Phát hiện doanh nghiệp dùng chất tạo nạc cho... thủy sản

10/12/2015 10:25
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Qua 4 tháng cao điểm thanh, kiểm tra Thanh tra Bộ NN&PTNT và lực lượng công an phát hiện 15 doanh nghiệp trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi.

Thông tin mới nhất trên báo Giao thông dẫn lời ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ NN&PTNT) cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện Công ty sản xuất thuốc Thú y Thủy sản see Bird (địa chỉ tại Đồng Nai) có sử dụng chất tạo salbutamol.

Cụ thể, tại công ty này có 17,5 kg chất salbutamol ghi rõ tên trên bao bì. Lực lượng chức năng cũng bắt quả tang một nhân viên đang xách 3 kg chất này. Ngoài việc xử lý đơn vị vi phạm, cơ quan thanh tra đang tiến hành truy xuất ngược đơn vị dược cung cấp chất tạo nạc cho cơ sở. 

Ông Phạm Tiến Dũng cũng cho hay, trong quá trình kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngoài hành vi dùng salbutamol để “bông đùi, nở vai” cho heo, có hiện tượng người dân sử dụng chất này trong chăn nuôi thủy sản.

“Chúng tôi đang điều tra, làm rõ nguyên nhân tại sao lại cho thủy sản ăn chất này?”, ông Dũng nói.

Mới đây qua kiểm tra, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã phát hiện 16% các mẫu thịt được kiểm tra có chất tăng trọng, tạo nạc; 7,6% mẫu thịt có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.

Đáng ngại là 80% các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi được thanh tra và phát hiện có sử dụng chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chất cấm được doanh nghiệp pha, trộn vào thức ăn chăn nuôi thường là chất tạo nạc, chất tăng trọng và chất tạo màu…

Thức ăn chăn nuôi trộn chất cấm tại Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Ảnh nguồn: Xuân Long - Báo Thanh Niên)
Thức ăn chăn nuôi trộn chất cấm tại Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Ảnh nguồn: Xuân Long - Báo Thanh Niên)

Chất tạo nạc là nhóm chất hóa học có đặc tính khiến vật nuôi tăng lượng nạc, giảm mỡ. Đây là nhóm chất được sử dụng nhiều trong chăn nuôi. Trên thị trường đang tồn tại 3 chất tạo nạc sử dụng phổ biến là sabutamol, ractopamine, clenbuterol, trong đó sabutamol là chất được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. 

Theo GS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) sabutamol tồn dư trong động vật bao nhiêu sẽ dễ dàng hấp thụ vào bấy nhiêu. 

Sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Trên động vật, khi được cho ăn với một lượng lớn (1.000 – 6.000 mg/ngày) sẽ làm chuyển hóa nhanh các mô mỡ để tăng khối lượng nạc, các sợi cơ phình ra làm tăng tỷ lệ thịt mông, đùi, làm da bóng mượt.

Trong cơ thể vật nuôi, tồn dư của sabutamol được bài tiết dần qua nước tiểu nhưng chúng vẫn bị tích lũy lâu trong gan, thận, mỡ, vọng mạc và không bị phân hủy khi nấu chín ở nhiệt độ cao. 

Theo Bộ NN&PTNN, ngoài sabutamol, chất vàng ô là chất tạo màu dùng trong công nghiệp vải sợi hoặc ve tường xây dựng cũng đượng doanh nhiều doanh nghiệp trộn vào thức ăn cho gà để tạo màu vàng đẹp mắt. Người tiêu dùng khi ăn phải tồn dư chất này trong thịt gà có thể bị ung thư.

Tình trạng trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi không chỉ diễn ra với thức ăn giá súc gia cầm mà ngay cả thức ăn chăn nuôi thủy hải sản cũng có chất cấm tạo nạc.

Gần đây nhất Thanh tra chuyên ngành (Bộ NN&PTNT) cho biết, lực lượng chức năng vừa phát hiện Công ty sản xuất thuốc Thú y Thủy sản see Bird (địa chỉ tại Đồng Nai) có sử dụng chất tạo salbutamol. 

Trước đó Thanh tra chuyên ngành Bộ NN&PTNT và lực lượng công an đã phát hiện 15 doanh nghiệp có hành vi trộn chất cấm, chất tạo nạc, chất vàng ô vào thức ăn chăn nuôi.

Nhằm phát hiện xử lý kịp thời doanh nghiệp có hành vi vi phạm, mới đây ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành, thanh tra Bộ NN&PTNT cho hay sẽ có cơ chế thưởng “nóng” cho người báo tin về thực phẩm bẩn. 

Cụ thể, người báo tin thực phẩm bẩn có giá trị sẽ được thưởng mức từ 1 – 50 triệu đồng. 

Trước đó, tại phiên họp chuyên đề với 5 bộ ngành chức năng về tình hình sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản và các chất dùng trong chế biến thực phẩm, nông nghiệp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng đang ở giai đoạn quá nguy hiểm và việc đấu tranh là “mệnh lệnh của nhân dân”.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường, đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn cho được tình trạng này từ nay đến Tết Nguyên đán, phải xử lý hình sự, phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất (đóng cửa, thu hồi giấy phép) đối với hành vi này.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi xảy ra địa bàn nào, người đứng đầu địa bàn phải chịu trách nhiệm.

Danh sách doanh nghiệp bị Thanh tra Bộ NN&PTNT và lực lượng công an phát hiện trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi:

- Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương): Trộn Salbutamol và chất tạo màu công nghiệp Auramine vào thức ăn chăn nuôi để bán ra thị trường.

- Công ty TNHH Thịnh Đức (Bắc Giang): Trộn Salbutamol và chất tạo màu công nghiệp Auramine vào thức ăn chăn nuôi để bán ra thị trường.

- Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương).

- Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long (Khu công nghiệp Phố Nối, Hưng Yên)

- Công ty TNHH Thiên Tôn (Hải Dương)

- Công ty Vimark (Bắc Giang)

- Công ty Đại An Tín (Hải Dương)

- Công TNHH Tino

- Công ty Menon (Q.Bình Tân).

- Công ty CP SX&TM Đại An Tín: Sử dụng chất vàng ô

- Công ty TNHH Vimark: Sử dụng chất vàng ô

- Công ty SX thuốc thú y Khoa Nguyên: Sử dụng chất vàng ô

- Công ty TNHH thuốc thú y- thủy sản Cường Phát: Sử dụng chất vàng ô

- Công ty TNHH CPTM và SX Bắc Âu Mỹ: Sử dụng chất vàng ô

- Công ty TNHH sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên (đường Âu Cơ, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú): Dùng chất tạo nạc hiệu Samurai.

Mai Anh (Tổng hợp)