu ứng từ Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 - ảnh nguồn Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Các ngân hàng lớn đồng loạt giảm lãi suất do hiệu ứng từ Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 - ảnh nguồn Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Như vậy, lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây các ngân hàng đồng loạt thông báo giảm lãi suất cho vay. Mức giảm khá lớn, dao động từ 0,5% - 1% so với mức lãi suất cho vay chung hiện nay. 

Đánh giá những những chuyển biến hạ lãi suất cho vay của các ngân hàng, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng nhận định: Chuyển biến này xuất phát từ hiệu ứng sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2016.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, tại Hội nghị doanh nghệp Việt Nam 2016 ở vai trò chủ trì, Thủ tướng đã lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp trong đó có vấn đề vay vốn, cụ thể là lãi suất cho vay hiện nay cao doanh nghiệp khó cạnh tranh.

Theo ông Hiếu, hiện nay lãi suất cho vay tại Việt Nam đang ở mức 7-11%/năm (bình quân 8,5%/năm). Đây là mức lãi suất tốt nhất trong nhiều năm qua (thấp hơn cả mức 2006 - 2007 (8-12%/năm).

Lãi suất cho vay bình quân 8,5%/năm của Việt Nam hiện nay chỉ thấp hơn Ấn Độ (10%), và cao hơn các nước trong khư vực ASEAN (đang ở mức khoảng 6-7%/năm), do đó bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN).

Ngân hàng BIDV đi đầu trong động thái giảm lãi suất cho vay - ảnh nguồn BIDV
Ngân hàng BIDV đi đầu trong động thái giảm lãi suất cho vay - ảnh nguồn BIDV

Theo đó, để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt phát triển phải giảm lãi suất cho vay xuống từ 0,5 - 1% so với hiện nay.

“Trước yêu cầu giảm lãi suất, Chính phủ muốn các ngân hàng phải tìm giải pháp, tức là phải có ngân hàng đi đầu. Ở vai trò đầu tàu của ngành tài chính ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank thực hiện giảm lãi suất chính là động thái tốt cho thị trường.

"Ông lớn" ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất sẽ tác động đến toàn thị trường ảnh 3

"Hội nghị Diên Hồng" với doanh nghiệp lần này rất khác, rất đặc biệt

"Ông lớn" ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất sẽ tác động đến toàn thị trường ảnh 4

Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà: Để doanh nghiệp phát triển cần hoàn thiện thể chế

Mặt khác, các ngân hàng giảm lãi suất chứng tỏ thiện chí ủng hộ chủ trương của Chính phủ hỗ trợ cho vay doanh nghiệp. Hy vọng việc các ngân  hàng lớn hạ lãi suất sẽ tạo ra xu hướng chung để các ngân hàng trong hệ thống cùng giảm lãi suất”, TS. Hiếu cho biết.

Đi đầu tạo cạnh tranh

Theo TS. Hiếu, mong muốn của doanh nghiệp về việc giảm lãi suất cho vay là rất chính đáng. Tuy nhiên mong muốn đó so với thực tế hiện nay cho thấy triển vọng giảm lãi suất không dễ.

Ba yếu tố là bước cản khiến các ngân hàng, đặc biệt ngân hàng nhỏ khó giảm lãi suất được TS. Hiếu chỉ rõ: Thứ nhất triển vọng thực hiện việc giảm lãi suất còn khoảng cách, bởi các ngân hàng chi phí vốn vẫn tăng.

Cụ thể, vừa qua các ngân hàng thực hiện tăng lãi suất tiền gửi, trong trường hợp lãi suất tiền gửi tăng như hiện nay thì lãi suất cho vay khó có thể hạ xuống.

Thứ hai, tỷ lệ lạm phát năm nay có thể tăng lên từ 3% - 5%. Năm ngoái tỷ lệ lạm phát rất thấp ở mức 0,63%, tuy nhiên nếu năm nay lạm phát tăng lên sẽ khiến lãi suất khó có thể giảm.

Lãi suất huy động thường cao hơn 2% so với tỷ lệ lạm phát, nếu tỷ lệ lạm phát tăng 3% - 5% thì lãi suất huy động phải từ 5% là ít nhất.

“Với biên độ lợi nhuận như vậy, lãi suất cho vay vẫn có thể dao động ở mức 9% - 11%/ năm”, TS. Hiếu nói.

Thứ ba, yếu tố tỷ giá cũng tác động đến lãi suất cho vay. Hiện tại tỷ giá đang ổn định. Nhưng sự ổn định này đến từ việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất huy động bằng đồng USD xuống còn 0%. Điều này khiến chênh lệch giữa gửi lãi suất bằng VND và USD ra tăng. 

“Nếu lãi suất tiền gửi VND hiện nay giảm xuống sẽ giảm mực chênh lệch gửi lãi suất giữa USD và VND. Điểm tiêu cực khi giảm lãi suất huy động VND ở chỗ có thể khơi dậy việc găm giữ USD bằng cách lấy tiền VND để đổi sang USD. Như vậy nguồn vốn lưu động sẽ cạn”, TS. Hiếu cho biết.

Từ những phân tích trên theo TS. Hiếu rất khó có thể giảm lãi suất.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng/Ảnh: Hoàng Lực.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng/Ảnh: Hoàng Lực.

Dù khó có thể giảm lãi suất cho vay trong một thời gian ngắn nhưng TS. Hiếu vẫn khẳng định: Động thái các ngân hàng lớn sẽ mở đầu cho xu hướng thị trường. Vì các ngân hàng muốn cạnh tranh với BIDV, Vietcombank hay Vietinbank buộc phải giảm lãi suất cho vay.

Để toàn bộ hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay, TS. Hiếu đồng quan điểm với đề xuất của Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà về việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Cụ thể Ngân hàng Nhà nước cần xem xét điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ mức 3% (kỳ hạn dưới 1 năm), 1% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với VND và 8% (kỳ hạn dưới 1 năm), 6% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với ngoại tệ về cùng 1 mức là 1%, riêng tỷ lệ với ngoại tệ kỳ hạn ngắn có thể xem xét ở mức 3%.

Đồng thời điều chỉnh giảm tỷ lệ dữ trữ thanh khoản (theo Thông tư 36) từ mức ≤ 10% về mức ≤ 8%.  Việc giảm dự trữ bắt buộc này sẽ giải phóng thêm ngồn vốn tín dụng cho nền kinh tế tạo điều kiện ngân hàng giảm lãi suất.

Mai Anh