"Phải tránh tình trạng Trung ương mở, nhưng địa phương có quy định riêng"

03/01/2019 06:26
Tùng Dương
(GDVN) - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành dự báo năm 2019 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải vượt qua nhiều khó khăn.

Có thể nói nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 phát triển tương đối tốt, GDP của nước ta đạt mức kỷ lục, đạt 7,08% - là mức cao nhất trong 10 năm qua và cũng cao hơn dự báo.

Đáng lưu ý, dù tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ được mục tiêu CPI, thâm hụt ngân sách giảm, thị trường chứng khoán ổn định. Điều đó chứng tỏ Chính phủ đang đi đúng hướng.

Quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với đầu nhiệm kỳ.

Điều đó dự báo chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, trong đó đến nay đã có 11 chỉ tiêu đạt và vượt. Đó là điều đáng mừng.

Ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018.

Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, cao nhất giai đoạn 2012-2018.   

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. Ảnh: Vũ Phương.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. Ảnh: Vũ Phương.

Về công nghiệp năm 2018 duy trì mức tăng trưởng khá với 8,79%. Tuy nhiên, ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm, giảm 3,11%.

Ngành xây dựng duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 9,16%. Vậy khu vực này cần cố gắng và thực hiện sát với định hướng của Chính phủ.

Về ngành dịch vụ năm 2018 tăng 7,03%, tuy thấp hơn mức tăng 7,44% của năm trước nhưng cao hơn so với các năm 2012-2016. Vậy cũng đã có bước chuyển biến.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Năm 2018, đóng góp của năng suất các nhân tố vào tăng trưởng GDP đạt 43,5%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011-2015. Điều này giúp cho đời sống của người dân được nâng lên khá nhiều.

"Phải tránh tình trạng Trung ương mở, nhưng địa phương có quy định riêng" ảnh 2

Chống tham nhũng có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế

Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%.

Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165.000 doanh nghiệp.

Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam trong năm tới 2019 sẽ có bước đột phá lớn.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 244,72 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 237,51 tỷ USD. Như vậy, cả nước xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD. Một con số mà nay chúng ta mới đạt được.

Năm 2018 khép lại với những con số rất ấn tượng, khẳng định 2018 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam. Ảnh: VOV
Năm 2018 khép lại với những con số rất ấn tượng, khẳng định 2018 là một năm thành công của kinh tế Việt Nam. Ảnh: VOV

Theo ông Bùi Kiến Thành, dự báo nền kinh tế Việt Nam năm 2019 có nhiều tín hiệu đáng mừng.

Chính phủ đã xác định tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hành động, phục vụ nhân dân, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ và tạo sức lan tỏa về khát vọng Việt Nam hùng cường tới cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân.

Đồng thời đề xuất, xác định giải pháp trọng tâm trong năm 2019 gắn với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, cao hơn năm 2018. Điều này ghi nhận sự quyết liệt của Chính phủ trong giai đoạn tiếp theo.

Chính phủ cũng đã xác định các nhóm giải pháp lớn cho năm 2019 là tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cùng với đó, phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí. Những việc như vậy rất hợp với lòng dân. 

Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Tất cả những điều đó như ghi nhận một bước chuyển biến quyết liệt của Đảng, Chính phủ cũng như sự cố gắng của toàn xã hội.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng chỉ ra hai vấn đề cần lưu ý đó là: Thẻ vàng về thủy sản của EU ta bị từ năm 2017 và hiệp định thương mại tự do với EU.

Về vấn đề thẻ vàng của EU cho thủy sản của Việt Nam thì năm 2018 chúng ta cũng chưa làm được gì nhiều để gỡ thẻ vàng đó.

Một mặt ngư dân của ta với mấy trăm ngàn con tàu ra khơi đánh bắt thủy sản ngoài biển, thả lưới cào hết tất cả con to con nhỏ.

Con nhỏ không bán được thì làm thức ăn gia súc, làm phân bón. Điều đó gây tác hại cho cả một quá trình lâu dài về sau đối với nguồn thủy sản.

Việc đó cũng làm cho những con cá lớn không còn thức ăn để phát triển mà những đàn cá lớn đó cũng là nguồn tài sản của đất nước.

Vấn đề này chúng ta cần quan tâm sát hơn nữa, mà cơ quan chủ trì sẽ là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trực tiếp là Tổng cục thủy sản.

Để giải quyết tận gốc vấn đề này cần đưa ra một lộ trình cụ thể từng bước tháo gỡ những vấn đề EU quan tâm và cụ thể những việc mà ta vi phạm.

"Phải tránh tình trạng Trung ương mở, nhưng địa phương có quy định riêng" ảnh 4Thủ tướng mong muốn được nghe "hiến kế" tăng trưởng kinh tế

Nếu không chi tiết như vậy thì không thể giải quyết được vấn đề này, xa hơn nữa là tiếp tục gây ảnh hưởng tới kế hoạch phát triển, xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường EU và nhiều quốc gia khác.

Lúc đó ngành thủy sản của Việt Nam sẽ bị thiệt hại tới mức nào?

Đã đến lúc các ngành chức năng của ta phải thức dậy, có hướng giải quyết chi tiết, cụ thể chứ không thể nói sẽ dàn xếp là xong.

Hồ sơ thứ 2 là Hiệp định thương mại tự do với EU. Phía EU đã đưa vấn đề này ra để bỏ phiếu nhưng hội đồng chưa thể bỏ phiếu được là vì từng quốc gia trong hội đồng đó vẫn còn những tranh cãi chưa thống nhất được.

Vì vậy, ta phải tìm hiểu từng quốc gia trong hội đồng đó xem có những nhóm thế lực nào và vì sao họ chưa thống nhất, từ đó mới có những giải pháp cụ thể để tháo gỡ.

Thực tế thì hiệp định EU còn rất nhiều việc phải làm như đi sâu vào tìm hiểu từng quốc gia, từng nhóm quyền lực trong mỗi nước để tìm cách tháo gỡ nhưng những việc cụ thể như vậy thì chưa thấy Bộ nào làm một cách hiệu quả.

Nhìn tổng thể thì những thành tựu đã đạt được trong nền kinh tế của nước ta năm 2018 quả là những con số ấn tượng và đáng mừng.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải sát sao hơn nữa, đi vào những việc cụ thể và tìm hướng giải quyết dứt khoát và hiệu quả.

Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần cụ thể hơn, trách tình trạng Trung ương mở nhưng tỉnh lại đóng bằng các luật riêng.

Về vấn đề này đã có nhiều Đại biểu Quốc hội đề cập, trong đó ông Lê Như Tiến từng nói tại kỳ họp của Quốc hội giữa năm 2016 rằng có tình trạng "trên rải thảm, dưới rải đinh", hay "đất lành chim đậu, nhưng chim chưa kịp đậu đã nhậu hết chim".

Nhiều nơi làm khó nhà đầu tư như cắt điện, cắt nước, dựng rào, chắn cổng, người thi hành công vụ vòi vĩnh, nhũng nhiễu trắng trợn đòi tiền lót tay, bôi trơn, làm doanh nghiệp khốn đốn, doanh nhân nản lòng.

Khối doanh nghiệp được hỗ trợ thì họ mới có lợi thế để vươn lên cạnh tranh và phát triển mạnh. Doanh nghiệp mạnh thì mọi sự sẽ khởi sắc theo.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, một điểm đặc biệt nữa cần lưu ý là phải cơ cấu lại ngành ngân hàng một cách cụ thể hơn, kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém làm ăn thua lỗ. 

Thực tế hiện nay nhiều ngân hàng chỉ quan tâm đến doanh nghiệp khi vay vốn thì có gì thế chấp không chứ không quan tâm họ vay vốn để làm gì. Ngân hàng nên tìm hiểu khi vay vốn thì doanh nghiệp đó sẽ làm gì, lãi lời ra sao, dòng tài chính đi và về như thế nào, họ làm gì để trả lãi được số vốn vay ngân hàng và họ có thực sự vay vốn để sản xuất không?

Nếu làm tốt được việc đó sẽ giúp cho ngân hàng có cái nhìn thực tế hơn, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp chân chính làm ăn có hiệu quả, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo đúng định hướng của Chính phủ và nghị quyết Trung ương đã đề ra.

Tùng Dương